Xã hội

Nên chọn nghề vì thiên hướng phát triển kỹ năng

DNVN - “Có nhiều học sinh học giỏi nhưng vẫn đi học nghề vì thiên hướng của họ là phát triển kỹ năng nghề”. Đây được xem là một nét mới về chuyển biến nhận thức của xã hội và trong công tác truyền thông giáo dục nghề nghiệp năm 2022…

Mở rộng cơ hội việc làm thông qua đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia / Việt Nam có thêm cơ sở đào tạo theo mô hình giáo dục khai phóng

Hình ảnh giáo dục nghề nghiệp tiếp cận với kỹ năng nghề mới với thiết bị công nghệ hiện đại

Truyền thông sự khác biệt

Trao đổi ý kiến tại Hội nghị đánh giá công tác truyền thông giáo dục nghề nghiệp năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ công tác truyền thông năm 2023, ông Nguyễn Đức Lưu - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh chia sẻ: Hiện nay xã hội vẫn còn tư duy lối mòn người học giỏi mới học đại học, còn học dốt thì chọn trường nghề. Tuy nhiên, có nhiều học sinh học giỏi đã quyết định học nghề vì thiên hướng của họ là phát triển kỹ năng nghề. Do đó, ai có khả năng học đại học thì chọn đại học, ai muốn rèn luyện, phát triển tay nghề thì hãy chọn cao đẳng.

Thực tế cho thấy, không nhất thiết phải truyền thông là học nghề mới tốt mà cần tư vấn, định hướng một cách khoa học để phân luồng xu thế năng lực, tố chất, năng khiếu của học sinh cấp, tránh tình trạng các em chọn nhầm môi trường học, nhầm nghề hoặc học xong không được thị trường lao động đón nhận. Truyền thông đi sâu vào các nội dung về cơ hội việc làm sau đào tạo, chất lượng đào tạo tay nghề tiếp cận công nghệ hiện đại gắn với sản xuất tại doanh nghiệp.

Hiện nay, các phương thức truyền thông đã được đa dạng hóa, do đó cần tận dụng tốt các kênh báo chí hay mạng xã hội như Youtube, Tiktok, Facebook, xây dựng hoạt động truyền thông hiệu quả, kết nối với kênh truyền thông của các trường THPT, THCS để phổ biến thông tin đến đông đảo học sinh.

Nêu quan điểm về truyền thông giáo dục nghề nghiệp, ông Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội nhấn mạnh về việc định vị thương hiệu của nhà trường. Truyền thông phải tạo ra sự khác biệt. Các trường đào tạo những nghề giống nhau phải cạnh tranh nhau bằng giá trị riêng, xây dựng và định vị hình ảnh riêng của mình.


Ông Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội chia sẻ tạiHội nghị đánh giá công tác truyền thông giáo dục nghề nghiệp năm 2022

Truyền thông trước hết phải trung thực và bảo đảm chất lượng đào tạo thực tế, nếu các trường cung cấp thông tin không trung thực thì sẽ phạm vào đạo đức nhà giáo, chỉ lừa xã hội được một vài lần. Theo ông Đồng Văn Ngọc, nhà trường thường mời báo chí đến và đưa tin về hoạt động của mình. Những sự kiện này được chuẩn bị rất kỹ càng để hình ảnh của giáo dục nghề nghiệp nói chung và nhà trường nói riêng được trau chuốt. Nếu truyền thông bằng việc đăng tải những hình ảnh học sinh sinh viên mặc quần áo nhếch nhác, môi trường học tập bẩn bụi, thiết bị đào tạo cũ kỹ, lỗi thời,… khi nhìn vào, không ai muốn học ở những môi trường như vậy.

Thông điệp nâng tầm kỹ năng lao động

Theo đánh giá tổng quan công tác truyền thông năm 2022, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã quan tâm bố trí nguồn lực cho công tác tuyên truyền, chú trọng truyền thông trong các hoạt động, sự kiện về giáo dục nghề nghiệp. Tổng cục đã chỉ đạo các địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan báo chí trong công tác tuyên truyền. Năm 2022, đã đặt hàng xây dựng gần 500 tin, bài về giáo dục nghề nghiệp. Các tin, bài đăng tải trên website và fanpages của Tổng cục đã thu hút được số lượng lớn độc giả tiếp cận.

Phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức thành công Cuộc thi viết về kỹ năng lao động. Webstie của Tổng cục cũng đã kịp thời đăng tải đầy đủ các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, văn bản chỉ đạo điều hành của Bộ, Tổng cục, các hoạt động, sự kiện, các tin tức được cập nhật hàng ngày và thu hút được đông đảo người theo dõi.

Duy trì hiệu quả fanpage của Tổng cục để cập nhật thông tin, hình ảnh nhanh nhất tới độc giả và thực hiện livestream các hoạt động, sự kiện giáo dục nghề nghiệp. Trung bình hàng tuần, fanpage tiếp cận hơn 30 nghìn lượt theo dõi các bài đăng, số người theo dõi ngày càng cao và dần trở thành kênh thông tin hiệu quả, tin cậy đối với xã hội.

Vận hành ứng dụng Chọn nghề - Chọn trường trên thiết bị di động cung cấp thông tin về các ngành nghề đào tạo, xu hướng phát triển của nghề... đồng thời, cho phép người học đăng ký xét tuyển trực tuyến vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Ứng dụng đã cập nhật được thông tin của gần 1.000 cơ sở đào tạo, với hơn 800 nghề đào tạo và thường xuyên có khoảng 10 nghìn người truy cập.

Công tác truyền thông giáo dục nghề nghiệp đã làm nổi bật các thông điệp "Đồng hành nâng tầm kỹ năng lao động - Vì một Việt Nam thịnh vượng", "Giáo dục nghề nghiệp: Thực học - Thực hành - Vững khởi nghiệp, sáng tương lai", "Tương lai tươi sáng cùng giáo dục nghề nghiệp".

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Phạm Vũ Quốc Bình cho biết: Định hướng, mục tiêu của truyền thông năm 2023 là tiếp tục nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò, vị trí của giáo dục nghề nghiệp. Nhận thức này phải mở rộng phạm vi truyền thông, để xã hội hiểu về cách làm, nội dung, hợp tác quốc tế, chương trình truyền thông chuyên sâu hơn, đa dạng hóa hình thức truyền thông để phù hợp với giới trẻ hơn… Khẳng định giáo dục nghề nghiệp là bậc học quan trọng trong thống giáo dục quốc dân, cấu phần không thể thiếu của thị trường lao động.


Anh Quang
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm