Xã hội

Những người hùng kẻ biển vì nghĩa đồng bào xả thân trong lũ dữ

DNVN - Tại Quảng Bình trong cơn đại hồng thủy vừa qua, nếu không có những “người hùng” thì chắc con số báo cáo về mất mát đau thương sẽ nhân lên nhiều hơn nữa. Trong đêm lũ dữ đổ về (18/10) họ đã lao ra cứu dân, họ là những người dân Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy, Hải Ninh, hay những cán bộ thôn xã đã vì dân mà dầm mình trong lũ dữ biết bao ngày đêm.

Sạt lở Thuỷ điện Rào Trăng 3: Đã tiếp cận nơi 13 cán bộ cứu hộ gặp nạn, xuyên đêm tìm người / Đà Nẵng: Trường mầm non, tiểu học phải đình chỉ dạy, chuyển đi nơi khác do xây nhà 8 tầng làm nghiêng, lún, nứt nhà dân và trường học

Tại Quảng Bình trong đại hồng thủy vừa qua, nếu không có những “người hùng” thì chắc con số báo cáo về mất mát đau thương sẽ nhân lên gấp bội, nhưng nhờ những người đứng ra làm việc vì cộng đồng, vì nhân dân mà thương đau giảm đi rất nhiều. Trong đêm lũ dữ đổ về (18/10/2020) họ đã lao ra cứu dân, họ là những người dân Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy, Hải Ninh, hay những cán bộ thôn xã đã vì dân mà dầm mình trong lũ dữ biết bao ngày đêm.

Vùng lũ Quảng Bình giờ đây nước đã rút, công tác khắc phục sau lũ đã bắt đầu, mọi thứ vẫn đang dần trở lại. Theo bà Sáu, ở Phong Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình thì “Trận lũ này càn quét và có sức tàn phá như chiến tranh vừa qua đây”.

Người dân vùng lũ giờ đây cũng đã dần ổn định cuộc sống, cái sân ngập bùn đất cũng đã quét dọn sạch, vườn sau màu xác xơ cũng đã cuốc xới lại, rồi họ đang tranh thủ cơn nắng ráng trong ngày để phơi vội tấm chăn còn chưa dòn nắng, hong khô bồ lúa còn sót lại trong trận lũ… Và họ lại chuẩn bị đón bão về.

Dù bận rộn như vậy, nhưng người dân vùng lũ Quảng Bình không thể không nhắc tấm chân tình của người dân cán bộ thôn xã và dân vùng biển dành cho mình. Nhờ có những cán bộ thôn xã, hay những người dân vùng biển đã nhảy vào tâm của trận đại hồng thủy trong đêm 18/10 đến những ngày18, 19, 20, 21/10 để cứu dân, họ xứng đáng được gọi là những người hùng vì nghĩa đồng bào xả thân trong lũ dữ.

Cán bộ thôn, xã xả thân cứu dân

Trong những ngày lũ chồng lũ, Chủ tịch xã An Thủy, Lệ Thủy Lê Văn Quyếtđã bơi cứu dân trong cơn dữ, ông cùng công an xã, cán bộ xã trong 2 ngày đã cõng bơi, đi đò nhỏ cứu được hơn 100 người thoát chết trong lũ. Cứu dân xong kiệt sức, họ phải nhờ y tế đến tiêm thuốc mới hồi sức để lo cho dân.

Chủ tịch UBND xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh Nguyễn Văn Hoan. Lũ lên nhà chạm mái, ông Hoan lao vào lũ cùng các cán bộ khác để cứu dân. Lũ lớn về, không may thuyền chìm, ông phải bơi vào trụ sở xã…. Nhờ ông và anh em cán bộ xã, 50 người dân thoát khỏi cơn lũ dữ.


Cũng trong những ngày lũ về, nhiều dân làng các vùng ghi nhận tậm lòng của các bác trưởng thôn, các tình nguyện viên trong bão lũ.

Hôm chúng tôi đến làng xã Tân Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình, cả làng quê ngập trong dòng nước lũ, nhiều người cả 2 ngày ăn chỉ một gói mì tôm, nhờ có đội tự nguyện của thôn, các anh đã đi thuyền lên Chợ Mai, Lệ Thủy kêu mọi người hỗ trợ dân. Các anh chèo thuyền, lội giữa dòng nước bạc để đưa hàng đến trực tiếp những người dân trong thôn xóm.

Hỏi một anh trong đội tự nguyện, anh nói rằng: “Bà con chòm xóm mình cả đấy. Mình trẻ, mình khỏe, mình phải làm thôi.” Rồi cũng có cán bộ thôn như anh Hoãn ở Tân Thủy, anh điện thoại, chèo đò ra tận ngoài đường cái xin từng hộp cơm cho dân của mình. Anh bảo: “Dân đói lắm rồi, mình không can tâm. Làm thế nào giúp dân qua cơn hoạn nạn này mình sẽ làm.”

Cũng trong đợt lũ, một cán bộ mặt trận thôn qua đời vì kiệt sức, ông tên là Hoàng Ái Nhân ở Đồng Tư, Hiền Ninh, Quảng Ninh, năm nay ông 61 tuổi. Trong những ngày mưa lũ, ông lo cho dân và điều phối hàng cứu trợ, rồi dọn dẹp bùn đất quá sức dẫn đến qua đời.

Những anh hùng kẻ biển

Dân vùng biển, theo tiếng địa phương còn được gọi là dân kẻ biển. Dân làm ruộng như Lệ Thủy hay Quảng Ninh thì gọi là dân kẻ ruộng, họ sống chân chất, thật thà lắm. Có sao bảo vậy thôi. Trong trận đại hồng thủy đêm 18/10, nghe lời kêu cứu của dân vùng Lệ Thủy, Quảng Ninh họ đã không ngại khổ, ngại về quy ước về điều lệ của ngư thuyền để đưa thuyền đến với cứu dân Lệ Thủy, Quảng Ninh.

Trong quy ước về thuyền đi biển, những người dân miền biển không cho phép phụ nữ lên thuyền vì họ sợ điều không may xảy ra, thế nhưng những người anh em vùng kẻ biển Ngư Thủy, Hải Ninh đã không quản ngại, họ đi thuyền trong đêm đến để cứu bà con. Vì vậy, trong đợt lũ kinh hoàng vừa qua, Quảng Bình rất ít tổn thất về người. Phải nói rằng đó là sự ghi ơn, vì nếu không có họ thì dân vùng Lệ Thủy, Quảng Ninh không biết sẽ như thế nào…

Họ là là ngư dân cha, ngư dân con đã làm hết mình vì bà con Lệ Thủy, Quảng Ninh. Trong đêm, họ gọi nhau dậy và di chuyển về vùng ngập lụt cần được cứu. Rồi ngư dân mẹ, ngư dân chị, ngư dân em ở nhà huy động tiền góp gạo, mua nước mắm, cá khô nấu hàng chục ngàn suất ăn gửi về đồng bào vùng lũ. Gặp một chị vùng biển Hải Ninh đưa cơm, tiếp tế lương thực cho bà con. Chị nói: “Cả mấy ngày nay dân trong này khổ lắm, lạnh lắm, mình vì bà con một chút có sao đâu.” Còn ngư dân lão làng nói ngư dân cha, ngư dân con, ngư dân mẹ phải mua kẹo bánh, áo quần gửi bà con vùng lũ… Thương lắm, quý lắm, những tấm chân tình.

Anh Quý ở Đại Phong, Lệ Thủy nói: “Nếu không có họ, những ngư dân vùng biển đến cứu chúng tôi kịp thời, thì không biết dân vùng chúng tôi sẽ như thế nào, họ đến tiếp tế lương thực, họ đến để di chuyển người sang nơi cao hơn. Chúng tôi nhớ ơn những người anh em Hải Ninh, Ngư Thủy, Ngư Thủy Bắc đã cứu dân làng.”


Có mặt ngay sau đêm lũ tràn về tại bến đò Kiến Giang, tôi đã từng chứng kiến từng thuyền của ngư dân sau một đêm chạy lũ cùng dân, họ mệt phờ, mặt mày bạc thếch, đói lả… Ăn vội miếng cơm nắm trên tay, họ tiếp tục chở những con em vùng Lệ Thủy như Xuân Bồ, An Thủy vào tiếp tế lương thực… Họ làm tất cả vì nghĩa đồng bào, vì dân mình cần được cứu.

Người miền biển vốn dĩ khó khăn, ngư dân bãi ngang càng khó khăn gấp bội. Nhưng vì nghĩa đồng bào họ đã cống hiến sức lực, tài sản, kể cả bơ nan là tài sản giá trị nhất của họ. Xong việc, họ kéo thuyền về lại làng biển. Có người cảm kích, tặng họ tiền, dầu họ nói đi cứu người không nhận. Nếu nhận là đi làm thuê rồi, mất ý nghĩa. Thế đó, họ là những con người chất phác, giờ họ về với làng biển, nghề họ đánh bắt gần bờ, nay mưa bão triền miên, họ phải ở nhà bó gối. Họ đã hết tiền, cạn lương thực, nhưng vẫn không kêu ca, vì tính họ vậy. Họ là vậy, hào hiệp, trượng nghĩa, thật thà.

Hiểu được tấm chân tình và bù đắp một phần khó khăn trong mưa lũ, UBND huyện Lệ Thủy đã ủng hộ bà con Hải Ninh và Ngư Thủy, Ngư Thủy Bắc 30 tấn gạo với tấm lòng biết ơn và một ít tiền, với tấm lòng ghi nhận công ơn to lớn.

Một ngư dân nói: “Năm nay, lịch sử ghi nhận khi lần đầu tiên thuyền đánh cá của ngư dân miệt biển Hải Ninh và Ngư Thủy, Ngư Thủy Bắc rời khỏi làng biển. Họ hò hét nhau bật dậy khỏi giường. Nữa đêm mang vác, đẩy thuyền vào vùng lũ để đến dân vùng lũ đang cầu cứu".

Họ bảo: “Bởi chúng tôi xót những tiếng kêu cứu, bởi tình người, tình đồng loại, đồng hương…” Chính điều đó, vợ, con họ cũng chạy quanh làng biển để nấu cơm, mua lương thực thực phẩm để chuyển vào cho dân vùng lũ. Người ta gọi đó là cuộc cứu nạn lịch sử.

Lũ đi qua, những tấm chân tình và lòng người vì nghĩa đồng bào mà xả thân cứu dân trong lũ giữ vẫn được dân vùng lũ ghi nhận. Trân quý biết bao. Nhiều, nhiều lắm những con người vì nghĩa đồng bào đã ngày đêm giúp dân vùng lũ Quảng Bình vượt qua khó khăn hoạn nạn.

Lũ đã đi qua, những khó khăn vẫn còn, nhưng tình người và sự sẽ chia mãi được ghi trong lòng người dân vùng lũ Quảng Bình.

Đinh Thanh Loan
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm