Xã hội

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Tiền Giang tiếp tục cố gắng giữ vững từng “pháo đài” xã, phường, thị trấn

DNVN - Tiền Giang cần tiếp tục cố gắng giữ vững từng “pháo đài” xã, phường, thị trấn. Bên trong từng “pháo đài” lại chia nhỏ, nắm sát từng thôn, ấp, tổ dân phố, khu phố. Từ đó, đánh giá nguy cơ và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, kể cả xét nghiệm sát với thực tiễn.

Tiền Giang: Cần thêm trên 2,7 triệu liều vaccine để đạt miễn dịch cộng đồng / Tiền Giang: Sau khi đi viếng đám tang, 21 người dương tính với SARS-CoV-2

Đó là phát biểu của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trong buổi làm việc do Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ về thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế về tình hình phòng, chống dịch tại tỉnh Tiền Giang vào sáng ngày 17/9.

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mười cho biết, từ đầu đợt dịch thứ 4 đến nay, tỉnh đã ghi nhận 12.468 ca mắc COVID-19 (F0), trong đó có 9.071 người đã khỏi bệnh và 311 ca tử vong. Theo lãnh đạo tỉnh, thời gian đầu, do khó khăn trong việc kiểm soát người về từ TP Hồ Chí Minh và các địa phương có dịch khác, nhất là việc thông thương với chợ đầu mối Bình Điền, nên dịch lây lan nhanh trong khi việc thực hiện giãn cách xã hội chưa thật nghiêm.

Từ khi Tiền Giang thực hiện nghiêm túc Công điện 1099 của Thủ tướng, tích cực xét nghiệm thì đến nay, tình hình dịch trên địa bàn có xu hướng giảm, các chuỗi ca bệnh cơ bản được khoanh vùng, truy vết, phong toả, xử lý. Qua đó, Tiền Giang đã đạt được 9/11 tiêu chí về kiểm soát dịch bệnh.

Trong đó, có 6/11 huyện, thị xã đang kiểm soát tốt dịch bệnh; 2 huyện đang tiếp tục lộ trình thực hiện đạt tất cả các tiêu chí kiểm soát dịch; 3 huyện, thành phố cần tiếp tục nỗ lực triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch. Từ ngày 16/9, Tiền Giang tiếp tục triển khai xét nghiệm tầm soát đợt 3; thiết lập, bảo vệ và mở rộng vùng xanh, phấn đấu kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh trong vòng 2 đến 4 tuần.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tỉnh Tiền Giang cần tiếp tục cố gắng giữ vững từng “pháo đài” xã, phường, thị trấn. (Ảnh: Cổng thông tin Chính phủ)

Về tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 tử vong cao, theo Giám đốc Sở Y tế Tiền Giang Trần Thanh Thảo phân tích, giai đoạn đầu đợt dịch thứ 4, khi số ca mắc tăng cao, ngành y tế có nhiều lúng túng. Biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 không chỉ gây tử vong cho người già, người có bệnh nền mà kể cả người trẻ nhưng phác đồ điều trị thay đổi liên tục, nhất là chưa có hướng dẫn và thuốc điều trị cho F0 không triệu chứng ngay từ sớm. Các bệnh viện điều trị, thu dung F0 thiếu hệ thống oxy. Sự phối hợp giữa các tầng điều trị chưa nhuần nhuyễn, nhịp nhàng. Tuy nhiên, sau khi những vấn đề trên được khắc phục, đến nay, tỷ lệ tử vong của bệnh nhân COVID-19 ở Tiền Giang đã giảm.

Theo TS. Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, thời gian qua, Tiền Giang thực hiện xét nghiệm tầm soát dựa trên đánh giá nguy cơ dịch tễ đến quy mô ấp nên đã tiết kiệm được khoảng 40% số lượng sinh phẩm xét nghiệm, tập trung được nguồn lực, nhân lực làm nhanh hơn. TS. cũng Thượng cho rằng có thể dựa trên mức độ giao lưu của các F0 được phát hiện để khoanh vùng, rà soát đến tận quy mô tổ dân phố để xét nghiệm tầm soát thay vì khoanh cả ấp. Đến lúc này, về cơ bản, tỉnh Tiền Giang đã vẽ được bản đồ nguy cơ dịch bệnh đến ấp, khu phố, tổ dân phố.

Với việc ghi nhận khoảng 70% số ca nhiễm mới ở khu cách ly tập trung và khu phong tỏa, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cho biết, ngoài triển khai cách ly F0 tại nhà, sẽ vẫn duy trì một số khu cách ly tập trung, giảm số người trong một phòng để giảm tỷ lệ lây nhiễm chéo. Trong các khu, điểm phong tỏa, có quy mô dao động từ vài nhà đến vài chục nhà, Tiền Giang sẽ chủ động rà soát, tăng tần suất xét nghiệm mẫu gộp hộ gia đình hằng ngày, tăng cường công tác khử khuẩn, tránh tình trạng dịch vẫn dây dưa, kéo dài ở các khu phong tỏa.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận nỗ lực cũng như sự vất vả, khó khăn trong phòng, chống dịch của đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Tiền Giang trong suốt thời gian vừa qua. Tỉnh cần tiếp tục cố gắng giữ vững từng “pháo đài” xã, phường, thị trấn. Bên trong từng “pháo đài” lại chia nhỏ, nắm sát từng thôn, ấp, tổ dân phố, khu phố, từ đó, đánh giá nguy cơ và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, kể cả xét nghiệm sát với thực tiễn. Cũng theo Phó Thủ tướng “Tiến tới chống dịch là phải nắm được tình hình của từng cá nhân, từng gia đình, từng đơn vị nhỏ nhất”.

Để chuẩn bị cho việc quay trở lại trạng thái bình thường mới, Phó Thủ tướng nêu rõ: Việc mở lại các hoạt động sản xuất, sinh hoạt đời sống của người dân phải từng bước chắc chắn, an toàn. Dứt khoát không được nóng vội, mở lại mà không giữ được an toàn nhưng giữ được an toàn mà không mạnh dạn mở lại một cách chắc chắn, khoa học thì lãng phí nguồn lực, công sức chống dịch của nhà nước và nhân dân.

Các doanh nghiệp sản xuất trở lại cần có phương án bảo đảm an toàn với tinh thần “mỗi doanh nghiệp, nhà máy cũng là một pháo đài”. Trong doanh nghiệp cũng cần tiếp tục chia nhỏ theo khu vực sản xuất, phân xưởng, ca, kíp để quản lý sát từng công nhân, chủ động xử lý kịp thời khi có ca nhiễm. Đồng thời, tỉnh này cần phối hợp với TP Hồ Chí Minh để có phương án đưa người lao động của tỉnh quay trở lại thành phố làm việc một cách an toàn.

Thái Cường
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm