Thừa Thiên Huế: Lập Sở Chỉ huy tiền phương, thuê máy bay tiếp cận vụ sạt lở Thủy điện Rào Trăng 3
Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế vào vùng rốn lũ, thăm hỏi, tặng quà người dân / Thừa Thiên Huế: 24.520 nhà dân bị ngập, sơ tán 2.865 hộ dân, kích hoạt công tác cứu trợ
Trưa 13/10, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đoàn công tác của Quân khu 4 và tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn chưa thể tiếp cận được hiện trường Thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền), do mưa vẫn tiếp diễn, nước suối dâng cao và lượng đất đá sạt lở là rất lớn.
Hiện trường khu vực Thủy điện Rào Trăng 3 được chụp qua Google Map.
Ngay trong tối 12/10, Quân khu 4 và tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định lập Sở Chỉ huy tiền phương tại trụ sở UBND xã Phong Xuân để chỉ đạo công tác tiếp cận các điểm sạt lở và thủy điện Rào Trăng 3 - nơi được báo là đã xảy ra vụ sạt lở đất làm nhiều người bị vùi lấp.
Hiện tỉnh Thừa Thiên Huế đang tích cực phối hợp với Quân khu 4 triển khai các giải pháp mở đường vào Thủy điện Rào Trăng 3. Các xe máy xúc, ủi đang được cơ quan chức năng huy động để khai thông những đoạn sạt lở từ trung tâm xã Phong Xuân lên tới vị trí dự kiến gặp sự cố.
Trong khi đó, Công ty CP Thủy điện Rào Trăng 3 cho biết, đã đặt vấn đề thuê trực thăng bay lên khu vực thủy điện để xác minh thông tin thủy điện sạt lở ảnh hưởng đến người. Tuy nhiên, hiện chưa rõ trực thăng sẽ bay về Huế khi nào vì thời tiết vẫn còn rất xấu.
Như Doanh nghiệp Việt Nam đã thông tin, trưa 12/10, người dân liên lạc qua điện thoại với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế, báo tin việc Thủy điện Rào Trăng 3 bị sự cố sạt lở, có người bị nạn cần giúp đỡ. Cuộc gọi bị gián đoạn giữa chừng do mất sóng.
Nhận được tin báo, lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế, Quân khu 4 đã tức tốc cử lực lượng đến hiện trường để xác minh thông tin. Tuy nhiên do đường đèo dốc, bị sạt lở nghiêm trọng, hệ thống sóng điện thoại bị hư hại nặng do mưa bão nên việc tiếp cận thủy điện Rào Trăng 3, vẫn chưa có kết quả.
Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 nằm trên sông Rào Trăng, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế; được cấp phép đầu tư vào đầu tháng 11/2008, có công suất lắp máy 11MW với tổng nguồn vốn đầu tư 290,8 tỷ đồng. Diện tích đất dự kiến sử dụng là 11,1 ha, trong đó diện tích khu vực lòng hồ 8,8 ha, còn lại là khu vực nhà máy, tuyến áp lực, tuyến năng lượng và công trình phụ trợ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo