Tìm giải pháp ứng phó với các vấn đề cấp bách về biến đổi khí hậu, an ninh lương thực
DNVN - Sau gần 10 năm hoạt động thành công, Chương trình Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu, Nông nghiệp, và An ninh Lương thực (CCAFS) đã xây dựng nền nông nghiệp thông minh với khí hậu ở Đông Nam Á, hỗ trợ chính sách của chính phủ, trao quyền cho nông hộ nhỏ.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Cần có thêm những “làn gió mới” trong nghiên cứu khoa học nông nghiệp / Ra mắt Bộ ấn phẩm bản đồ rủi ro và Kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu
Chương trình CCAFS Đông Nam Á đã hỗ trợ chính sách của Chính phủ, trao quyền cho nông hộ nhỏ
Theo thông tin được đưa ra tại Hội nghị Tổng kết Chương trình CCAFS Đông Nam Á sáng 26/10, đại diện CCAFS cho hay: Từ khi khởi động tại khu vực Đông Nam Á vào năm 2013, CCAFS đã triển khai các hoạt động thúc đẩy nông nghiệp thông minh với khí hậu (CSA) để giải quyết tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu.
Với sự điều phối của Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) - Văn phòng Việt Nam, chương trình đã phối hợp với các đối tác tại Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines và Thái Lan thực hiện nhiều hoạt động nghiên cứu và phát triển mô hình nhằm chuyển đổi ngành nông nghiệp trong khu vực.
Theo các đại biểu nhấn mạnh, Chương trình CCAFS ở Đông Nam Á đã hỗ trợ các nước ĐNÁ thực hiện các cam kết quốc tế, chẳng hạn như Đóng góp Quốc gia tự quyết định (NDC), Kế hoạch quốc gia về Thích ứng với biến đổi khí hậu (NAPs) trong nông nghiệp Việt Nam, và Hành động giảm nhẹ khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA) đối với sản xuất lúa gạo ở Thái Lan.
Gần đây, CCAFS và các trung tâm CGIAR đã xây dựng và đệ trình Báo cáo về chính sách hỗ trợ khu vực Đông Nam Á xây dựng các hệ thống lương thực bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Kinh nghiệm triển khai bảy Làng nông thuận thiên ở Đông Nam Á của Chương trình CCAFS đã trở thành nền tảng đa ngành để thử nghiệm các giải pháp công nghệ và thể chế để thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu trong nông nghiệp.
Đặc biệt, tại Việt Nam, Bản đồ Rủi ro và Kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu (CS-MAP) - một trong những công trình thành công nhất của CCAFS Đông Nam Á được xây dựng cùng với Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Lễ ra mắt và chuyển giao CS-MAP cho các đối tác địa phương
CS-MAP là một cách tiếp cận có sự tham gia tích hợp kiến thức địa phương và các nghiên cứu khoa học để xây dựng bản đồ các rủi ro liên quan đến khí hậu và lập kế hoạch thích ứng, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương.
Chương trình CCAFS đã trao quyền cho nông hộ nhỏ thông qua nghiên cứu về lồng ghép giới trong áp dụng nông nghiệp thông minh với khí hậu và xây dựng Bản tin Dịch vụ Khí hậu cho Đông Nam Á (CliSM), một trong những dự án tiên phong về dịch vụ thông tin khí hậu.
Cùng đó, Chương trình CCAFS cũng định hướng hỗ trợ các nước Đông Nam Á trong giảm thiểu phát thải khí nhà kính từ nông nghiệp.
Tiến sĩ Bjoern Ole Sander, Trưởng Đại diện IRRI tại Việt Nam chia sẻ: “Các sáng kiến kỹ thuật canh tác nông nghiệp tiên tiến như kĩ thuật tưới ngập khô xen kẽ, xử lý rơm rạ và quản lý sau thu hoạch … giúp giảm phát thải khí nhà kính đồng thời tăng năng suất và khả năng phục hồi với biến đổi khí hậu. Các kỹ thuật này đã được nhân rộng ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hỗ trợ hàng chục ngàn bà con nông dân trong sản xuất và nâng cao thu nhập. Các công cụ đổi mới mà IRRI-CCAFS đã phát triển sẽ tiếp tục đóng góp xây dựng hệ thống đo lường, báo cáo, kiểm định phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp và hỗ trợ hoạch định chính sách, kế hoạch nhằm đạt được cam kết của Việt Nam về giảm thiểu phát thải trong nông nghiệp”.
Trong khuôn khổ Hội nghị tổng kết, để ghi nhận đóng góp to lớn của Chương trình CCAFS Đông Nam Á cho ngành nông nghiệp Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã trao tặng bằng khen cho Viện IRRI và Chương trình CCAFS Đông Nam Á với ghi nhận: Thông qua các hoạt động của mình, Chương trình CCAFS Đông Nam Á đã hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn lồng ghép CSA vào các chính sách quốc gia và các chương trình trọng điểm.
Các kết quả và thành tựu của Chương trình CCAFS Đông Nam Á sẽ được tiếp tục lồng ghép trong các sáng kiến tiếp theo của OneCGIAR.
“Một trong những chương trình quan trọng của khu vực trong chiến lược nghiên cứu và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 của Chương trình CCAFS Đông Nam Á là Sáng kiến Bảo vệ các đồng bằng lớn ở châu Á - Thái Bình Dương chống lại nước biển dâng, lũ lụt và xâm nhập mặn (tên gọi tắt là Sáng kiến AMD)”, Tiến sĩ Jean Balié, Tổng giám đốc IRRI và Giám đốc OneCGIAR khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương nói.
Ông Jean Balié cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ hợp tác giữa các trung tâm OneCGIAR và với các nước ASEAN trong thời gian tới để xây dựng giải pháp toàn diện nhằm ứng phó và giải quyết các vấn đề cấp bách về biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và dinh dưỡng, sự đứt gãy chuỗi cung ứng nông nghiệp, cạn kiệt tài nguyên.
Hà Anh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo