Tình người nơi vùng lũ: “Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”
Sạt lở Thuỷ điện Rào Trăng 3: Đã tiếp cận nơi 13 cán bộ cứu hộ gặp nạn, xuyên đêm tìm người / Đà Nẵng: Trường mầm non, tiểu học phải đình chỉ dạy, chuyển đi nơi khác do xây nhà 8 tầng làm nghiêng, lún, nứt nhà dân và trường học
Ngôi nhà là cơ nghiệp của một người, vậy mà trong cơn đại hồng thủy vừa qua, dân vùng lũ ở miền Trung biết bao nhiêu người nhà cửa bị cuốn trôi theo con nước; Rồi cũng có những ngôi trường bị đỗ sập hoặc hư hại nặng, con chữ cũng bị chôn dưới lớp bùn...Và chính trong khó khăn đó, những tấm lòng nhân ái đã đến để chia sẻ sự khó khăn và động viên nhân dân vùng lũ vững vàng đứng lên…
"Tất cả đã bị cuốn theo lũ"
Những ngày sau lũ, chúng tôi về thăm thôn Lộc An, xã An Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình, người dân trong làng, ai cũng lộ vẻ mệt mỏi, họ bảo: Tất cả đều bị lũ cuốn trôi hết rồi. Dân chẳng còn gì, lúa thì lên mầm, gà vịt trâu bò cũng không còn”,ngay cả căn nhà nhiều hộ cũng không còn, giờ không biết phải làm sao.
Bà Phạn Thị Vang,ở Đội 3 Lộc An, Thủy, Lệ Thủy trong lũ gia đình bà may mắn thoát chết vì cứu hộ đến kịp thời, nước dâng lên tận nóc nhà, hiện tại căn nhà bà cũng đã bị lũ đánh sập. Trên đống đổ nát của ngôi nhà cũ bà đã khóc và cũng không biết bắt đầu từ đâu...Cùng cảnh ngộ trong thôn Lộc An, An Thủy có rất nhiều ngôi nhà bị đổ nát, chúng tôi một vòng quanh thôn có đến 6 đến 7 ngôi nhà bị đánh sập hoặc bị hư hỏng rất nặng. Chị Nguyễn Thị Sáu, ở Đội 3 thôn Lộc An, An Thủy nói: “Chúng tôi là những người dân vùng lũ, quen sống cùng lũ, nhưng năm nay chúng tôi không tài nào lường trước được, nước lũ lên cao quá. Lên cao tận nóc nhà. Trong đêm lũ về, gia đình chúng tôi may mắn được sự cứu hộ của chính quyền địa phương. Sau 5 ngày đêm đi tránh lũ, về nhìn ngôi nhà tang hoang, đổ sập chỉ biết khóc.”
Cũng theo chị Sáu: “Cũng may, nhà sập nhưng còn một góc nhỏ để gia đình chúng tôi có chỗ chui ra chui vào và đặt cái giường nhỏ, còn mọi thứ trong nhà cũng đã trôi theo dòng nước...” Sau cơn đại hồng thủy, ngôi nhà của chị Nguyễn Thị Sáu, chỉ còn lại hai bức tường và mấy tấm lợp trên mái, tất cả đều trống hơ, trống hoắc. Cái giường nhỏ là vật quý giá nhất của ngôi nhà, được gia đình chị Sáu kê tạm một góc, ở trên được giăng thêm bạt để chống mưa. Chợt nghĩ, không biết, những ngày mưa bão sắp tới gia đình chị Sáu phải như thế nào, hoàn cảnh gia đình hiện tại của chị cũng khó khăn, hai vợ chồng là nông dân và làm thêm nghề chài lưới trên sông Kiến Giang để kiếm sống.
Với những hộ dân vùng rốn lũ Quảng Bình, cuộc sống sắp tới là những ngày đầy thách thức sự can trường cùng cuộc sống hiện tại. Với những hộ dân Đội 3 thôn Lộc An, An Thủycùng một số hộ nhà cửa không còn, tài sản vật nuôi cũng trôi theo dòng nước lũ, nên cuộc sống sẽ khó khăn hơn bội phần.
Ngôi nhà là cơ nghiệp của người dân, đó là sự tích cóp bao năm làm lụng vất vả mới có được, đối với những người nông dân, “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” thì càng lâm vào cảnh khó khăn hơn. Tôi còn nhớ câu nói của dân vùng lũ, để động viên nhau vượt qua mọi khó khăn: “Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây.”
Con chữ vùi dưới bùn
Lũ cũng đã rút dần, nhưng công tác khắc phục sau lũ vẫn còn bộn bề, có những ngôi trường không thể đưa vào sử dụng được vì đã đổ sập, như điểm Trường mầm non Phong Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình, hay điểm trường phổ thông cơ sở Phong Thủy, rồi điểm trường Trung học số 1 An Thủy... Và còn rất nhiều điểm trường trên vùng lũ Quảng Bình trẻ em vẫn còn khó khăn khi đến trường, công tác giảng dạy và học tập không biết bắt đầu như thế nào. Chúng tôi vào thăm các ngôi trường, mọi thứ không còn nguyên vẹn, có nơi thì các nhà công năng bị sập, có nơi thì cửa ngõ không còn, có nơi thì trang thiết bị dạy học và học tập bị sóng cuốn trôi, hoặc bị vùi dưới bùn non.
Trao đổi cùng chúng tôi, cô giáo Hiệu Trưởng Nguyễn Thị Vân - Trường Mầm Non Phong Thủy cho biết: “Hiện tại trường đã thuê được điểm dạy cho các cháu, với mong muốn các cháu nhanh chóngđược đến trường. Biết rằng, công tác xây dựng lại ngôi trường sau lũ vẫn gặp nhiều khó khăn và phải mất một thời gian rất dài, nhưng hiện tại làm sao để các cháu nhanh chóng được được đến trường vẫn còn nhiều việc mà chúng tôi phải làm, như cơ sở vật chất đảm bảo an toàn trong dạy và học, và đồ dùng phục vụ học tập và giảng dạy, cô thầy vùng lũ chúng tôi và các em học sinh xin các mạnh thường quân chia sẻ và nối dài cánh tay của sự yêu thương. Để các cháu được đến trường, để các cháu không tìm các con chữ dưới bùn…”
Lau đã nở trên vùng lũ
Trên vùng lũ, rất nhiều ngôi nhà và điểm trường bị đổ sập, bị thiệt hại rất nặng nề, công tác khắc phục sau lũ vẫn còn là những ngày dài, người dân vùng lũ luôn ấm lòng bởi sự chia sẽ và yêu thương của nhân dân trong cả nước. Với sự tương thân tương ái, một miếng khi đói bằng một gói khi no, cùng chia sẽ những khó khăn hiện tại, cùng bà con vùng lũ đã có nhiều tổ chức và cá nhân đến chung ta góp sức cùng khắc phục những khó khăn hiện tại.
Chị Nguyễn Việt Loan, Chủ tịch Hội Doanh nhân Du lịch Phố Cổ Hà Nội đến Quảng Bình những ngày sau lũ. Chị cùng những người bạn và đại diện Hội Doanh nhân Du lịch Phố cổ đến để sẻchia và trao những phần quà cho bà con gặp khó khăn của vùng lũ.Chị chia sẻ: “Quảng Bình những ngày này, nước đã rút, khuôn mặt của người dân đã dần có nụ cười nhưng có đến nơi đây mới hiểu được những khó khăn mà mọi người đã phải trải qua. Trận lũ lịch sử đã khiến bao ngôi nhà tan nát, nước dâng ngập 2-3m, nhìn mực nước ngập vẫn hằn lên gần mái nhà mới thấm thía được nỗi khổ mà người dân vừa phải gánh chịu. Thấu hiểu với những mất mát to lớn này, dù đang gặp phải những khó khăn do đại dịch Covid -19 nhưng Hội nữ Doanh Nhân du lịch Phố cổ Hà Nội vẫn một lòng một dạ hướng về Miền Trung .
"Lá rách ít đùm lá rách nhiều", chúng tôi đã quyên góp được 127 triệu đồng tiền mặt và hơn 100 triệu tiền hàng hoá nhu yếu phẩm. Chúng tôi đã tặng 260 suất quà và 236 phong bì mỗi phong bì trị giá 500.000 đồng đã được trao tận tay cho người dân thuộc 2 huyện Bố Trạch và Lệ Thuỷ. Chúng tôi kết thúc chuyến thiện nguyện trong niềm hân hoan của người dân và niềm vui của những người vận chuyển”, chị Việt Loan cho hay.
Chia sẻ khó khăn với người dân vùng lũ Quảng Bình, đặc biệt là các em học sinh nơi vùng lũ vừa đi qua, Hiệp hội Du lịch tỉnh Ninh Thuận cũng đã vượt qua quãng đường gần 1.000 km mang theo tấm lòng sẻ chia khó khăn đến cùng bà con vùng lũ.
Anh Diệp Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Ninh Thuận cho biết: “Đoàn đến với bà con vùng lũ là mang theo tấm lòng, tình cảm của người dân Ninh Thuận đến với Quảng Bình. Món quà của chúng tôi không lớn, nhưng đó là tấm chân tình và sự sẽ chia khó khăn của chúng tôi. Mong sao bà con nhanh chóng ổn định cuộc sống.”
Quảng Bình những này, còn chịu ảnh hưởng của áp thấp, những cơn mưa vẫn dai dẳng, dùng dằng. Trong các làng xóm của người dân vùng lũ, những chuyến xe thiện nguyện vẫn về, họ đến mang theo tình cảm và trách nhiệm đối với cộng đồng với người dân vùng lũ. Dân vùng lũ luôn ghi ơn những tấm lòng của bà con phương xa đã nhường cơm sẻ áo, chia sẻ khó khăn cùng bà con. Dẫu biết rằng, hiện tại cuộc sống và khắc phục của bà con vùng lũ không dễ dàng gì, nhưng họ tin, họ mạnh mẽ vì họ biết, xung quanh họ còn có bà con và anh em trên toàn quốc luôn hướng về đồng bào lũ lụt Miền Trung.
Mọi khó khăn vẫn trùm lênngười dân nơi đây, nhưng những cánh tay nối dài sẽ tiếp thêm sức mạnh học hành đến trường, và niền tin vào cuộc sống. Bà Võ Thị Hới, Chủ tịch Hội Phụ nữ Thành Phố Đồng Hới chia sẻ: “Cũng xin những tấm lòng vàng mở rộng vòng tay chia sớt, cùng các cấp chính quyền hỗ trợ, giúp đỡ bà con vùng lũ Quảng Bình. Xin gửi lời cám ơn sâu sắc nhất đến bạn bè trên khắp mọi miền đất nước đã góp công, góp của cho những chuyến hàng cứu trợ đến tận tay những người cần nhất. Tình người và sự ấm áp của các bạn đã trao qua những món quà đang và sẽ tiếp tục được chuyển đến họ đầy đủ, vẹn tròn nhất…”
Chúng tôi, nhìn đâu đó trên triền đê của vùng lũ, hoa lau đã nở, người dân vùng lũ chia sẻ kinh nghiệm rằng, hoa lau nỏe vậy là không còn lũ và lụt, vậy là dân vùng lũ Quảng Bình lại bắt đầu đứng dậy bắt đầu lại mọi thứ….
End of content
Không có tin nào tiếp theo