Xăng giảm cước taxi vẫn “ngủ yên”; vì đâu EVN lỗ hơn 2.200 tỷ đồng?
Công tác trùng tu các đền tháp ở Mỹ Sơn mang lại giá trị gốc của di sản / Thủ tướng yêu cầu quan tâm đến trồng rừng, phát triển công nghiệp chế biến gỗ
Phó Thủ tướng: “Việt Nam phải có những nỗ lực đến mức thế giới ngạc nhiên…”
Tại Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam lần thứ 2 năm 2018 vừa được tổ chức tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2018 ước đạt 475 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 239 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2017.
Đáng lưu ý theo Phó Thủ tướng, tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các thị trường đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do FTA đạt khoảng 40%, tăng mạnh so với con số khoảng 35% các năm trước, qua đó đã cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng chú trọng tới việc khai thác các cơ hội từ hội nhập và thực thi các FTA.
Phó Thủ tướng cũng chia sẻ, ông khá tâm đắc với phát biểu của PGS. TS Vũ Minh Khương (Đại học Lý Quang Diệu, Singapore, Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng) tại diễn đàn: “Chúng ta phải có những nỗ lực đến mức khiến thế giới ngạc nhiên, thậm chí kinh ngạc. Câu nói này rất hay”.
Sự “ngạc nhiên” này được Phó Thủ tướng cho rằng giống như cách đội tuyển Việt Nam đã làm được khi đá thắng Philippines trong trận bán kết lượt đi của AFF Cup 2018.
“Sau chiến thắng, báo chí thế giới đã tỏ ra kinh ngạc. Đó chính là sự nỗ lực, không đơn giản về vấn đề tỷ số mà là vấn đề thế trận. Sau kết thúc tôi nghiên cứu chiến thuật trận đấu gần như suốt đêm, đọc bình luận trên các báo…”, Phó Thủ tướng cho biết đây là một trong những ví dụ về sự nỗ lực, cố gắng.
Xăng giảm giá sốc lần thứ 3: Giảm gần 1.500 đồng/lít, cước taxi vẫn "ngủ yên"
Tại kỳ điều chỉnh ngày 6/12, giá các mặt hàng xăng dầu được điều chỉnh giảm khá mạnh. Cụ thể, xăng E5RON92 giảm 1.446 đồng/lít; xăng RON95 giảm 1.513 đồng/lít. Còn dầu diesel giảm 1.379 đồng/lít; dầu hỏa giảm 990 đồng/lít; Dầu mazut giảm 784 đồng/kg.
Như vậy, giá xăng đã có tổng cộng 4 lần điều chỉnh giảm liên tiếp kể từ hôm 22/10. Tại kỳ điều chỉnh gần đầy nhất (hôm 21/11), giá xăng E5RON92 giảm 973 đồng/lít; xăng RON95 giảm 1.093 đồng/lít; dầu diesel giảm 907 đồng/lít; dầu hỏa giảm 844 đồng/lít; dầu mazut giảm 508 đồng/kg.
Điều đáng nói, sau 2 lần giảm giá mức khá cao trước đó, các hãng xe nhất là taxi vẫn không hề giảm giá cước. Đây là điều bất hợp lý.
Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Anh Quân - Chủ tịch hãng taxi G7 cho biết, từ đầu năm đến nay giá xăng tăng 6 lần, có đợt điều chỉnh lên vượt mốc 20.000 đồng/lít nhưng G7 và nhiều các hãng vẫn quyết giữ ổn định cước taxi để “gồng mình” cạnh tranh với mô hình mới như Grab…
Theo vị này, giá cước không thể “lên xuống” ngay khi giá xăng, dầu tăng giảm. Các doanh nghiệp đều lên phương án dự tính giá xăng có thể tăng lên tới 25.000 đồng/lít hay giảm mạnh xuống dưới 17.000 đồng/lít mới bắt đầu tính chuyện điều chỉnh cước.
Bên cạnh đó theo ông Quân, muốn thay đổi giá cước, doanh nghiệp tốn khá nhiều thời gian và chi phí về thủ tục đăng ký điều chỉnh cước, thay đồng hồ cước, bảng biểu, kẹp chì… chứ không phải muốn tăng là tăng, giảm là giảm như Grab. Đó là lý các doanh nghiệp đều tính toán một mức nhất định.
Ngành điện lỗ 2.200 tỷ đồng, tháng 12/2018 có kịch bản tăng giá điện
Tại phiên họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 11/2018, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, năm 2019 đã có chủ trương tăng giá điện và Bộ sẽ báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ về kịch bản giá điện năm 2019 trong tháng 12/2018. Trên cơ sở đồng ý của Ban Chỉ đạo, Bộ xem xét hoàn chỉnh để báo cáo Chính phủ.
Tổng doanh thu bán điện bán điện của EVN năm 2017 là 289.954 tỷ đồng, trong khi đó tổng chi phí sản xuất điện là 291.278 tỷ đồng, ngành điện đang lỗ 1.300 tỷ đồng. Năm 2017, EVN có thêm 1 số khoản thu nhập khác từ tiền gửi ngân hàng, lợi tức, lợi nhuận từ các công ty trong ngành điện mà EVN tham gia góp vốn và số tiền. Tuy nhiên, EVN cũng gánh khoản lỗ hơn 5.011 tỷ đồng thuộc về chênh lệch tỷ giá.
Cộng tất cả các khoản thu, chi của EVN trong năm 2017, ngành điện đang lỗ hơn 2.219 tỷ đồng, đây là mức lỗ được Bộ Công Thương đưa ra tăng hơn so với thông tin gần đây và ngược lại so với một số thông tin EVN có lãi.
Bộ Công Thương: "Giá than đắt cũng phải nhập cho nhiệt điện"
Trả lời báo chí xung quanh thông tin một nhà máy nhiệt điện thiếu than và lo ngại thiếu than phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định: Than trong nước không đủ sẽ phải nhập khẩu, dù đắt cũng phải nhập.
Đại diện bộ này khẳng định đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội, sản xuất kinh doanh, nhu cầu người dân.
“Bộ Công Thương đã tính đến huy động các nguồn điện từ các nhà máy nhiệt điện sử dụng dầu. Mức giá có thể đắt hơn. Bộ Công Thương khẳng định đảm bảo đủ điện cho sản xuất. Chúng tôi cũng khẳng định sẽ cung cấp đủ nước cho vụ Đông xuân sắp tới trên cơ sở tính toán cả 4 kịch bản cho điện”.
TPHCM: 17.730 trường hợp chưa được cấp "sổ đỏ", có phần do cán bộ yếu kém, nhũng nhiễu
Tại kỳ họp thứ 12 của HĐND TP khóa IX, ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM, cho biết đến nay thành phố vẫn còn đến 17.730 trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận.
Có hệ quả này, ông Thắng cho biết cũng có lý do vì cán bộ năng lực hạn chế hoặc nhũng nhiễu. Thời gian qua, sở cũng đã nhận được khoảng 100 đơn tố cáo cán bộ cấp giấy chứng nhận nhũng nhiễu hoặc năng lực hạn chế. Trong giai đoạn 2016-2018, Sở cũng đã xử lý 18 cán bộ, trong đó có 4 giám đốc , 7 phó giám đốc ở các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai của các quận - huyện...
Ngoài ra, ông Thắng cho biết việc cấp giấy chứng nhận chậm cũng có lý do khách quan là mỗi thời điểm cấp giấy chứng nhận dựa trên một nền bản đồ khác nhau và mức độ chính xác không bằng bản đồ số đang dùng hiện nay nên xảy ra việc chồng ranh, lấn ranh... Việc này sở đang cố gắng khắc phục, giải quyết từng trường hợp.
End of content
Không có tin nào tiếp theo