Xây dựng thương hiệu công nghiệp TP Hồ Chí Minh - Bài cuối: Đưa sản phẩm chủ lực vào chuỗi cung ứng
Đà Nẵng mời nghệ nhân Đinh Văn Tâm làm linh vật Tết Ất Tỵ 2025 / Đà Nẵng giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 vượt chỉ tiêu
Đặc biệt, phát huy vai trò đầu mối, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh không ngừng kết nối đa dạng chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để đưa sản phẩm công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ “thương hiệu Việt” vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Điểm sáng phát triển
Để triển khai Kế hoạch hỗ trợ phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng TP Hồ Chí Minh, Sở Công Thương thành phố xây dựng và thực hiện “Chương trình Phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng Thành phố năm 2024”, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, khả năng liên kết hợp tác sản xuất, từng bước tiếp cận nhu cầu thị trường khu vực và quốc tế.
Bên cạnh đó, Chương trình tập trung triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thông tin về nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và công nghiệp tiềm năng của TP Hồ Chí Minh; tổ chức hoạt động khảo sát thị trường về xu hướng sản xuất ngành công nghiệp tại các quốc gia khu vực và quốc tế, có tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất công nghiệp của doanh nghiệp; kết nối giữa doanh nghiệp Việt Nam với nhà mua hàng...
Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, là một trong những thành phố công nghiệp, lĩnh vực công nghiệp luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo UBND Thành phố, cũng như cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đặc biệt, công nghiệp hỗ trợ là lĩnh vực được ưu tiên phát triển và hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng khả năng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc cũng chia sẻ thêm, Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2024 - 2025 được Sở Công Thương thành phố phối hợp nhiều đơn vị trong và ngoài nước triển khai, nhằm khuyến khích doanh nghiệp nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo với quy trình sản xuất thông minh. Qua đó, ngành công thương thành phố đồng hành cùng doanh nghiệp nâng cao năng lực quản lý chất lượng, năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của những chuỗi sản xuất toàn cầu, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường; kết nối cung - cầu sản phẩm trong nước và quốc tế.
Điển hình, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã phối hợp Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp, Ban quản lý Khu công nghệ cao tổ chức thường niên hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ, tạo cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã sẵn sàng trong các năm qua về năng lực cung ứng, nỗ lực đầu tư cải tiến nhà máy tiếp cận nhu cầu hợp tác sản xuất chế tạo và nội địa hóa của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài FDI và doanh nghiệp sản xuất công nghiệp lớn của Việt Nam.
Trong số đó, có thể kể đến những ngành công nghiệp tiềm năng như công nghiệp ô tô, công nghiệp cơ khí, công nghiệp điện - điện tử - điện gia dụng; ngành công nghệ mới nổi như công nghiệp vi mạch bán dẫn; ngành công nghiệp có giá trị cao như ngành hàng không vũ trụ, ngành công nghiệp y tế... kết nối cung cầu trực tiếp với chuỗi cung ứng từ đối tác Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Đặc biệt một trong những hoạt động được khởi động trong năm 2024, là Sở Công Thương thành phố còn phối hợp Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP Hồ Chí Minh giới thiệu chính sách hỗ trợ lãi suất đối với dự án đầu tư thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và logistics trên địa bàn. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, góp phần phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp trọng yếu, công nghiệp hỗ trợ và logistics trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, tính đến nay, Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh do Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố đã giải ngân được 666.315 tỷ đồng cho 197.939 khách hàng; trong đó, có cộng đồng doanh nghiệp thuộc các ngành công nghiệp trọng yếu. Đây là chương trình đã được duy trì triển khai liên tục nhiều năm liền, hướng đến mục tiêu chủ động nắm bắt, tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nhằm kết nối nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như giúp doanh nghiệp tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất và các gói tín dụng ưu đãi.
Hàng Việt vào chuỗi cung ứng ngoại
Không dừng lại ở hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, khơi thông dòng vốn vào sản xuất, mà ngành công thương TP Hồ Chí Minh cùng một số đơn vị còn triển khai những hoạt động thiết thực trong xây dựng thương hiệu Việt. Trong số đó, có thể kể đến giải thưởng Thương hiệu Vàng TP Hồ Chí Minh gắn với sự nhận diện Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh, đã đánh dấu cột mốc 5 năm tổ chức, không ngừng đổi mới, hướng đến đáp ứng nhu cầu cộng đồng doanh nghiệp và yêu cầu thị trường, đồng thời góp phần quan trọng trong chiến lược phát triển thương hiệu của thành phố, cũng như thương hiệu quốc gia.
Thống kê qua các năm, giải thưởng Thương hiệu Vàng TP Hồ Chí Minh đã và đang nâng cao độ nhận diện, uy tín, chất lượng chuyên môn, đáp ứng yêu cầu hướng đến trở thành một giải thưởng vươn lên tầm khu vực và quốc tế. Những doanh nghiệp được tôn vinh cũng nổi bật trong ngành hoặc dẫn đầu ngành, có khả năng thích ứng linh hoạt trong thời kỳ khó khăn cũng như chú trọng chuyển đổi xanh.
Liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết, mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Hiệp hội chủ trì phối hợp với Sở Công Thương thành phố xây dựng “Đề án xây dựng một số doanh nghiệp lớn với thương hiệu mang tầm quốc gia và toàn cầu”. Theo đó, Hiệp hội đã phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu và đề xuất đặt hàng thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Nghiên cứu xây dựng các chính sách đột phá nhằm xây dựng thương hiệu doanh nghiệp mang tầm quốc gia và toàn cầu trên địa bàn TP Hồ Chí Minh”.
Kết quả của xây dựng “Đề án xây dựng một số doanh nghiệp lớn với thương hiệu mang tầm quốc gia và toàn cầu” sẽ góp phần làm cơ sở khoa học để tham mưu TP Hồ Chí Minh và các sở ngành liên quan. Đồng thời, hướng đến mục tiêu làm cơ sở thực tiễn để áp dụng triển khai đến cộng đồng doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp vừa có tiềm năng nhằm xây dựng thương hiệu doanh nghiệp mang tầm quốc gia và toàn cầu của TP Hồ Chí Minh.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Trần Thị Kim Phượng, Giám đốc FPT Software Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, một trong những yếu tố quan trọng giúp FPT khẳng định được năng lực, vị thế, giá trị thương hiệu tại thị trường trong và ngoài nước là luôn tiên phong trong các xu hướng công nghệ mới, không ngừng mở rộng quy mô và sự hiện diện trên thị trường. Cùng với đó, xây dựng câu chuyên thương hiệu không chỉ góp phần gia tăng giá trị thương hiệu của doanh nghiệp, mà còn giúp doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường quốc tế.
Còn ông Hồ Sỹ Dũng, Giám đốc Marketing Công ty CP Dụng cụ cơ khí xuất khẩu (EMTC) cho hay, là một trong những doanh nghiệp đầu tiên được tiếp cận với doanh nghiệp FDI để thực hiện chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, hiện nay đã cung cấp sản phẩm phụ tùng xe ô tô và xe máy cho các doanh nghiệp FDI chiếm tỷ lệ 60%. Thống kê trong năm 2024, đơn hàng của doanh nghiệp phục hồi khá tốt, đồng thời doanh nghiệp đang hướng tới mục tiêu sản xuất sản phẩm của người Việt đạt chất lượng quốc tế để phục vụ người Việt và vươn ra thị trường thế giới.
Theo kế hoạch phát triển ngành công thương TP Hồ Chí Minh năm 2025 vừa mới công bố cho thấy, tình hình thế giới dự báo tiếp tục chuyển biến nhanh, khó lường, chiến tranh thương mại, phân tách chuỗi cung ứng, chạy đua về khoa học công nghệ ngày càng gia tăng. Vì vậy, ngành công thương TP Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp theo hướng nâng cao hiệu quả, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, chú trọng phát triển ngành công nghiệp trọng yếu... góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa và phát triển bền vững.
Trong đó, ngành công thương TP Hồ Chí Minh tăng cường triển khai đa dạng chính sách hỗ trợ phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của thành phố, giai đoạn 2021 - 2025. Mặt khác, ngành cũng đẩy mạnh phát vai trò hoạt động các Hội đồng phát triển các ngành công nghiệp thành phố, từ đó tập trung nguồn lực để hỗ trợ các ngành, nhóm sản phẩm này tiếp tục phát triển, đủ sức lan tỏa thương hiệu dẫn dắt thị trường, tiến đến xuất khẩu và làm động lực cho toàn ngành công nghiệp thành phố phát triển bền vững
End of content
Không có tin nào tiếp theo