Tính cách người Việt lộ rõ hậu nghỉ Tết?
Tâm lý uể oải, công chức tìm cách ăn bớt thời gian đi tụ tập, lễ chùa; sinh viên học sinh thì ngại học là thực trạng đang diễn ra sau kỳ nghỉ Tết Giáp Ngọ.
Học sinh, sinh viên ngại học
T heo lịch nghỉ Tết, ngày 10/2 (tức 11 tháng Giêng), học sinh trở lại trường học kết thúc kỳ nghỉ kéo dài đến 16 ngày.
Khoảng thời gian khá dài này đã kịp để học sinh quen với nếp sinh hoạt rảnh rỗi, có nhiều thời gian để chơi, xem phim thay vì phải ăn ngủ đúng giờ nên việc trở lại trường là chuyện không đơn giản.
Tờ Dân Trí dẫn lời chị Trần Thị Thắng, nhà ngụ ở đường Cao Thắng (Q.3, TPHCM) cho biết cô con gái học cấp 3 đi du lịch với nhóm bạn chưa về. Cậu con trai học lớp 8, đêm nào đi chơi với bạn chán chê lại ôm máy tính đến 1 - 2 giờ sáng. Chiều chị đi làm về, vẫn thấy cháu đang vùi đầu ngủ.
“Cả Tết hai đứa không động đến sách vở, sinh hoạt thức ngày chơi đêm. Năm nào ra Tết chúng cũng mệt mỏi, phải mất khá nhiều thời gian mới ổn định lại được”, chị Thắng bộc bạch.
Nhắc đến việc chuẩn bị đi học, cháu Nguyễn Hồng Anh, con anh Hồng, chị Thảo, ngụ ở Q. Tân Bình lại thở dài chán nản. Bố mẹ đã trở lại công việc nhưng với cháu vẫn chưa dứt không khí Tết.
Cháu với nhóm bạn trong khu phố tụ tập chơi đủ trò, về nhà lại bật máy chơi điện tử, nhất quyết không động đến sách vở. Bố mẹ nhắc đến chuyện học bài là cháu nhăn nhó, cáu cẳn bảo cô không giao bài tập thì không cần phải học trước.
Bên cạnh nỗi lo con vẫn ham vui Tết, thực tế không ít gia đình về quê, đi du lịch chờ sát ngày con đến trường mới quay lại thành phố. Sau đợt vui chơi dài hay sau đợt di chuyển nhiều, các em chưa phục hồi sức khỏe, tinh thần quay lại lớp càng uể oải hơn. Bởi thế, năm nào những ngày sau Tết cũng có tình trạng lớp học vắng HS, nhiều em chưa quay lại trường.
Với sinh viên các trường Đại học cũng có kỳ nghỉ khá kỷ lục, có trường được nghỉ tới gần 20 ngày nên việc quay trở lại nếp học cũng là điều khó khăn.
Trên địa bàn Hà Nội sáng ngày 10/2 các sinh viên lục tục trở lại trường học, song đa phần là để hẹn gặp sau kỳ nghỉ Tết thay vì việc háo hức đến lớp để học.
Tờ Lao động dẫn lời cô Thương Huyền, giảng viên một trường Đại học ở Hà Nội, cho biết: “Năm nào ngày đầu tiên trở lại trường học, tình trạng sinh viên đi muộn, ngủ gật cũng tái diễn. Biết là các bạn còn trẻ, tâm lý mải chơi sau tết chưa thể chấm dứt ngay nhưng mình giảng ở trên, sinh viên cứ tự do làm việc riêng ở dưới vẫn thấy chạnh lòng”.
Công chức chán công sở, xe công xuất hiện nhiều tại chùa
Tình trạng công chức ăn bớt giờ để đi chùa, lễ hội sau nghỉ Tết là chuyện dễ thấy trong nhiều năm qua.
Không phải tự nhiên mà Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo lại ra chỉ đạo nghiêm cấm và xử lý nghiêm các đơn vị sử dụng xe công đi lễ hội, tổ chức đi lễ trong giờ hành chính...
Cụ thể ông Nguyễn Thế Thảo giao Sở Nội vụ tổ chức các đoàn thanh tra công vụ đột xuất kiểm tra việc thực thi nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thực hiện nghiêm kỷ luật công vụ, kỷ cương hành chính, đảm bảo giải quyết thông suốt các giao dịch hành chính, dân sự của tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.
Ngày 10/2,Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có Công điện về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014.
Nội dung Công điện nêu rõ: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương cần thực hiện nghiêm việc không sử dụng ngân sách nhà nước vào việc tổ chức lễ hội; đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân thực hành tiết kiệm trong tổ chức lễ hội.
Đặc biệt, Lãnh đạo các bộ, cơ quan, địa phương chỉ tham dự lễ hội khi thực sự cần thiết và có liên quan đến yêu cầu công việc quản lý nhà nước, chỉ đạo điều hành; cán bộ, công chức chấp hành nghiêm việc không sử dụng giờ hành chính và xe công đi lễ hội, trừ các trường hợp thực thi nhiệm vụ theo chức trách được phân công.
Trước công điện của Thủ tướng, Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An và nhiều tỉnh thành khác cũng đã có lệnh cấm dùng xe công đi lễ hội. Tuy nhiên, tại lễ hội ở nhiều địa phương vẫn xuất hiện tình trạng này
Tờ VnExpress đưa tin, tại bãi gửi xe không thuộc diện ưu tiên trong ngày khai mạc của lễ hội xuân Yên Tử hôm qua (9/2) xuất hiện khá nhiều xe biển xanh thuộc các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang... Những xe này được phóng viên quan sát không có phù hiệu của Ban tổ chức, tức là không đến lễ hội với việc công.
Tại nhiều lễ hội lớn như chợ Viềng hay tại đền Trần, đền Bà Chúa Kho vẫn thấp thoáng những bóng xe mang biển đăng ký của các cơ quan nhà nước.
Tại Thanh Hóa, dù đã có lệnh cấm nhưng nhiều xe công vẫn xuất hiện tại khu di tích Am Tiên nằm trên núi Nưa thuộc xã Tân Ninh (Triệu Sơn, Thanh Hóa).
Tại chợ Viềng, lễ hội Phủ Dầy (Nam Định) cũng vẫn xuất hiện tình trạng xe công đi đến lễ hội. Ngoài ra còn có nhiều xe công từ cách tỉnh thành lân cận.
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo