Tin tức - Sự kiện

Tình hình kinh doanh của doanh nghiệp dệt may khả quan nhất

Đánh giá về tình hình kinh doanh của từng ngành, ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM cho hay, dệt may là ngành phát tín hiệu khả quan nhất trong 6 tháng đầu năm. Các đơn hàng gia công tương đối dồi dào. Còn bất động sản và thủy sản vẫn còn nhiều khó khăn.

(vne) Ông Phạm Xuân Hồng, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay, 6 tháng qua, đơn hàng của các doanh nghiệp trong ngành tăng 10-15% so với cùng kỳ. Hầu hết đều đã hoàn thành 50% kế hoạch của năm.

Các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam là áo sơ mi, áo jacket, quần áo trẻ em… tăng trưởng khả quan. Các doanh nghiệp này đã chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng, độ tinh xảo, đảm bảo quy định khắt khe về nhãn mác, thành phần sợi vải.

Doanh nghiệp bất động sản cũng đã tự chuyển động để cứu mình. Theo ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch hiệp hội bất động sản TP HCM, các doanh nghiệp địa ốc đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp. Ví dụ như cơ cấu lại căn hộ quy mô vừa và nhỏ, xin chuyển công năng dự án, giảm giá bán để cắt lỗ, kéo dài thời gian thanh toán, hỗ trợ lãi suất cho người mua và rất nhiều hình thức khuyến mãi khác… để giải quyết hàng tồn kho và nợ xấu.

"Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn còn khó khăn về vốn, người tiêu dùng chưa được hướng dẫn cụ thể để có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng hỗ trợ mua, thuê mua nhà", ông Quân cho hay.

Riêng đối với các doanh nghiệp thủy sản, 6 tháng đầu năm nay kinh doanh khá bết bát. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, sản lượng cá tra xuất khẩu giảm, không đạt như dự đoán ban đầu.

Ngoài ra do giá cả không hấp dẫn nên số lượng cá nuôi giảm dần. Hiện nay 60% hộ nuôi là các doanh nghiệp, tuy nhiên các doanh nghiệp này thiếu vốn đầu tư. Còn đối với tôm, dịch bệnh hoành hành mạnh, cho nên khả năng đáp ứng về nguyên liệu bị hạn chế. Giá nguyên liệu cao nhưng thành phẩm bán ra không tương xứng nên nhiều đơn vị đang cầm cự để chờ tín hiệu tích cực ở vụ tới. Đối với doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu xuất hàng đi mới nhập nguyên liệu tiếp chứ không nhập ồ ạt để dự trữ như trước và lợi nhuận cũng giảm nhiều so với các năm trước.

Để giúp doanh nghiệp khắc phục khó khăn, ông Minh đưa ra đề xuất nên giảm thuế cho doanh nghiệp trong thời gian dài chứ không chỉ 3-6 tháng vì thời gian quá ngắn, doanh nghiệp có khi còn chưa bán được hàng. Luật đất đai cần được sửa đổi. Ngân hàng cũng phải hạ lãi suất đầu ra hơn nữa để doanh nghiệp dễ tiếp cận, ưu tiên bán trái phiếu Chính phủ cho người dân với kỳ hạn rút ngắn từ 5 năm xuống 3 năm.

Còn theo ông Quân, đối với bất động sản, Nhà nước nên cho Việt kiều được mua nhà như người Việt  trong nước và mở rộng điều kiện cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, phù hợp với thông lệ quốc tế. Ông kiến nghị ngân hàng cấp tín dụng ưu đãi trong gói 30.000 tỷ đồng cho các dự án nhà ở thương mại có quy mô từ 70m2 một căn hộ trở xuống, có giá bán dưới 15 triệu đồng một m2 đang xây dựng dở dang để xử lý hàng tồn kho. Đối với các dự án nhà ở xã hội khởi công xây dựng mới, ông đề nghị không cấp tín dụng từ nguồn vốn 30.000 tỷ đồng, mà nên sắp xếp nguồn vốn khác…

 

 

Thi Hà

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo