Tình trạng nứt trụ cầu Vĩnh Tuy - PGS-TS Nguyễn Văn Hùng: “Không loại trừ khả năng cốt thép bị ăn mòn”
Những vết nứt trụ cầu Vĩnh Tuy (Hà Nội) đang khiến dư luận quan tâm về chất lượng xây dựng các công trình giao thông, đặc biệt sau sự cố sập cầu treo Chu Va ở Lai Châu. chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Nguyễn Văn Hùng - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng - về những vấn đề nóng trên.
PV: Ông đánh giá thế nào về tình trạng nứt trụ cầu Vĩnh Tuy?
- Cầu Vĩnh Tuy xảy ra tình trạng nứt ở nhiều trụ chứ không phải chỉ một trụ. Để xác định được nguyên nhân nứt do đâu, cần phải có những thiết bị chuyên dụng để kiểm tra độ sâu của vết nứt, kiểm tra xem côn đai như thế nào. Giống như vật thể nén của một hình thể khối đặc thì bao giờ nó cũng bị phình ra.
Do vậy, không thể nói tình trạng nứt là do co ngót của bêtông khối lớn, vì nứt theo co ngót phải dạng chân chim chứ không nứt thẳng. Thứ hai, khối lớn đặc thì vết nứt sẽ lớn hơn, nhìn vết nứt là ta có thể xác định được vết nứt do vệt kéo của vật liệu gồm có bêtông và thép. Do vậy theo tôi vết nứt là do lực nén từ trên xuống.
PV: Xảy ra tình trạng nứt sau khi mới đưa vào sử dụng vài tháng, vậy ông có đánh giá gì về chất lượng của công trình cầu Vĩnh Tuy, sẽ phải khắc phục tình trạng nứt như thế nào?
- Hiện nay công trình vẫn sử dụng bình thường. Nhưng với khí hậu nóng ẩm thất thường, độ sâu vết nứt lớn và bề rộng của vết nứt cũng lớn thì không loại trừ khả năng cốt thép bị ăn mòn.
Vết nứt lớn thì khả năng cốt thép bị ăn mòn là hoàn toàn có thể xảy ra, do vậy theo tôi cần phải đục rộng ra và dùng các thiết bị để kiểm tra xem cốt thép có bị thương tổn hay không, sự ăn mòn có tác hại gì và vết nứt có phát triển nữa không.
Cần có hội đồng kiểm định để xác định chính xác nguyên nhân. Tuổi thọ theo thiết kế của công trình là hàng trăm năm, cho nên sự nguy hiểm không thể chỉ tính ở thời điểm trước mắt được.
Theo thông tin thì sau vài tháng đưa vào sử dụng, đến tháng 10.2010 đã phát hiện tình trạng nứt, và hiện vết nứt đã lớn và xuất hiện ở nhiều trụ khác nữa. Như vậy có thể khẳng định là công trình đang có vấn đề. Thép mà bị ngấm nước sẽ bị ăn mòn.
Với vết nứt bêtông thì phải trám vá (bó bột), phải gia cố và tạo vành đai ngoài, nếu chỉ bơm nhựa dính keo trám vá tạm bợ thì không đảm bảo chất lượng với một công trình lớn như vậy. Hiện nay, hội đồng nghiệm thu mới đưa ra các ý kiến cá nhân và theo tôi những ý kiến đó chưa thỏa đáng.
PV: Thưa ông, hiện dư luận đang đặt ra hai vấn đề dẫn đến công trình kém chất lượng là do bị ép tiến độ và có nhiều A, B và B’ nên công trình bị bớt xén do chi phí, theo ông thì sao?
- Theo tôi, về trách nhiệm trước hết thuộc về chủ đầu tư, và đơn vị thi công phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về chất lượng công trình.
Hiện nhiều chủ đầu tư không có chuyên môn, do vậy trong quy trình quản lý chất lượng phải đưa ra quy định hoàn thiện hơn, như về trách nhiệm bồi thường, bảo hành dài hạn đối với cả chủ đầu tư và bên thi công, như vậy mới tránh được những tổn thất cho nhân dân.
Xin cảm ơn ông!
Báo Lao Động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Tặng quà cho người dân và du khách trong đêm Noel
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất mức trích chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44%
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh
Đại hội đồng LHQ thông qua 'Công ước Hà Nội' về tội phạm mạng
Quảng Nam – Đà Nẵng: Nguy cơ thiếu nước trong năm 2025 ở mức cao
Sun Life nhận giải dịch vụ khách hàng tốt nhất
Cột tin quảng cáo