Tổ chức ASIAD 18: Nỗi lo những công trình ngàn tỉ… đắp chiếu
Trong dự thảo đăng cai Đại hội thể thao Châu Á (ASIAD 18 - 2019), Việt Nam sẽ phải xây thêm những công trình thể thao khổng lồ như trường đua xe đạp lòng chảo, sân bóng chày, sân hockey trên cỏ, khu đua ngựa... Liệu đây có phải là những công trình cần thiết và rồi, sau ASIAD, những công trình này sẽ được sử dụng thế nào hay lại “đắp chiếu” sau khi đã tốn vào đó cả chục ngàn tỉ đồng?
Những con số bấp bênh
Đến nay, Bộ VHTTDL vẫn khẳng định 150 triệu USD (tương đương 3.100 tỉ đồng) là đủ đăng cai ASIAD 18. Thực ra, ngay từ năm 2011, khi đưa ra kế hoạch vận động đăng cai ASIAD 18, Bộ VHTTDL đã đưa ra dự toán tổng mức ngân sách là 5.155 tỉ đồng (gần 300 triệu USD), trong số này, nguồn ngân sách chiếm 4.979 tỉ đồng (96%).
Trước con số này, ngày 9.4.2011, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Bộ VHTTDL nêu rõ: “Khoản ngân sách 4.979 tỉ là một gánh nặng với nhà nước. Con số này chỉ là khái toán, thực tế sẽ cao hơn nhiều.
Trong bối cảnh cân đối ngân sách nhà nước những năm tới còn khó khăn, vẫn cần ưu tiên bố trí chi cho những công trình thiết yếu...”. Công văn của Bộ Tài chính do Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh ký, đã đưa ra ý kiến: “Trong trường hợp chi phí tổ chức đại hội chủ yếu bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước thì đề nghị chưa nên đăng cai mà để đến khi điều kiện kinh tế Việt Nam cho phép”.
Tuy nhiên, khi lập hồ sơ chi tiết về kế hoạch đăng cai, Bộ VHTTDL đã lùi con số 5.155 tỉ đồng xuống mức 3.000 tỉ đồng (150 triệu USD). Tuy nhiên, điều thay đổi cơ bản là tỉ lệ ngân sách còn 28% (thay vì 96%) và nguồn huy động từ xã hội từ tỉ lệ khiêm tốn 4% đã được thổi lên mức 72%, nên đã khiến Bộ Tài chính đặt câu hỏi.
Trong công văn ngày 8.7.2013, Bộ Tài chính cho rằng khoản 72% kinh phí từ xã hội hóa này là thiếu căn cứ và đề nghị Bộ VHTTDL giải trình. Cho tới nay, Bộ VHTTDL cũng không chắc là kiếm đâu ra khoản xã hội hóa 72% ngoài số tiền ghi nhớ 500 triệu USD từ dự án trường đua xe đạp lòng chảo. Hiện dự án này vẫn đang... tắc vì đối tác nước ngoài muốn được kinh doanh cá cược sau khi ASIAD kết thúc.
Bài học đắng chát Asian Indoor Game
Năm 2009, Việt Nam đăng cai Đại hội thể thao trong nhà Châu Á lần thứ 3 (Asian Indoor Game). Chỉ với 45 đoàn và 24 môn thi, nhưng Indoor Game 3 đã ngốn 1.040,2 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước, trong đó kinh phí tổ chức là 466 tỉ, kinh phí đầu tư 574,2 tỉ đồng. Công trình tốn tiền nhất là Cung Điền kinh trong nhà có tổng vốn đầu tư 546 tỉ cộng với hàng chục tỉ đồng mua thiết bị.
Thế nhưng, chính cung điền kinh này là điển hình cho việc xây dựng các công trình thể thao rồi... bỏ phí. Sau Asian Indoor Game, người ta buộc phải lột phần đường chạy vì... chẳng có giải điền kinh trong nhà nào được tổ chức sau đó.
Khi giao cho Sở VHTTDL Hà Nội quản lý thì nó đã thành nơi cho thuê đấu quần vợt, nơi tập luyện một số môn võ, tổ chức cưới, show ca nhạc. Lý giải điều này, BQL Cung Điền kinh cho rằng phải cho thuê để lấy kinh phí bảo dưỡng hàng năm.
Bỏ 1.000 tỉ đồng để tổ chức một giải thể thao hầu như không có tiếng vang, vì ngay sau khi Việt Nam đăng cai, thì giải này sẽ được xóa sổ vì chẳng còn quốc gia nào xin đăng cai nữa.
Còn cung điền kinh 546 tỉ đồng chỉ dùng... đúng một lần rồi đắp chiếu, bởi ngay các giải trong nước cũng không tổ chức được, vì chẳng có địa phương nào đầu tư sân trong nhà.
Chuyện “dùng một lần rồi bỏ” của cung điền kinh đã được Thứ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Thế Phương đặt ra với dự án trường đua xe đạp lòng chảo: “Cần xem lại nhà đầu tư có làm không? Nếu không, thì có thể không tổ chức môn này nữa. Vì nếu ngân sách bỏ 300-400 tỉ đồng làm sân chỉ để đua 1 lần rồi bỏ, thì không cần thiết”.
Oái oăm là ở chỗ, đua xe lòng chảo là môn “buộc” phải có của ASIAD. Nên dù có tiết kiệm tối đa thì cũng phải tốn không dưới 400 tỉ đồng. Và sau đó? Trường đua này chỉ dùng để cho VĐV môn xe đạp luyện tập hay trở thành một địa điểm kinh doanh nào đó thì chưa ai dám chắc.
Việc xây trường đua xe đạp lòng chảo đã cho thấy những bất cập. Tuy nhiên, còn nhiều công trình khác mà vốn đầu tư cũng tới vài trăm tỉ đồng mà người ta cũng chưa hình dung sẽ... để làm gì sau ASIAD? Đó là nhà thi đấu đa năng có tổng vốn dự kiến 1.000 tỉ đồng (trong khi các nhà thi đấu không sử dụng hết công suất), một sân đấu bóng bầu dục, 1 sân đấu hokey trên cỏ, khu luyện tập môn... đua ngựa, nơi tập luyện và thi đấu 5 môn thể thao phối hợp, 13 sân tennis tiêu chuẩn quốc tế.
Khi dự án “siêu tiết kiệm” của Bộ VHTTDL về việc đăng cai ASIAD 18 chỉ tốn 150 triệu USD đang vấp phải sự nghi ngờ thì việc xây dựng các công trình thể thao tốn kém, nhưng thiếu định hướng lâu dài để sử dụng cũng là sự lãng phí quá lớn trong bối cảnh hiện nay.
ASIAD 18 và những con số 47 triệu USD (tương đương 984,6 tỉ đồng): Là số tiền Bộ VHTTDL đề xuất để nhà nước đầu tư cho 850 VĐV, trong đó có 50 V ĐV có khả năng đoạt huy chương. Riêng khoản tiền cho 50 VĐV này đi đào tạo nước ngoài là 634,2 tỉ đồng. 5.475 tỉ đồng: Là số tiền mà Bộ Tài chính dự kiến ngân sách sẽ phải chi cho ASIAD (tăng gấp đôi so với dự kiến của Bộ VHTTDL). 2.079 tỉ đồng: Là số tiền mà Trung tâm HLTT Quốc gia 1 đề nghị nhà nước đầu tư trong giai đoạn 2014-2018 để phục vụ ASIAD 18. Trong đó, vốn đầu tư xây các công trình mới 1.680 tỉ đồng, vốn đầu tư nâng cấp các cộng trình cũ: 240 tỉ, kinh phí trang thiết bị mới là 159 tỉ đồng. 500 triệu USD: Là số tiền mà đối tác từ Hàn Quốc muốn đầu tư vào trường đua xe đạp lòng chảo tại Mỹ Đình. Tổ hợp này gồm trường đua xe lòng chảo, khách sạn, khu mua sắm. Tuy nhiên, phía đối tác Hàn Quốc đề nghị sẽ được kinh doanh đặt cược tại đây với mức thuế ưu đãi. 11.000 là số lượng HLV, VĐV dự kiến tham gia ASIAD 18 với 36 môn. Ngoài ra, còn có quan chức quốc tế 1.000 người, trọng tài 1.000 người, phóng viên báo chí 3.000 người. T.A Các công trình hoành tráng bây giờ? Cung thể thao dưới nước: Được xây dựng phục vụ SEA Games 22 - 2003 với tổng mức đầu tư 240 tỉ đồng, hiện mỗi năm tổ chức giải bơi lặn 1-2 lần vào mùa hè. Các bể phụ và bể bơi chính hiện là bể bơi bình dân để BQL thu tiền bảo dưỡng. Suốt mùa đông, cung thể thao dưới nước gần như đóng cửa và các VĐV cũng không thể luyện tập do giá rét. Sân vận động Mỹ Đình: Được xây chuẩn bị SEA Games 22 với tổng mức đầu tư hơn 50 triệu USD. Nay, một số khu vực tại đây được cho thuê làm quán café, rạp chiếu phim, dịch vụ massage, sân tập golf... Mỗi năm tại đây chỉ tổ chức vài trận bóng đá của đội tuyển (VFF cũng phải thuê với giá cao, ví dụ như trận đấu với Arsenal vào giữa năm 2013). Cung điền kinh trong nhà: Có kinh phí xây dựng 540 tỉ đồng, nhưng chỉ sử dụng cho giải điền kinh ở Asian Indoor Games đúng 1 lần. Hiện đường chạy đã bị lột cất kho. Mặt bằng sân điền kinh này được chia thành các sân quần vợt để cho thuê. Thỉnh thoảng, còn tổ chức biểu diễn ca nhạc, đám cưới. Hệ thống các nhà thi đấu tại Hà Nội (được xây để phục vụ SEA Games 22): 42,9% thiếu thiết bị âm thanh, 32,1% thiếu thiết bị ánh sáng, 62,1% thiếu thiết bị luyện tập và 91% thiếu thiết bị di chuyển. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Việt Nam đứng thứ ba về xuất khẩu gạo sang Singapore
Thales tiếp tục cung cấp dịch vụ bảo trì cho đội bay của Vietnam Airlines
Thị trường cho thuê văn phòng cạnh tranh gay gắt
Giá nông sản ngày 23/1/2025: Cà phê tăng vọt, hồ tiêu nhích nhẹ
Giá xăng giảm trước kỳ nghỉ Tết