Tò he Xuân La đang kêu cứu
Thứ quà trẻ thơ…
Nằm cách trung tâm Hà Nội hơn 30km, làng Xuân La xưa vốn là một gò đất, bốn bề nước nổi, đi lại đều bằng thuyền. Dân làng làm nghề trồng lúa nước. Mùa mưa, nước dâng lên rất cao và sâu. Cảnh đồng rộng mênh mông, chỉ thấy những bông lúa lơ thơ, chim cò đậu trên mặt nước khiến dân làng Xuân La nảy sinh ra ý tưởng lấy đất sét đồng, nặn ngay những con chim con cò đang ăn lúa. Những hình thù được tạo ra từ đất sét vô cùng ngộ nghĩnh. Đến các dịp lễ Tết, các cụ trong làng đã tận dụng sẵn bột gạo nếp để làm bánh nặn ra các con vật cho trẻ em trong nhà ăn, rồi đem đi bán. Những con bánh chim cò ấy là tiền thân của tò he sau này.
Làng Xuân La hồi ấy, ngoài làm ruộng, còn nổi tiếng với ba nghề phụ đã đi vào ca dao:
“Thứ nhất bánh đa
Thứ nhì bánh cuốn
Thứ ba chim cò.”
Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Thành (Chủ nhiệm CLB làng nghề truyền thống nặn tò he) thì chỉ cần một “bộ đồ nghề” bao gồm hộp gỗ, dao, lược, que tre và sáp chống dính, người nghệ nhân nặn tò he đã có thể hành nghề. Tuy nhiên, chuẩn bị bột nặn là công đoạn đòi hỏi nhiều thời gian và công phu hơn cả. Gạo nếp sau khi đem xay nghiền nhỏ thành tinh bột sẽ được nhào trộn theo tỉ lệ với nước, rồi đồ chín và nhuộm màu. Tò he khi mới ra đời chỉ có màu trắng. Dần dần, qua sự tìm tòi và sáng tạo, người dân tạo ra những màu sắc sinh động, chiết xuất từ các nguyên liệu tự nhiên, gần gũi, dễ kiếm. Màu xanh của nước lá trầu không, màu đỏ của gấc, màu vàng lấy từ củ nghệ già, màu tím từ quả phèn đen, màu đen từ cây nhọ nồi,…
Mẫu mã của tò he vô cùng đa dạng. Chỉ cần một chiếc que tre, chút bột màu, trong khoảng 10 – 15 phút, người nghệ nhân có thể tạo ra được vô số hình thù: con giống, đồ chơi, các nhân vật nổi tiếng,… đáp ứng đủ mọi nhu cầu của mọi đối tượng.
…đang có nguy cơ mai một
Hơn 300 năm hình thành, tồn tại và phát triển, tò he Xuân La trải qua nhiều biến cố, thăng trầm, nhiều lúc tưởng chừng đã bị mai một. Anh Thành cho biết: “Sự tràn lan của đồ chơi nhập ngoại, đặc biệt là đồ chơi Trung Quốc là một trong những nguyên nhân khiến cho tò he bị lãng quên. Mặt khác, giá trị đích thực của đồ chơi truyền thống cũng không được giới thiệu, quảng bá rộng rãi với người dân trong nước. Điều này khiến cho bản thân người dân cũng bị thiếu thông tin, vì thế nên chưa chú trọng ưu tiên đối với đồ chơi truyền thống.”
Năm 2009, CLB làng nghề truyền thống nặn tò he được thành lập do anh Nguyễn Văn Thành làm Chủ nhiệm. Hiện tại, CLB đã có 119 hội viên. Về hướng phát triển CLB làng nghề truyền thống, tò he Xuân La đang phấn đấu để trở thành điểm du lịch trong chuỗi các làng nghề truyền thống Việt Nam. “Hiện tại, quy mô vẫn còn hạn chế, chưa được tổ chức nào hỗ trợ, tài trợ về kinh phí nên các ý tưởng vẫn chưa hiện thực hóa được!” – Anh Thành chia sẻ - “Chúng tôi cũng đang tiếp tục nghiên cứu tạo ra loại bột có thể để lâu, đảm bảo không mốc, không nứt để triển khai trong toàn làng nghề. Mẫu mã cũng cải tiến đa dạng, phù hợp, thiết yếu hơn để đáp ứng trực tiếp được nhu cầu của trẻ thơ. Xa hơn nữa, chúng tôi mong muốn giới thiệu tò he đến với bạn bè Quốc tế” – Anh Thành cho biết thêm.
Khi đi hành nghề, tò he đúng “chất” phải được bán rong. Người nghệ nhân sẽ ngồi ở những nơi tập trung đông người như công viên, khu vui chơi – giải trí, trường học, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử,… để hành nghề. Tuy nhiên, nếu chiếu theo quy định của Nhà nước về việc quản lý hoạt động bán hàng rong, tò he nghiễm nhiên sẽ nằm trong danh sách bị cấm. Rất nhiều trường hợp nghệ nhân làng Xuân La đi hành nghề bị dẹp bị đuổi vì… bán rong tò he. Nghệ nhân Nguyễn Văn Thuận – người từng mang tò he ra nước ngoài biểu diễn cũng đã có lần bị xua đuổi khi đi hành nghề tại Bờ Hồ.
Nhà nước nên có chính sách điều chỉnh quy định, nên có sự phân định hàng rong bày bán bình thường với hàng rong nghệ thuật nét đẹp văn hóa Việt Nam. Nếu không chính sự thiệt thòi này sẽ làm giảm đi phần nào sự nhiệt tình, tâm huyết của nghệ nhân trong làng đi duy trì, quảng bá nghề nặn.
Người làng vẫn nặng lòng với nghề
Hiện tại, trên địa bàn có khoảng trên 50% số hộ gia đình theo nghề nặn tò he. Trong đó, có khoảng trên 300 nghệ nhân đi hành nghề thường xuyên. Thu nhập của người nặn tò he rất thấp, chỉ mang tính chất tượng trưng, thiên về tính văn hóa. Vậy nên, nếu chỉ dựa vào tiền kiếm được từ nặn tò he, chắc chắn không đủ sống. Nghệ nhân Thành cho biết: “Người dân làng Xuân La hành nghề với mục đích duy trì và bảo tồn giá trị đồ chơi cha ông để lại”.
Trong ba tháng đầu năm lễ hội, các ngày thứ Bảy, Chủ nhật, hoặc những ngày bình thường ở các chợ quê, cổng trường học, khu vui chơi giải trí, danh lam thắng cảnh khắp các tỉnh thành, đều dễ dàng nhận thấy những nghệ nhân tò he Xuân La. Mỗi người dân làng Xuân La đi nặn tò he không chỉ để thỏa cái thú, thỏa cái nghề mà vẫn luôn đau đáu, trăn trở tìm hướng đi mới cho món đồ chơi truyền thống trên 300 năm tuổi này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo