Tòa án tiếp tục đóng băng sắc lệnh cấm nhập cư, Trump "thua kiện"
Tòa án phúc thẩm khu vực số 9 tuyên bố không phản đối phán quyết của tòa cấp thấp về việc tạm thời ngừng sắc lệnh di trú của ông Trump trên toàn nước Mỹ. Với quyết định này, chính quyền của Tổng thống Donald Trump có thể đệ đơn kháng cáo lên Tòa án tối cao.
Theo đó, thẩm phán không khôi phục sắc lệnh cấm nhập cư theo đề nghị của chính quyền Tổng thống Trump. Do đó, người dân từ 7 nước Hồi giáo có điều kiện nhập cảnh hợp pháp sẽ được tiếp tục đi vào Mỹ.
Quyết định của tòa phúc thẩm được đưa ra sau phiên điều trần hôm 8/2 theo đơn kiện của bang Washington và Minnesota. Đây là phiên điều trần tại tòa đầu tiên về sắc lệnh di trú gây tranh cãi của Tổng thống Trump.
Tại phiên điều trần, Bộ Tư pháp Mỹ nhấn mạnh sắc lệnh cấm nhập cảnh được ông Trump là sự “thực thi pháp luật” và nó nằm trong thẩm quyền của một tổng thống. Đại diện Bộ Tư pháp, luật sư August Flentje cho rằng sắc lệnh của Trump là hoàn toàn hợp hiến vì danh sách các nước bị cấm nhập cảnh đều có tình hình bất ổn, có nguy cơ tạo ra “các mối đe dọa đến an ninh quốc gia”.
Còn hai bang Washington và Minnesota lại khẳng định quyết định đình chỉ thực thi của thẩm phán Robart là hoàn toàn nằm trong thẩm quyền. Noah Purcell, đại diện cho hai bang Washington và Minnesota, nêu ra những tổn hại không thể khắc phục khi thực hiện lệnh cấm như "gia đình bị chia tách, những người thường trú không thể ra nước ngoài, thiệt hại doanh thu thuế".
Phản ứng nhanh trước phán quyết mới nhất, ông Trump viết trên Twitter rằng: "Hẹn gặp các ông tại toà án. An ninh quốc gia đang đối mặt với rủi ro".
Sắc lệnh hành pháp về cấm nhập cư của gây tranh cãi của Tổng thống Trump được ban hành ngày 28/1, yêu cầu tạm thời không nhận người tị nạn từ Syria vĩnh viễn; đồng thời cấm nhập cảnh đối với công dân từ 7 quốc gia Hồi giáo gồm Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Yemen và Syria trong 90 ngày.
Tòa án ở Seattle tuần trước đã ra phán quyết tạm ngừng thực thi sắc lệnh trên toàn nước Mỹ. Chính quyền của Tổng thống Trump đã kháng cáo và đề nghị khôi phục sắc lệnh ngay lập tức nhưng bất thành.
End of content
Không có tin nào tiếp theo