Tọa đàm kinh tế Việt Nam 2015: Hết thời Nhà nước như “bề trên” của doanh nghiệp
Thay đổi không chỉ trên văn bản
Ông Vinh dành tất cả thời gian phát biểu để nói về những tồn tại cần nhanh chóng tháo gỡ của môi trường đầu tư tại Việt Nam và sự cải thiện đáng kể về chính sách trong những năm gần đây để thu hút và tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư.
“Trước hàng trăm DN, tôi khẳng định sự thay đổi không chỉ trên văn bản luật, mà sẽ bằng hành động cụ thể và sẽ được DN, tổ chức kiểm định bằng thực tế. Nhất định không được để DN khó chịu, mất thời gian vì thủ tục rầy rà. DN nuôi Nhà nước để Nhà nước phục vụ lại DN, cớ sao lại “hành” họ vì những thủ tục hành chính? Phải xác định đã hết thời của kiểu làm việc Nhà nước như “bề trên” của DN”.
Cũng theo ông Vinh, nhiều nhà đầu tư nước ngoài từng phản ánh trực tiếp với ông về cản trở lớn nhất khi đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam là nạn tham nhũng: Giao dịch mua hay bán đều phải gửi “hoa hồng”, đặc biệt trong DN nhà nước.
Cũng vì thế, những thay đổi, cải cách của Việt Nam là để phấn đấu minh bạch chính điểm này. “Chúng ta chưa có thành tựu gì rực rỡ, nếu cứ làm ăn kiểu không minh bạch, tham nhũng, chính sách không đi vào đời sống thì sẽ mãi mãi tụt hậu và không bao giờ phát triển được. Quá trình thay đổi rất khó khăn, gian khổ, vì không gì khó bằng đổi mới chính mình, nhưng vẫn phải làm, làm quyết liệt” - ông Vinh cho hay.
Cái gì không cấm sẽ được phép làm
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, trong quý I/2015, kinh tế vĩ mô ổn định và vững chắc hơn, lạm phát luôn dưới 3%, GDP đạt 6,03% và là mức tăng trưởng cao trong nhiều năm qua. Năm 2015, kế hoạch tăng trưởng GDP đặt ra là 6,2%, nếu duy trì được đà hiện tại và không có đột biến, con số này có thể đạt 6,5%.
Thuận lợi nữa là quá trình tái cấu trúc nền kinh tế được khởi xướng mạnh mẽ, hệ thống luật pháp đang dần đi vào đời sống, có hiệu lực chính là minh chứng cho nỗ lực làm thực sự của Chính phủ chứ không dừng ở nghị quyết, ở văn bản luật. “Chúng ta phải tư duy ai cung cấp dịch vụ rẻ nhất, chất lượng tốt nhất thì người đó sẽ thắng, tất cả thể chế kinh tế Việt Nam phải như thế, minh bạch, rõ ràng”.
Ông Trần Thành Trọng - TGĐ Cty CP Ánh Sáng Ban Mai (Bình Dương) - băn khoăn, DN này sản xuất thiết bị điện và cơ khí nhưng khi tham gia dự thầu, rất nhiều dự án hồ sơ mời thầu yêu cầu “sản phẩm nhập ngoại 100%” hoặc có yếu tố liên doanh, như vậy DN nội bị loại ngay từ vòng đầu. Trong một số trường hợp khác, những DN có chứng nhận “nhập ngoại 100%” sẽ được 10 điểm, còn DN nội chỉ được 3 điểm.
“Chúng tôi phản ánh nhiều, nhưng nhà tư vấn đấu thầu giữ nguyên quan điểm” - ông Trọng bức xúc. Thừa nhận đây là một rào cản chính sách của Việt Nam, tuy nhiên theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, Luật Đấu thầu sửa đổi năm 2013 có đưa vào nội dung ưu tiên cho các nhà sản xuất trong nước. Ngoài ra, luật cũng yêu cầu chọn đối tác sao cho đạt hiệu quả cao nhất, nên DN trong nước sẽ có cơ hội.
Đại diện Tập đoàn Kinder World bày tỏ “vấn nạn” tham nhũng ở Việt Nam chủ yếu do quá trình thực hiện thủ tục hành chính. DN hoan nghênh nỗ lực rút ngắn thời gian cấp phép đầu tư từ 45 xuống 15 ngày, nhưng trên thực tế, chính Kinder World từng mất 3 - 4 năm để hoàn thiện một thủ tục đầu tư.
Bộ trưởng Vinh chia sẻ với DN và lý giải sự chậm trễ của các dự án sử dụng quỹ đất lớn còn liên quan đến thủ tục cấp đất, địa điểm bố trí dự án… Ngoài ra, lĩnh vực đặc thù lại liên quan đến yêu cầu khắt khe của bộ chủ quản… nên nhà đầu tư rất mệt mỏi. Từ ngày 1.7.2015, Luật Đầu tư sửa đổi đi vào đời sống kèm chế tài đủ mạnh để triển khai nghiêm túc.
“Luật cũ chưa minh bạch, mỗi nơi hiểu một cách; cán bộ “hành” DN, nhiều thủ tục, đi lại nhiều lần,… nên khi triển khai Luật Đầu tư mới, chúng tôi quyết tâm làm rõ cái gì không cho phép làm ghi rõ vào luật, còn lại tất cả đều được phép” - ông Vinh cho hay.
Bên lề hội nghị, bà Thái Hương - TGĐ Ngân hàng Bắc Á - chia sẻ: “Chúng tôi rất phấn khởi, vì Nhà nước ghi nhận vai trò của đội ngũ DN, doanh nhân trong thời bình. Cuộc cách mạng nào cũng cần sự tham gia của một chủ thể vô cùng quan trọng là chính sách, phải bằng chính sách để lôi cuốn DN, doanh nhân chứ không đơn thuần là khích lệ. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là môi trường kinh doanh minh bạch, cơ chế rõ ràng”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất