Tin tức - Sự kiện

Tôm trúng mùa cũng lo

Với khoảng 9,8 triệu con giống thả nuôi từ 15-12-2012 đến 30-9-2013 trên 45.455 ha, tuy thiệt hại 25% diện tích thả nuôi, nhưng người nuôi tôm ở Sóc Trăng cho rằng mức thiệt hại giảm 26% so với năm trước là mừng lắm rồi.

Nỗi lo vẫn tiềm ẩn

Ông Nguyễn Văn Khởi, phó giám đốc sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng tuy nói rằng sản lượng tôm chắc chắn thu được 68.500 tấn, có thể đạt mức phấn đấu 80.000 tấn nhưng trong 48.000 tấn tôm đã thu hoạch, trên 35.000 tấn là tôm thẻ chân trắng. Trong khi tôm sú nuôi quản canh cải tiến chỉ đạt năng suất 0,5 tấn/ha, nuôi thâm canh: 3,1 tấn/ ha, bán thâm canh: 1,6 tấn/ha thì tôm thẻ chân trắng đạt 4,5 tấn/ha. Các phân tích từ giới chuyên môn cho thấy diện tích nuôi thả tôm sú ngày càng ít đi và tôm thẻ chân trắng- vật nuôi cần đặt dưới sự kiểm soát dịch bệnh và đo lường dung lượng thị trường- lại phình ra quá nhanh. Diện tích nuôi tự phát bất chấp thời vụ sẽ là mối lo lớn.

Thu hoạch tôm ở Sóc Trăng. Ảnh: L.Hoàng Yến

Cù Lao Dung, nằm giữa sông Hậu, đã mở mới trên 100 ha, chủ yếu nuôi tôm thẻ chân trắng. Năm nay người nuôi “ trúng lớn”, thu vô mỗi nhà năm ba trăm triệu, thậm chí cả tỉ đồng thì không có lời khuyên nào tốt hơn sức mạnh đồng tiền. Phó chủ tịch huyện Cù Lao Dung, ông Phạm Hồng Văn cho biết: Từ vụ nuôi 2012 và sự thuận lợi về thời tiết trong năm nay, giá cả ở vụ nuôi 2013, nên diện tích nuôi tôm của huyện lên tới 1.080ha; năng suất bình quân đạt 6 tấn/ha. Trên 87% diện tích nuôi có lãi, chỉ có khoảng 13% diện tích từ huề đến lỗ. Đặc biệt, số hộ nuôi có lãi tiền tỷ năm nay tăng lên khá nhiều.

Giá bán trên 200.000 đồng/kg loại 30 con khiến cho người nuôi sẳn sàng mở thêm diện tích và bất chấp thời vụ.

Trong khi đó Thái lan và cả Trung Quốc thất mùa tôm và đó là một trong những nguyên nhân đẩy giá tôm ở Việt Nam lên.

Nhưng liệu sang năm các nước phục hồi thì giá cả sẽ thế nào? Chưa ai dám chắc điều gì! Nhưng chắc chắn là phong trào nuôi tôm sẽ sục sôi khí thế, người nuôi vẫn say men “ thắng lớn” …bất chấp lời khuyến cáo.

Ông Khởi cho rằng thành công của mùa tôm năm nay do việc bố trí lịch thời vụ hợp lý, áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp. Đặc biệt là việc tạm ngưng thả giống ngay sau khi dịch bệnh xuất hiện, đã giúp hạn chế thiệt hại và sự lây lan. Công tác quản lý, chỉ đạo vụ nuôi thực hiện khá chặt chẽ. Tuy nhiên, ông Khởi thừa nhận mắt xích yếu nhất trong một tỉnh có trên 45.455 ha thả nuôi, nhưng không có trại giống nên việc cung cấp con giống chưa bảo đảm chất lượng ổn định!?

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, ông Lê Thành Trí, khẳng định: Con tôm có vai trò, vị trí quan trọng, có tính quyết định đến sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Kinh nghiệm sau 2 năm thất bại, nhận thức về môi trường của hộ nuôi khá hơn, các cơ sở chế biến ngày càng quan tâm hơn đến việc xây dựng vùng nguyên liệu. Muốn “ thắng” trong vụ nuôi 2014, phải bàn và đi đến thống nhất, để tất cả các ngành, các cấp chung tay hành động.

5 nỗi lo của ông Trí là: 1/Giá tôm cao sẽ khuyến khích người nuôi tiếp tục thả giống ngoài lịch thời vụ, gia tăng diện tích nuôi. 2/ Trong khi các nhà máy vẫn dè dặt trong việc đầu tư nâng cao năng lực chế biến, dự trữ, thị trường. 3/Xu hướng chuyển mạnh từ tôm sú sang tôm thẻ chân trắng vẫn chưa thể lường hết được dịch bệnh và những cuộc “ đụng hàng dội chợ” trên thị trường xuất khẩu; 4/Diện tích nuôi tôm mở rộng quá nhanh sẽ đẩy vùng nuôi vào tình trạng thiếu con giống, nguồn điện tại một số vùng nuôi. Nguy cơ dịch bệnh vẫn còn ở mức cao và thực sự rủi ro vẫn tiềm tàng ở đáy ao, nguồn nước. 5/Khó khăn về vốn vẫn là nỗi lo lớn vì không dễ giải quyết. Và năm nay số người trúng chủ yếu nuôi quy mô nhỏ, trong khi đó những “ đại gia” đã kiệt quệ sau 2 năm thất mùa tôm.

Ông Trí yêu cầu: Nhà máy và người nuôi phải gắn kết với nhau, trước mắt để hỗ trợ nhau về thông tin thị trường, giá cả, tiêu thụ…Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường, chấp hành lịch thời vụ; Tổ chức lại sản xuất theo hướng cải thiện thu nhập các tác nhân tham gia chuỗi giá trị. Đó cũng là vấn đề ngành nông nghiệp chú trọng khi tái cơ cấu ngành.

Bài học không phải ai cũng thuộc!

“Những hộ thả nuôi trước lịch thời vụ; thả nuôi liên tục quanh năm và tại những vùng nuôi tập trung bị ô nhiễm môi trường chịu thất bại nặng nề. Huyện sẽ tổ chức đối thoại để tuyên truyền, vận động và đưa ra các khuyến cáo phù hợp”. Ông Văn cho biết thêm: Hiện nay, Cù Lao Dung có 7 cụm nuôi chưa có điện 3 pha, thậm chí có khu vực chưa có điện (phải dùng máy xăng hoặc dầu nên chi phí lên rất cao) và 4 tuyến kênh chính của vùng nuôi hiện bị bồi lắng cần được nạo vét

Giá bán khá cao nên tôm vẫn thu hút được người nuôi. Ảnh: L.Hoàng Yến

Ông Phạm Minh Tiền, Hiệp hội tôm Mỹ Thanh rút ra bài học: Hầu hết số hộ tuân thủ theo lịch thời vụ đều thành công, nhưng mô hình nuôi phù hợp thì đến nay vẫn chưa có. Nguy cơ tiềm ẩn về dịch bệnh gây thiệt hại cho những vụ nuôi tiếp theo vẫn chưa được giải quyết. Ngành chức năng cần quan tâm kiểm soát tốt chất lượng con giống, vùng nuôi và đúc kết những mô hình nuôi thành công, cũng như thất bại để rút kinh nghiệm và nhân rộng.

Ông Nguyễn Hoàng Phương, giám đốc Bảo Việt Sóc Trăng: Hiện nay, công ty đã giải quyết bồi thường bảo hiểm thiệt hại tôm nuôi cho 4.657 hồ sơ, đạt 99%, chỉ còn 17 hồ sơ với khoảng 700 triệu đồng tiền bồi thường chưa giải quyết do hộ còn thiếu các chứng từ, thủ tục hoặc không có ở nơi cư trú. Ý ông Phương nhấn mạnh: Giai đoạn thí điểm chỉ còn đến 31-12-2013, nên Ban chỉ đạo tỉnh cần sớm tổ chức tổng kết thí điểm và cho ý kiến triển khai giai đoạn cuối này; trong đó có việc sớm ban hành lịch thời vụ để công ty và các địa phương làm cơ sở gắn hoạt động bảo hiểm với người nuôi.

Tình trạng quá tải điện tại một số vùng nuôi đã xảy ra, để giải quyết tạm thời nhu cầu điện cho vụ nuôi 2014, cần tăng cường thêm 103 trạm biến áp với tổng vốn đầu tư khoảng 36 tỉ đồng. Các nơi đề nghị tỉnh xem xét cho phía công ty ứng trước vốn để thi công kịp thời vụ, sau đó sẽ hoàn lại.

Viện nuôi trồng Thủy sản II cho rằng mức thiệt hại 30% ở vụ nuôi 2013 cho thấy nguy cơ thiệt hại vẫn còn tiềm ẩn.Trong điều kiện môi trường, dịch bệnh như hiện nay, người nuôi nên nuôi với mật độ thưa, chọn lựa con giống tốt, sạch bệnh, nuôi an toàn sinh học và nên có thời gian cho đất nghỉ ngơi để cắt mầm bệnh.

Theo trung tâm Thú y vùng VII, việc công bố kết quả tìm ra tác nhân gây hội chứng EMS chỉ mới là bước đầu, các nghiên cứu tiếp theo để tìm ra cơ chế gây bệnh, giải pháp phòng trị vẫn đang được các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu. Hy vọng đến cuối năm nay, sẽ có kết quả tốt.

Thương lái Trung Quốc sang mua tôm giá cao có lợi hay hại vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau! Làm gì để tránh cảnh “thổi giá” lên cao để loại đối thủ, ai cũng biết nhưng không phải ai cũng có cái nhìn đúng cho vấn đề này.

Theo SGTT
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo