Tin tức - Sự kiện

Tôn vinh doanh nghiệp liêm chính

Đối với doanh nghiệp, tham nhũng không chỉ là đưa hay nhận hối lộ mà còn bao gồm thiếu minh bạch trong tuyển dụng, không cung cấp thông tin tới người lao động hay các hành vi khác.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, sự tham gia của nhiều chủ thể như cộng đồng doanh nghiệp,  là những nhân tố quan trọng góp phần đẩy lùi tham nhũng

 

Đây là nhận xét của ông Florian Beranek, chuyên gia cao cấp về Trách nhiệm Xã hội của UNIDO về tính minh bạch trong kinh doanh tại hội thảo khởi động Chương trình hành động “Thúc đẩy Thực hiện Liêm chính trong Kinh doanh – Đề án 12” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.

 

Theo chuyên gia quốc tế này, bên cạnh những nỗ lực của chính phủ và các cơ quan Bộ ngành, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần chung tay góp sức thực hiện liêm chính, chống tham nhũng. Hiện nay, rủi ro và tổn thất do tham nhũng trong môi trường kinh doanh vẫn còn bị đánh giá thấp.

 

“Đừng nghĩ chống tham nhũng là điều gì xa xôi, khó thực hiện, doanh nghiệp có thể bắt đầu hành động ngay từ ngày mai bằng cách đơn giản là trung thực và công khai trong hoạt động. Đây cũng là một trong bốn nội dung mà Hiệp ước Toàn cầu Liên Hợp quốc luôn khuyến khích doanh nghiệp tuân theo”, ông Florian Beranek cho biết.

 

Các ý kiến đều cho rằng, tham nhũng đang diễn biến phức tạp, khó lường và không có sự khác biệt lớn về tác hại giữa tham nhũng trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước.

 

Tham nhũng trong khu vực tư đang phá vỡ các nguyên tắc vận hành của nền kinh tế, hình thành những thói quan kinh doanh bất chính, làm suy yếu năng lực cạnh tranh của chính các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung, đặc biệt sự thiếu minh bạch trong các cơ quan ngân hàng, các tổ chức tài chính tư nhân sẽ gây ra những tác động tiêu cực cho nền kinh tế.

 

Do vậy, công tác phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư đã trở thành vấn đề cần thiết đối với sự phát triển của nền kinh tế quốc dân nói riêng và ổn định xã hội nói chung. Cần khuyến khích các doanh nghiệp cùng hành động thực hiện liêm chính trong kinh doanh.

 

Tuy nhiên, hành động tập thể cũng đòi hỏi sự hợp tác bền vững của các chủ thể là doanh nghiệp, chính phủ và các tổ chức dân sự nhằm hướng tới môi trường kinh doanh công bằng và giảm bớt nguy cơ gây tham nhũng, hối lộ.

 

Để tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cùng hợp tác thực hiện liêm chính trong kinh doanh mà theo đó hoạt động kinh doanh được tiến hành thuận lợi, VCCI được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng Chương trình hành động “Thúc đẩy Thực hiện Liêm chính trong Kinh doanh – Đề án 12” nhằm tiếp tục thực hiện Chiến lược Quốc gia về phòng chống tham nhũng đến năm 2020.

 

Đề án này sẽ được thực hiện trong vòng bốn năm, từ năm 2015 đến 2019 với ngân sách hơn 20 tỷ. Trong đó ngân sách nhà nước hơn 7 tỷ còn lại từ các nhà tài trợ hơn 12 tỷ đồng

 

Ông Phạm Hoàng Hải, điều phối viên dự án, Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững cho biết, phạm vi tác động của đề án 12 đối với doanh nghiệp sẽ thực hiện tại 5 ngành công nghiệp là da giày, may mặc, chế biến lương thực thực phẩm, lắp ráp và điện, điện tử. Đối với cơ quan nhà nước phạm vi tác động là thuế, hải quan và tài chính ngân hàng.

 

Đặc biệt, theo ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VCCI), đại diện Mạng lưới Hiệp ước Toàn cầu tại Việt Nam, trong thời gian tới sẽ xây dựng website tôn vinh những doanh nghiệp tham gia liên minh liêm chính.

 

Những doanh nghiệp này sẽ có ưu tiên nhất định như trong việc đấu thầu và uy tín của doanh nghiệp đối với bạn hàng rất cao. Bên cạnh đó, cũng sẽ có danh sách các doanh nghiệp đen

 

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, sự tham gia của nhiều chủ thể như cộng đồng doanh nghiệp, chính phủ, hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, cơ quan truyền thông là những nhân tố quan trọng góp phần đẩy lùi tham nhũng, thực hiện liêm chính.

 

Tuy nhiên, để thúc đẩy thành công tiến trình này cần có những sáng kiến tập thể, cần có những tổ chức và những doanh nghiệp tiên phong với sự cam kết cao, đặc biệt trong việc hợp tác cùng với chính phủ và các tổ chức xã hội như VCCI.

 

“ Sự khuyến khích của các cơ quan Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp cũng xem là động lực thúc đẩy thực hiện liêm chính trong doanh nghiệp”, TS Lộc nói

Hồng Trang
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo