Tin tức - Sự kiện

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Phải biết xấu hổ, đau khổ vì tham nhũng”

“Phải biết xấu hổ, đau khổ vì tham nhũng. Phải xử lý tham nhũng ngay trong cấp ủy, trong từng cán bộ, đảng viên...” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.

 Thu hồi tài sản tham nhũng không quá 10%

Tham gia chủ trì hội nghị còn có ông Lê Hồng Anh - Thường trực Ban Bí thư (Phó Trưởng Ban chỉ đạo), ông Nguyễn Bá Thanh - Trưởng Ban Nội chính T.Ư (Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo).
 
Số vụ án và bị can liên quan tham nhũng mà lực lượng CSĐT tội phạm về tham nhũng đã thụ lý điều tra. Ảnh: Phiên xử phúc thẩm vụ án sai phạm tại Vinalines.
 
Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Bá Thanh cho biết do có sự chỉ đạo tập trung, sâu sát của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng (PCTN) và quyết tâm cao của các cơ quan tiến hành tố tụng T.Ư, công tác xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng đã được tập trung đẩy mạnh một bước, tạo chuyển biến tương đối rõ nét. Tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã được đẩy nhanh hơn, nhiều vụ án được mở rộng điều tra cả về tội danh và số lượng bị can, mức án nghiêm, đủ sức răn đe hành vi tham nhũng.
 
Cũng theo ông Nguyễn Bá Thanh, việc xử với mức án treo trong các vụ án tham nhũng đã được Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao ban hành nghị quyết hướng dẫn, được kiểm tra chặt chẽ hơn. Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã được đưa ra xét xử nghiêm minh, theo quy định của pháp luật, được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ, đánh giá tốt. Cụ thể như vụ án tham nhũng tại Vinalines, các bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc bị toà sơ thẩm tuyên phạt mức án tử hình; vụ án tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Đăk Lăk - Đăk Nông, bị cáo Vũ Việt Hùng cũng bị toà tuyên phạt mức án tử hình…
 
Tuy vậy, ông Thanh cho rằng, nếu nghiêm túc nhìn nhận, công tác PCTN vẫn chưa đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra và chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn hiện nay, đặc biệt là trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng. “Việc thu hồi tài sản tham nhũng đã được các cơ quan chức năng chú trọng thực hiện song song với việc phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng. Tuy nhiên, thực tế thu hồi tài sản tham nhũng còn rất khó khăn, số lượng tài sản thu hồi đạt rất thấp (không quá 10%)” - ông Thanh cho biết.
 
Xây dựng một cơ chế không dám tham nhũng
 
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về PCNT đồng tình khi cho rằng từ đầu 2013 đến nay, công tác PCTN đã được triển khai khá đồng bộ, và có sự chuyển biến tích cực, rõ nét. Cơ chế xử lý các vụ tham nhũng được thực hiện thường xuyên, chủ động, có hiệu quả, nhất là cơ chế làm việc trong Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN và Thường trực Ban Bí thư với Ban Nội chính T.Ư, các ban đảng và thường trực Ban Chỉ đạo. “Chúng tôi hình thành cơ chế làm việc tạm gọi là tương đối mới và có hiệu quả để phối hợp giữa các cơ quan cho nhuần nhuyễn hơn, tốt hơn”- Tổng Bí thư cho biết.
 
"Các cơ quan chức năng dù có phương tiện, điều kiện hiện đại đến đâu cũng khó có thể phát hiện tham nhũng nếu đương sự được nội bộ bao che. Vì thế, muốn chống tham nhũng có hiệu quả, trước hết phải chống tham nhũng trong chính các cơ quan chống tham nhũng”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
 
Bên cạnh kết quả đạt được, Tổng Bí thư cũng thẳng thắn thừa nhận còn nhiều hạn chế trong PCTN so với kỳ vọng của nhân dân. Công tác hoàn thiện thể chế về PCTN còn chậm. Cán bộ, công chức, viên chức, người dân tố cáo PCTN còn ít, chưa có cơ chế bảo vệ người tố giác tham nhũng.
 
“Tình hình tham nhũng diễn ra nghiêm trọng ở nhiều cấp, nhiều lĩnh vực nhất là tài chính, ngân hàng, quản lý đất đai, khoáng sản, đầu tư công... Tình trạng tham nhũng vặt, qua hối lộ ở hành chính dịch vụ công vẫn còn nhức nhối. Phát hiện tham nhũng là khâu yếu, xử lý còn nương nhẹ. Vẫn còn tình trạng lạm dụng để xử lý kỷ luật, xử lý hành chính thay cho khởi tố bị can theo quy định pháp luật” - Trưởng Ban Chỉ đạo nghiêm túc đánh giá.
 
Bên cạnh đó, Tổng Bí thư còn nhìn nhận, tham nhũng vẫn đang là thách thức và là một trong những vấn đề bức xúc nhất của xã hội hiện nay. Vai trò của các cơ quan dân cử, truyền thông và nhân dân trong PCTN, dù đã được cải thiện, song chưa được phát huy đầy đủ. 
 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khuyến nghị cần chú trọng xây dựng quy định về kiểm soát tài sản của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là những người ở vị trí và lĩnh vực công tác có nguy cơ tham nhũng cao. Quy định các giao dịch lớn của các cán bộ, công chức, viên chức phải được thực hiện qua ngân hàng để phòng ngừa tham nhũng. Kiên quyết xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng, cơ chế trừng trị răn đe để không dám tham nhũng và một cơ chế đảm bảo để không cần tham nhũng... 
 
“Phải biết xấu hổ, đau khổ vì tham nhũng. Phải xử lý tham nhũng ngay trong cấp ủy, trong từng cán bộ, đảng viên. Lấy phòng ngừa là chính. Quyết tâm chính trị là sự cam kết, tuyên chiến với tham nhũng, điều này phải được thể hiện công khai để nhân dân biết và giám sát” - Tổng Bí thư nhấn mạnh. 
 

Sức ỳ trong hệ thống và nhận thức còn lớn, có xu hướng xem giám sát phản biện, phát hiện đấu tranh chống tham nhũng là việc của ai đó, của cơ quan chuyên môn”. Ông Đỗ Hữu Quang (đại diện Tỉnh ủy Quảng Ninh) “Qua kiểm tra đã phát hiện hơn 2.000 đảng viên vi phạm. Các đối tượng kiểm tra, giám sát của Ủy ban Kiểm tra T.Ư có tri thức, chức vụ và quyền lực cao. Khi vi phạm về tham nhũng thường rất tinh vi và được che chắn bằng nhiều hình thức, bằng chức vụ, quyền hạn, bằng các mối quan hệ nên việc phát hiện, xử lý bằng phương pháp công tác Đảng không thích hợp, nên kết quả rất hạn chế”.


Ông Mai Thế Dương (Phó Chủ nhiệm thường trực UB Kiểm tra T.Ư)


“Tội phạm tham nhũng là loại tội phạm có chủ thể đặc biệt, là những người có chức vụ, quyền hạn, có ảnh hưởng và quan hệ phức tạp, thủ đoạn che giấu tinh vi và luôn tìm cách che đậy, gây khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra, thu hồi tài sản tham nhũng. Trong 14 vụ án được khởi tố từ tháng 4.2012 và năm 2013 có 90 bị can, trong đó 70 là người có chức vụ, quyền hạn”.


Thượng tướng Lê Quý Vương (Thứ trưởng Bộ Công an)

 
Dân Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo