Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri: Toàn dân đang bàn việc nước
Ngày 1-12, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đại biểu Nguyễn Minh Quang đã tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm và Tây Hồ (Hà Nội).
Trước hàng loạt câu hỏi của cử tri đặt ra về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, chỉnh đốn để làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, Tổng bí thư nói rằng ông “rất cảm động và cảm nhận toàn dân đang bàn việc nước” và “xin báo cáo tất cả tâm tư của mình”.
Không thấy một bộ phận suy thoái đâu cả
TS Trần Viết Hoàn, nguyên giám đốc khu di tích Bác Hồ tại Phủ chủ tịch (cử tri phường Liễu Giai), bày tỏ: Dân chúng tôi căm giận những người tham nhũng, quan liêu đến cực điểm, nên dân chúng tôi lo cho nghị quyết trung ương 4 của Đảng, lo cho Luật phòng chống tham nhũng, nếu làm không kiên quyết, không triệt để thì nó lại về như cũ mà còn tồi tệ hơn. Việc phê bình, tự phê bình vừa qua gần như hòa cả làng. Gần như không thấy ai tốt, ai xấu, chẳng thấy bộ phận không nhỏ suy thoái đâu cả. Trên các văn bản vẫn là những điệp khúc muôn thuở.
“Theo dõi những buổi chất vấn tại Quốc hội, cử tri hoan nghênh, hài lòng bao nhiêu những điều chất vấn của đại biểu thì không hài lòng bấy nhiêu những điều trả lời chất vấn. Vì qua trả lời, họ đã phạm vào những lời Bác Hồ dạy: một đảng giấu giếm khuyết điểm là đảng hỏng, vậy thì đảng viên giấu giếm khuyết điểm là đảng viên hỏng.
Bác Hồ cũng dạy rằng không nhất thiết ngày hôm qua mình là vĩ đại thì ngày hôm nay vẫn được mọi người yêu mến, nếu mình không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân. Không phải ta cứ viết lên trán hai chữ cộng sản thì được mọi người yêu mến, quần chúng chỉ yêu mến người có tư cách, đạo đức” - ông Hoàn nói.
Cử tri Võ Trọng Hốt (phường Trúc Bạch) bày tỏ sự đồng tình với ông Hoàn. Ông Hốt nói: “Cán bộ nhỏ cũng đi xe công, tôi nghĩ chắc có đường mòn lên cung trăng thì người ta cũng lấy xe công chạy lên đó chơi” . Đề cập vấn đề cụ thể, cử tri Nguyễn Đình Chiêu (phường Hàng Đào) phê phán cơ quan xây dựng nghị định 71 phạt xe không chính chủ. “Nghị định mới triển khai thực hiện mà cơ quan nhà nước hiểu sai, ban hành cho dân mà dân không hiểu, không ủng hộ thì làm sao thực hiện được” - ông nói. Sở dĩ có những chuyện như vậy là do người tham mưu không sâu sát cuộc sống, năng lực kém.
“Nghị quyết trung ương 4 nói một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái. Xin đề nghị Tổng bí thư làm rõ một bộ phận không nhỏ ấy nằm ở đâu?” - cử tri Nguyễn Khắc Thịnh (phường Giảng Võ) trăn trở hỏi.
“Sự đời không đơn giản”
Phúc đáp ý kiến của cử tri, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hứa sẽ “cố gắng tiếp thu đầy đủ ý kiến của cử tri, không chỉ cho hoạt động của Quốc hội mà cho toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó có công tác của Ban Chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư”. Tổng bí thư khẳng định rằng “trong nhiều cuộc tiếp xúc cử tri thì hôm nay là cuộc khá đặc biệt, số lượng cử tri rất đông, nội dung đề cập những vấn đề vĩ mô tầm quốc gia chứ không chỉ loanh quanh những chuyện cụ thể, lặt vặt của địa phương”.
Đề cập vấn đề phải kiểm soát quyền lực theo tinh thần Đại hội XI, Tổng bí thư nói: “Đã sinh ra cơ quan quyền lực thì phải có sự kiểm soát cái quyền lực ấy. Có dạo cứ nói ào ào là phân cấp, phân quyền nhiều cho bên dưới, cứ ôm làm gì lắm. Nhưng phân cấp, phân quyền rồi mà không đi với kiểm tra, giám sát, đôn đốc thường xuyên lại sinh ra tự tung tự tác. Một quan điểm nữa là quan niệm Đảng cầm quyền thì việc tham mưu nên sử dụng bên Chính phủ luôn, làm gì mà phải song trùng để thêm các cơ quan bên Đảng nữa.
Nhưng sự đời nó không đơn giản thế. Cứ nói cùng là đảng viên cả, cùng là ủy viên trung ương, Bộ Chính trị cả thì phải tin các đồng chí ấy chứ. Nhưng khổ là bên ấy quá nhiều việc, chưa nói là tâm lý ăn cây nào rào cây ấy, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ hay không. Anh nào ra cái đề án cũng phải cố gắng bảo vệ cho mình. Thế là không có người thẩm định, không có người kiểm tra nên mới dẫn đến những cái sai như vừa rồi”.
Tổng bí thư cho rằng nhân dân rất đồng tình với nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. “Nhưng chúng ta không thể coi đó là đôi đũa thần, đến khi không làm tốt được thì lại thất vọng, mất niềm tin. Bởi đưa ra như vậy nhưng trong cuộc sống có khi lại đối phó lại lợi ích cục bộ, cá nhân, lợi ích nhóm hoặc không chịu nhận khuyết điểm, sai lầm của mình. Nếu lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm không khách quan, không chuẩn xác thì có khi lại bỏ phiếu tín nhiệm cho cái ông không đáng tín nhiệm. Như các bác nói, có chuyện hứa hẹn cho cái này cái kia, ràng buộc lẫn nhau, có khi lại đe dọa, không hề đơn giản” - ông nói.
Tại sao không kỷ luật được ai?
Trong khoảng một giờ phát biểu trước cử tri, Tổng bí thư đã dành nhiều thời gian nói về công việc chỉnh đốn Đảng. Ông nói: “Vừa rồi, chúng tôi biết là sau khi biết kết quả hội nghị trung ương 6 cũng có tâm tư, tâm trạng chưa hài lòng, thậm chí bực bội, nói là thất bại rồi, không kỷ luật được ai cả, nhiều cụ nói rằng mất ngủ vì bực lắm, tại sao đến mức như vậy mà không kỷ luật được ai”.
Theo Tổng bí thư, nghị quyết trung ương 4 về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng không chỉ làm cho nhiệm kỳ này, làm hết nhiệm kỳ này còn cho nhiều nhiệm kỳ sau nữa vì nó là vấn đề cực kỳ hệ trọng, liên quan đến sự sống còn của Đảng và chế độ. Cũng không chỉ có tự phê bình và phê bình, mà cạnh đó là bốn nhóm giải pháp, vấn đề và hàng loạt biện pháp, cơ chế, chính sách quan trọng. Rồi đấu tranh có lý, có tình làm sao cho tất cả cùng tiến lên chứ không cốt kỷ luật nhiều mới là tốt.
“Tôi nhiều lần nói rằng nghị quyết 4 trước hết là cảnh tỉnh, thức tỉnh lại những người lâu nay quên đi rồi, không thấy nguy cơ này, không thấy tại sao Liên Xô sụp đổ, rồi mai kia đảng này sẽ là đảng của ai. Thứ hai là cảnh báo nguy cơ đó. Thứ ba là răn đe. Thứ tư là ngăn chặn. Vừa rồi đã răn đe chưa? Khối anh sợ chứ. Đến cuối cùng anh không sửa mới là kỷ luật, xử lý. Phê bình, tự phê bình cũng không chỉ là kỷ luật. Để mỗi người tự nghiền ngẫm, tự giác sửa mình sẽ bền vững, sâu xa hơn. Kỷ luật mà không tính kỹ thì lại rối, mai kia là ân oán, thù oán, đối phó, thành phe phái, rối nội bộ” - Tổng bí thư nói.
Không ngăn chặn được “một bộ phận không nhỏ” thì hỏng hết
Trả lời câu hỏi của cử tri về “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên suy thoái, Tổng bí thư phân tích: Bây giờ kiểm điểm chả thấy ở đâu có thì chắc là nghị quyết trung ương 4 sai à? Tôi xin nói suy nghĩ của mình: nói bộ phận không nhỏ suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức hoàn toàn không sai và không phải bây giờ mới nói. Bây giờ đặt vấn đề bộ phận không nhỏ là bao nhiêu thì trừu tượng lắm. Nói mấy phần trăm thì rất khó. Hay là bây giờ khẳng định ông này, ông kia nằm trong bộ phận không nhỏ, tách bạch ra thì có được không? Đương nhiên phải tìm ra trọng tâm, trọng điểm chứ không phải nói như vậy là hòa cả làng.
Nhưng nói xây dựng Đảng là xây dựng tổ chức, xây dựng con người. Cha ông ta có câu hay lắm về con người: “Miếng ăn là miếng tồi tàn/ Mất ăn một miếng thì lộn gan lên đầu”. Chả bao giờ thấy khuyết điểm của mình, chỉ thấy ưu điểm, thích ca tụng, vuốt ve. Cái khó là thế. Đụng đến lợi ích là phản ứng, nhất là khi lợi ích nhóm đã móc ngoặc với nhau thành đường dây rồi thì vô cùng phức tạp. Nhưng trong mỗi con người đều có mặt tốt, cái xấu. Nếu tự đấu tranh tốt thì cái tốt lớn lên, cái xấu giảm đi, tập thể đấu tranh tốt, giúp đỡ tốt thì ngăn ngừa được cái xấu. Khi hỏi bộ phận không nhỏ ở đâu thì cần nói rằng trong tất cả chúng ta đều ít nhiều có bệnh tật, đâu phải tất cả mình đều trong sáng, tốt đẹp hết. Nói bộ phận không nhỏ là nói xu thế, nguy cơ, không ngăn chặn được thì hỏng hết.
Hồng Lĩnh (Theo Tuổi Trẻ)
End of content
Không có tin nào tiếp theo