Tin tức - Sự kiện

Tổng cầu quá yếu hãm tăng trưởng GDP

Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia bày tỏ sự quan ngại trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,5% trong năm nay do tổng cầu của nền kinh tế quá yếu.
Theo đánh giá của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tình hình sản xuất vẫn còn nhiều khó khăn do chi phí đầu vào cao và sản phẩm đầu ra tiêu thụ chậm. Sự khó khăn của sản xuất được phản ánh khá rõ nét qua chỉ số IIP 4 tháng đầu năm chỉ tăng 5% thay vì mức tăng 5,9% cùng kỳ năm 2012.
 
Khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng hạn chế kết hợp với những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh đang gây ra những tác động tiêu cực khiến nguồn lực của doanh nghiệp dần cạn kiệt, số doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc phá sản vẫn tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước (trong 4 tháng đầu năm có 16.600 doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, tăng gần 17% so với cùng kỳ năm 2012).
 
“Có thể nói, sự suy yếu của doanh nghiệp trong giai đoạn này không chỉ làm gia tăng sức ép lên thu ngân sách nhà nước, mà còn có thể gây ra những ảnh hưởng nhất định đến đà hồi phục tăng trưởng kinh tế của năm sau”, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia bình luận.
 
Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, ông Vũ Viết Ngoạn cho rằng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do tổng cầu của nền kinh tế vẫn yếu.
 
Tổng cầu của nền kinh tế bao gồm tiêu dùng trong nước, hoạt động xuất khẩu và đầu tư của khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước.
 
“Tất cả các yếu tố cấu thành nên tổng cầu đều tăng trưởng thấp trong 4 tháng đầu năm”, ông Ngoạn nói.
 
Cụ thể, doanh số bán lẻ, nếu trừ yếu tố tăng giá chỉ tăng 4,6%, trong khi đó cùng kỳ năm ngoái tăng 5,9%. Hoạt động xuất khẩu sau khi có sự khởi sắc trong quý 1 đã có dấu hiệu giảm tốc trong tháng 4.
 
 
Nếu trừ yếu tố tăng giá, doanh số bán lẻ 4 tháng đầu năm chỉ tăng 4,6%
 
Trong khi vốn đầu tư ngoài nhà nước tăng trưởng chậm chủ yếu là do tín dụng tăng trưởng thấp (4 tháng đầu năm dư nợ tín dụng tăng 1,44% so với cuối năm 2012, nhưng giảm 0,85% so với cuối năm 2011) thì vốn đầu tư phát triển trực tiếp từ ngân sách nhà nước và từ nguồn trái phiếu chính phủ trong 4 tháng đầu năm mới đạt 27,2% dự toán, thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2012.
 
“Cần phải lưu ý là, vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước và từ nguồn trái phiếu chính phủ năm nay theo dự toán chỉ có 175.000 tỷ đồng, thấp hơn dự toán năm 2012 là 180.000 tỷ đồng. Dự toán vốn đầu tư từ khu vực nhà nước đã thấp mà tốc độ giải ngân lại bị chậm sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tổng cầu của nền kinh tế”, ông Ngoạn nói.
 
Vẫn theo ông Ngoạn, ngay cả đối với hoạt động xuất - nhập khẩu, con số nhập siêu khoảng 1 tỷ USD trong tháng 4 chưa cho thấy biểu hiện rõ ràng của sự gia tăng tổng cầu và sản xuất phục hồi trong thời gian tới mà nhập siêu chủ yếu do kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh hơn kim ngạch nhập khẩu.
 
Liên quan đến cầu xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Cao Viết Sinh cho rằng, chưa thể có đánh giá, nhận định chính xác ngay được bởi lượng hàng hóa là vật tư, nguyên liệu làm đầu vào cho hoạt động xuất khẩu mới chỉ được nhập khẩu ít ngày.
 
“Doanh nghiệp nhập khẩu vật tư, nguyên vật liệu sớm nhất cũng phải 2-3 tháng sau khi gia công, chế biến mới có thể xuất khẩu được. Vì thế, đánh giá cầu xuất khẩu tăng hay giảm ở thời điểm này chưa thể chính xác. Tương tự như vậy, bây giờ mới là nửa đầu quý II nên chưa thể đánh giá chính xác tình hình kinh tế cả quý II và 6 tháng đầu năm, sớm nhất cũng phải vào đầu quý III mới có thể đánh giá được tình hình kinh tế cũng như tổng cầu của nền kinh tế quý II và 6 tháng đầu năm, khi đó mới có cơ sở vững chắc hơn để nhận định về tình hình kinh tế năm 2013”, ông Sinh nói.
 
 
 
 
Gia Huy
Theo Đầu tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo