Chính trị

Tổng giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng làm Ủy viên Quân ủy Trung ương

(DNVN) - Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel là người "đưa di động, Internet trở thành dịch vụ bình dân" vừa được chỉ định làm Ủy viên Quân ủy Trung ương.

Quân ủy Trung ương vừa tổ chức công bố Quyết định của Bộ Chính trị chỉ định Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ 2015-2020. Trong đó, Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel - Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng trở thành tổng giám đốc doanh nghiệp đầu tiên được chỉ định làm Ủy viên Quân ủy Trung ương.

Theo chỉ định của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ 2015-2020 gồm 23 người do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Bí thư. Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giữ chức Phó bí thư Quân ủy Trung ương.

Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel. Ảnh Viettel.

Bốn người được phân công là Ủy viên Thường trực Quân ủy Trung ương gồm: Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Lương Cường và Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh.

Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel là một trong 17 ủy viên của Quân ủy. 16 ủy viên khác là các Thứ trưởng Quốc phòng, đại diện thuộc Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, các quân khu, quân chủng, học viện... 

Trung ương Quân ủy (tên đầu tiên của Quân ủy Trung ương) được Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định thành lập tháng 1/1946, để lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt lực lượng vũ trang nhân dân nhằm đối phó với thù trong giặc ngoài, bảo vệ thành quả của cách mạng, ngay sau khi giành được chính quyền.

Quân ủy Trung ương Việt Nam là cơ quan lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, là cơ quan nghiên cứu đề xuất với Ban Chấp hành Trung ương những vấn đề về đường lối, nhiệm vụ quân sự và quốc phòng; kế hoạch phòng thủ đất nước; phương hướng và biện pháp xây dựng nền quốc phòng toàn dân; cơ chế lãnh đạo của đảng với Quân đội nhân dân.

Quân uỷ Trung ương có trách nhiệm phối hợp và hướng dẫn các cấp uỷ trực thuộc Trung ương thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về quân sự, quốc phòng. Quân uỷ Trung ương trực tiếp lãnh đạo xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh toàn diện, xây dựng các tổ chức đảng trong quân đội trong sạch, vững mạnh. Thông qua các biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị, Quân uỷ Trung ương bảo đảm giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội.

 

Quân uỷ Trung ương thực hiện chế độ quyết định tập thể đối với vấn đề lớn như chủ trương, chương trình, kế hoạch thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, các biện pháp xây dựng quân đội, quyết định các vấn đề về công tác cán bộ trong quân đội. Quân uỷ Trung ương chỉ đạo Tổng cục Chính trị và thông qua Tổng cục Chính trị chỉ đạo các Đảng bộ và hệ thống chính uỷ, chính trị viên, cơ quan chính trị các cấp tiến hành công tác đảng, công tác chính trị nhằm xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức.

Theo Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Quân ủy Trung ương do Bộ Chính trị chỉ định, bao gồm một số ủy viên trung ương Đảng công tác trong quân đội và một số ủy viên trung ương Đảng công tác ngoài quân đội, đặt dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng được giới truyền thông nhận định là  "người đưa di động, Internet trở thành dịch vụ bình dân”. Năm 2000, Viettel bắt đầu bước chân vào thị trường viễn thông với dịch vụ điện thoại giá rẻ đường dài trong nước (VoIP). Đây là dịch vụ viễn thông đầu tiên được mở ra để cạnh tranh trên thị trường lúc bấy giờ. Thời điểm đó tổng tài sản của Viettel chỉ có 34 tỷ đồng. Đến thời điểm này, Viettel trở thành nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất Việt Nam.

Không chỉ phát triển thần tốc tại Việt Nam, Viettel đã vươn ra đầu tư thị trường nước ngoài. Hiện Viettel đã đầu tư ở 10 nước thuộc 3 châu lục. Tại các quốc gia như Lào, Campuchia, Mozambique, Haiti… các doanh nghiệp của Viettel đã trở thành doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng mạng lưới, thuê bao và doanh thu lớn nhất. Mục tiêu của Viettel sẽ đạt quy mô thị trường 1 tỷ dân vào năm 2020.

Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng sinh năm 1962 tại Từ Sơn, tinh Bắc Ninh. Năm 1979, ông thi đỗ vào Đại học Kỹ thuật Quân sự, Khóa 14. Sau một năm học tại Đại học Kỹ thuật Quân sự đạt kết quả xuất sắc, ông được Bộ Quốc phòng tuyển chọn đi du học kỹ sư quân sự tại Liên Xô. Ông tốt nghiệp Kỹ sư chuyên ngành Điện tử viễn thông ở Liên Xô (cũ), thạc sỹ viễn thông ở Australia, thạc sỹ quản trị kinh doanh ở Đại học Kinh tế Quốc dân.

 

Năm 1995, ông giữ các vị trí trợ lý kỹ thuật, Phó trưởng phòng rồi Trưởng phòng Đầu tư Phát triển.

Năm 2000, bổ nhiệm giữ chức Phó giám đốc Công ty Viễn thông Quân đội.

Năm 2010, bổ nhiệm giữ chức Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội.

Năm 2012, thụ phong quân hàm Thiếu tướng.

Năm 2014, bổ nhiệm giữ chức Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội.

 

Năm 2016, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần XII của Đảng, ông Nguyễn Mạnh Hùng đã trúng cử vào BCH Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XII.

Ngoài ra ông còn là Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Quân đội, là 1 trong 10 nhân vật ICT Việt Nam tiêu biểu do giới truyền thông bình chọn.

Danh sách 17 Ủy viên Quân ủy Trung ương:
Thượng tướng Bế Xuân Trường, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Trung tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Trung tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Thiếu tướng Nguyễn Tân Cương, Tư lệnh Quân khu 4 (11/2014).
Trung tướng Nguyễn Phương Nam, Phó Tổng tham mưu trưởng (2015).
Trung tướng Phan Văn Giang, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Chuẩn Đô đốc Phạm Hoài Nam, Tư lệnh Quân chủng Hải quân (7/2015).
Trung tướng Lê Huy Vịnh, Tư lệnh Quân chủng PK-KQ (7/2015).
Trung tướng Võ Minh Lương, Tư lệnh Quân khu 7.
Thiếu tướng Huỳnh Chiến Thắng, Chính ủy Quân khu 9.
Thiếu tướng Hoàng Xuân Chiến, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng.
Thiếu tướng Lê Xuân Duy, Phó Tư lệnh Quân khu 2.
Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội.
Thiếu tướng Trần Việt Khoa, Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng.
Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.
Trung tướng Trần Quang Phương, Chính uỷ Quân khu 5.
Thiếu tướng Vũ Hải Sản, Tư lệnh Quân khu 3.

Nên đọc




Hồng Hà
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo