Quốc tế

Tổng thống Putin và chính quyền Assad bất đồng về tương lai Syria

(DNVN) - Truyền thông Nga gần đây nổi lên thông tin Tổng thống Syria Bashar Assad ngày càng thoát khỏi vòng kiềm tỏa của Moscow và những quan điểm đối lập giữa Syria và Nga đang trở thành chủ đề nóng.

Chiến dịch can thiệp quân sự của Nga vào Syria, nơi mà Iran đã dấn thân từ hơn 3 năm trước bên cạnh quân đội Syria của tổng thống Bachar al-Assad đã cho phép lật ngược thế cờ, củng cố vị thế của chính quyền Damas trong tiến trình đàm phán hoà bình.

Trong cuộc chiến, chính quyền Syria cũng được Iran giúp đỡ. Tuy nhiên, Matxcơva, Damascus và Tehran - không cùng chung một ý đồ. Bất đồng do đó có thể xuất hiện trên mặt phương pháp cũng như mục tiêu.

Vào lúc chiến sự vẫn dai dẳng tại Syria, đặc sứ Liên Hiệp Quốc Staffan de Mistura đang nỗ lực chuẩn bị cho vòng đàm phán liên Syria kế tiếp tại Geneva mà ông hy vọng có thể mở ra vào ngày 11/4. Theo kế hoạch dự kiến, đặc sứ Liên Hiệp Quốc sẽ lần lượt ghé Mátxcơva, Damascus, Ankara, Tehran và Riyadh với mục tiêu thúc đẩy các nước này có biện pháp tích cực giúp cho đàm phán liên Syria tiến triển.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp với người đứng đầu chính quyền Syria Bashar al- Assad.

Ông de Mistura đã đến Mátxcơva ngày 5/3, khởi đầu vòng thương thuyết mới. Đặc sứ Liên Hiệp Quốc đã không ngần ngại nhấn mạnh là Nga đã tạo ra một sức bật thật sự cho một giải pháp chính trị ở Syria. Trước khi không quân Nga can thiệp vào Syria, quân đội chính quyền Syria luôn phải trong thế thủ và cứ mất dần các vùng kiểm soát.

Nhưng trong vòng 5 tháng sau đó, được sự yểm trợ của oanh tạc cơ và trực thăng chiến đấu Nga, cùng với những thiết bị tối tân (thiết giáp T-90, súng phóng tên lửa, hỏa tiễn địa đối không có hệ thống laser chỉ đường, hệ thống liên lạc tối tân) quân đội Syria đã lấy lại thế tiến công trên mọi mặt trận.

Thành công quân sự này có được cũng là nhờ hỏa lực mạnh mẽ được triển khai và sự tham gia tích cực của các đồng minh: Lực lượng Hezbollah Liban và Vệ Binh Cách Mạng Iran, kèm theo các kế hoạch quân sự được chuẩn bị cùng với các cố vấn Nga nằm trong ban tham mưu Syria và một sự phối hợp tốt.

Tuy nhiên nếu trên mặt quân sự có sự phối hợp nhịp nhàng thì những bất đồng trong vấn đề chính trị đã lộ rõ rất sớm giữa Nga và Syria, cũng như giữa Matxcơva và Tehran trên những mục tiêu mà ba bên đeo đuổi.

Ông Putin "hiếu hòa" còn Assad "hiếu chiến"

 

Trong lúc mà Nga vẫn khẳng định không thể có giải pháp quân sự cho khủng hoảng Syria và cuối cùng thì các bên lâm chiến phải ngồi vào cùng một bàn để tìm một giải pháp chính trị, tổng thống Syria al-Assad lại cho rằng: "Mục tiêu tối hậu là phải giải phóng toàn bộ lãnh thổ Syria và đánh bại quân khủng bố."

Tuyên bố của ông al-Assad đã bị Nga đánh giá là một hành động phá hoại nỗ lực ngoại giao giữa Matxcơva và Washington nhằm thúc đẩy một tiến trình chính trị mới. Nga không che giấu thái độ không hài lòng của mình, và người đại diện của Nga tại Liên Hiệp Quốc Vitaly Tchorkine đã phản pháo hôm 18/2: "Chúng tôi đã đầu tư nghiêm túc vào cuộc khủng hoảng này về mặt chính trị, ngoại giao cũng như quân sự. Vì vậy, chúng tôi muốn tổng thống Assad quan tâm đến điều đó."

Trong khi Bộ ngoại giao Nga nỗ lực hoạt động để làm sống lại các cuộc đàm phán liên Syria, Assad đã ký một sắc lệnh tổ chức bầu cử Quốc hội vào ngày 13/4. Quyết định này gây ngạc nhiên cho cả các đồng minh lẫn phe đối lập Syria, cũng như các nhà quan sát, nhất là khi các cuộc đàm phán tại Geneva sẽ bàn thảo về khả năng phe đối lập tham gia vào chính quyền ở mọi cấp độ.

Thoả thuận ngưng chiến quá vội vã

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng những bất đồng sâu sắc nhất giữa Nga và Syria chưa dừng lại ở đó mà chúng là những điều không được công khai.

 

Theo những người gần gũi với chính phủ Syria tại Damas, chế độ Syria và đồng minh Iran đã kịch liệt phản đối việc ngừng bắn do Nga đề xuất. Một viên tướng dự bị trong quân đội Syria giấu tên, đã tiết lộ: "Tại các cuộc họp, các quan chức cấp cao của ba nước xem xét vấn đề ngừng bắn đã to tiếng với nhau. Phía Syria và Iran coi thỏa thuận ngừng bắn là quá vội vã, vì được đưa ra vào lúc quân đội chính phủ đang trên đà tái chinh phục, đặc biệt là ở vùng Aleppo. Họ đã cho rằng đề nghị của Nga rất phi lý, và không hiểu được động cơ của Matxcơva là gì."

Syria và Iran đã cố tìm cách lùi việc ngừng bắn một vài ngày với mục tiêu hoàn tất chiến dịch bao vây các khu phố phía Đông Aleppo trong tay phiến quân và đánh chiếm hai thành trì cuối cùng của lực lượng thân Thổ Nhĩ Kỳ ở Mareh và Azaz gần biên giới. Tuy nhiên, cố gắng này đã vô ích khi Nga đã đưa ra quyết định của mình và áp đặt điều đó trên hai đồng minh. Lệnh ngừng bắn do Matxcơva và Washington bảo trợ đã có hiệu lực từ ngày 27/2.

Nga sau đó đã thành lập một trung tâm đặc trách hoà giải giữa các bên trong cuộc xung đột Syria tại căn cứ Hmeimim. Trên danh nghĩa, trung tâm này có nhiệm vụ ghi nhận những hành vi vi phạm thỏa thuận ngừng bắn. Thế nhưng trung tâm cũng đã thiết lập quan hệ với hàng chục nhóm vũ trang và nhân vật đối lập.

Một thành viên của phe đối lập được chế độ Syria đã cho biết là ông đã được một sĩ quan Nga mời đến Hmeimim để "thảo luận về tiến trình chính trị". Nhân vật này nói rõ : "Một máy bay trực thăng Nga đã chở tôi đến gặp các quan chức Nga. Nhân viên tình báo Syria vốn theo dõi nhất cử nhất động của tôi đã không dám hỏi tôi bất kỳ điều gì".

Ankara và Tehran chống lại chế độ liên bang

 

Cuộc đàm phán về một giải pháp chính trị cho Syria tại Geneva mở ra vào ngày 14/3, nhân dịp này tổng thống Nga Putin đã tạo ra bất ngờ khi thông báo quyết định rút bớt quân ra khỏi Syria.

Nhiều người cho rằng quyết định của ông Putin là một phương tiện gây áp lực lên chế độ Syria, buộc Damas phải nhượng bộ. Với động thái trên, tổng thống Nga đã khiến cho cả đồng minh lẫn đối thủ của ông bị hụt hẫng, và cho thấy là Nga ủng hộ tiến trình ngoại giao, trái với tổng thống Assad, một người chủ trương các giải pháp quân sự.

Nga và Iran cũng không hoàn toàn thuận thảo. Khi thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố ủng hộ một giải pháp liên bang ở Syria, các nhà lãnh đạo Iran đã không ngần ngại công khai bày tỏ sự bất đồng của họ.

Trong một cảnh quan phức tạp như vậy, giới quan sát nhận thấy là các cuộc đàm phán cho một giải pháp chính trị ở Syria sẽcòn kéo dài thêm một thời gian nữa và gặp nhiều khó khăn.

Nên đọc
Thu Phương (Theo Reuters)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo