TP.HCM: Doanh thu dịp Tết đạt 18.679 tỷ đồng
Sức mua dịp Tết năm nay đã tăng từ 10% đến 15% so với Tết Ðinh Dậu 2017, trong đó, tại các hệ thống phân phối hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi...) tăng từ 20% đến 30%. Ðặc biệt, doanh thu hàng bình ổn thị trường ước đạt 7.568,8 tỷ đồng, tăng 1.060,8 tỷ đồng (16,3%). Riêng khu vực các chợ truyền thống, sức mua tăng 30% đến 40% so ngày thường.
Tổ chức đón Tết cổ truyền với phương châm “Đoàn kết, vui tươi, phấn khởi, an toàn và tiết kiệm”, đảm bảo Tết đến với mọi nhà, mọi người, UBND TP.HCM đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để kiểm soát chặt chẽ nguồn hàng tại thành phố, đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp phục vụ nhân dân.
Thông qua Chương trình hợp tác thương mại giữa TP.HCM và các tỉnh, thành vùng Đông - Tây Nam bộ, UBND TP.HCM đã chủ động làm việc với các địa phương có nguồn cung ứng lượng hàng lớn như: Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang, thực hiện kết nối cung cầu, nắm bắt tình hình sản xuất hàng hóa phục vụ Tết…
Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, lãnh đạo UBND TP.HCM đã chỉ đạo các DN bình ổn thị trường thực hiện tốt kế hoạch tạo nguồn, dự trữ, cung ứng hàng hóa Tết theo số lượng được giao; đảm bảo lượng cung ứng đầy đủ, không để xảy ra hiện tượng thiếu hàng, sốt giá.
Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng tiện lợi có kế hoạch cung ứng nguồn hàng phong phú, dồi dào, thực hiện các chương trình khuyến mại, giảm giá trong dịp Tết; tăng thời gian phục vụ trong thời điểm Tết, tích cực hưởng ứng chủ trương mở cửa bán hàng từ sáng mùng 2 Tết.
Lượng hàng nhập tại 3 chợ đầu mối bình quân 9.250 tấn/ngày, thời điểm cao điểm từ ngày 26 đến ngày 29 tháng Chạp Âm lịch, lượng hàng hóa về chợ tăng khoảng 50% - 80% so với ngày thường, sản lượng từ 13.000-16.500 tấn/đêm.
Các doanh nghiệp sản xuất bia, rượu, nước giải khát đã tăng sản lượng sản xuất lên 30% so với các tháng thường, đạt khoảng 40 triệu lít bia và 45 triệu lít nước giải khát và không tăng giá vào dịp Tết; doanh nghiệp bánh kẹo cung ứng nhiều sản phẩm mới, mẫu mã đẹp, chất lượng tương đương bánh ngoại nhập, sản lượng tăng từ 10-20%, đạt khoảng 18.000 tấn, giá không tăng so năm 2017.
Trên địa bàn TP.HCM, các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi dự trữ lượng hàng tăng gấp 2-3 lần ngày thường và mở trong cả Tết. Cụ thể, trung tâm thương mại vẫn mở cửa phục vụ từ mùng 1 Tết Âm lịch. Ngoài ra, nhiều hệ thống cửa hàng tiện lợi như Shop&go, Ministop, Bs’Mart, CicleK, FamilyMart… mở cửa phục vụ liên tục 24/24, không nghỉ Tết. Điều đáng khích lệ là tỷ lệ hàng Việt Nam trong các hệ thống siêu thị chiếm 80% đến 95%.
Ông Võ Văn Hoan cũng cho biết, thành phố đã triển khai nhiều loại hình du lịch, nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá nhằm thu hút khách du lịch… Hiệp hội Du lịch phối hợp với các hãng vận chuyển, công ty du lịch tổ chức chương trình “Du xuân miền Nam” nhằm kích cầu trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018.
Kết quả, lượng khách quốc tế đến TP.HCM trong dịp Tết này đạt hơn 166 ngàn lượt, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, có hơn 136 ngàn lượt khách từ TP. HCM đi du lịch nước ngoài trong dịp Tết, tăng từ 12-15% so với cùng kỳ năm trước. Các nước, khu vực người dân tập trung đi du lịch mùa Tết chủ yếu là các nước châu Âu, Úc, một số nước Đông Nam Á, Hàn Quốc, Đài Loan...
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cam kết những giá trị bền vững dẫn lối cho sự phát triển của Masterise
VCCI kiến nghị lập cơ quan độc lập đốc thúc giải quyết vướng mắc, bất cập
Doanh nghiệp cần có chiến lược cạnh tranh để tham gia chuỗi liên kết FDI
Giá vàng ngày 26/12/2024: Tiếp tục ghi nhận mức tăng nhẹ
Đà Nẵng: Phạt nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử vi phạm
Giá heo hơi ngày 26/12/2024: Biến động trái chiều trên cả nước, mức cao nhất 69.000 đồng/kg