TP.HCM: Hỗ trợ hiệu quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế
(TTXVN) Hiện nay, nội bộ các ngành kinh tế trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực: tăng tỷ trọng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, hàm lượng khoa học-kỹ thuật cao; giảm các ngành nghề thâm dụng lao động, gây ô nhiễm môi trường, dần hình thành các loại hình dịch vụ chất lượng cao hướng đến việc xây dựng thành phố trở thành trung tâm thương mại-dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao của cả nước.
Khu vực dịch vụ vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng GDP, với giá trị tăng thêm của khu vực này chiếm 54,1% GDP, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 44,7% và khu vực nông lâm thủy sản chỉ chiếm 1,2% GDP.
Cơ cấu đóng góp của các thành phần kinh tế trong GDP cũng có sự chuyển dịch đáng kể theo hướng có sự phát triển mạnh và đóng góp ngày càng tăng của thành phần kinh tế ngoài nhà nước và thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài góp phần phát huy được tiềm năng và nguồn vốn trong dân, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, tăng thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Đây là một cơ cấu kinh tế khá thuận lợi cho việc phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế thành phố trong những năm tới.
Sáu tháng đầu năm nay, kinh tế thành phố vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định với mức tăng GDP đạt 7,9%, trong đó khu vực dịch vụ tăng 9,1%, khu vực công nghiệp tăng 6,2% và khu vực nông nghiệp tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.
Thành phố đã ban hành một số cơ chế, chính sách nhằm tăng cường xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ, duy trì kim ngạch đối với các mặt hàng có kim ngạch lớn, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng tiềm năng có hàm lượng tri thức, công nghệ cao, góp phần tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa và đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung của thành phố; đồng thời, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền các chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế như các chương trình kích cầu, khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị.
Đặc biệt, trong giai đoạn khó khăn chung của nền kinh tế, thành phố đã chỉ đạo các sở-ngành, quận, huyện thường xuyên tổ chức đối thoại, tiếp xúc với các doanh nghiệp. Qua đó, thông tin kịp thời đến các doanh nghiệp những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của thành phố, địa phương để doanh nghiệp tiếp cận, tham gia.
Đồng thời, thành phố phối hợp với các ngân hàng tiến hành cho vay với lãi suất ưu đãi, góp phần tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế thành phố.
Tính đến nay, thành phố đã xây dựng và triển khai 46/72 chương trình, đề án thực hiện Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế thành phố giai đoạn 2011-2015. Các chương trình còn lại đang được gấp rút thực hiện trong năm nay.
Huy Hiệp
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Mục tiêu xuất khẩu năm 2025 tăng 12% có khả thi?
TP Hồ Chí Minh: Đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa cho thị trường Tết 2025
Đẩy mạnh dịch vụ logistics hàng không để phát triển du lịch Việt Nam
2 ngày tung một sản phẩm mới, Vinamilk tiên phong đưa chuẩn thế giới về Việt Nam
Nhìn lại kinh tế Thủ đô - Bài 1: Cán đích hơn mong đợi
Ngành nông nghiệp cần tăng tốc