TP.HCM là đô thị hạt nhân và có 15 đô thị vệ tinh
Theo đó, xây dựng TP.HCM là đô thị hạt nhân, là trung tâm kinh tế tổng hợp đa chức năng với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ ngang tầm với các quốc gia trong khu vực và châu Á. Thành phố này sẽ phát triển đồng bộ các loại hình dịch vụ về tài chính, ngân hàng, thương mại, du lịch, giao lưu quốc tế, viễn thông, vận tải biển.
Bên cạnh TP.HCM sẽ có 4 đô thị loại I trực thuộc tỉnh gồm Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu), Biên Hòa (Đồng Nai), Thủ Dầu Một (Bình Dương), Mỹ Tho (Tiền Giang) và 15 đô thị vệ tinh bao gồm: Nhơn Trạch, Long Thành, Tam Phước, Hiệp Phước, Củ Chi, Đức Hòa, Trảng Bom, An Lạc, Nhà Bè, Cần Giờ, Dĩ An -Thuận An, Tân An, Gò Công, Bến Lức và Cần Giuộc.
Hạ tầng kết nối TP.HCM với các thành phố loại I và các đô thị vệ tinh được phát triển bởi các hành lang đô thị hóa như quốc lộ 1A, quốc lộ 51, quốc lộ 22, quốc lộ 13 và quốc lộ 50. Phát triển các thị trấn huyện lị nằm ngoài ranh giới 50 km từ trung tâm TP.HCM là các cực phát triển, tạo điều kiện để phát triển khu vực nông thôn.
Song song đó, đẩy nhanh xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc. Cụ thể, đến năm 2020 hoàn thành khoảng 580 km đường bộ cao tốc. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm để giải quyết ùn tắc giao thông và phát triển đô thị.
Hoàn thành nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt Bắc - Nam và khu cửa ngõ TP.HCM; xây dựng đường sắt kết nối với các cảng biển, khu kinh tế lớn; mở mới các tuyến đường sắt kết nối nội vùng và đồng bằng sông Cửu Long; nghiên cứu đầu tư xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam vào thời điểm thích hợp.
Đặc biệt trong giai đoạn này sẽ hoàn thành xây dựng đưa vào khai thác giai đoạn I cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Về mục tiêu kinh tế, tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2011 - 2015 đạt 8,0 - 8,5%/năm và giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 8,5 - 9,0%/năm. Đến năm 2020, các ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chiếm 95 - 96% tổng GDP, trong đó tỷ trọng khu vực dịch vụ đạt khoảng 44%. GDP bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 3.900 - 4.000 USD; đến năm 2020 đạt trên 5.000 USD.
Thời kỳ 2021 – 2030, tốc độ tăng GDP bình quân khoảng 8,0 - 8,5%/năm. GDP năm 2030 gấp khoảng 2,2 lần so với năm 2020. GDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 12.200 USD. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng bền vững, hình thành và phát triển nền kinh tế tri thức. Tỷ trọng khu vực dịch vụ năm 2030 chiếm trên 50%. Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu thời kỳ 2021 - 2030 đạt 8 - 10%/năm.
Đến năm 2030, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tiếp tục là vùng kinh tế phát triển năng động với chất lượng tăng trưởng cao và điển hình về phát triển bền vững, đi đầu trong phát triển kinh tế tri thức; là vùng kinh tế động lực đầu tàu của cả nước, trung tâm kinh tế của khu vực và châu Á; là trung tâm thương mại tài chính, dịch vụ tầm quốc tế.
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm TP.HCM và 7 tỉnh: Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang. Đây là vùng kinh tế phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bền vững, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước; là địa bàn có vai trò cầu nối với các khu vực đồng bằng sông Cửu Long và khu vực Tây Nguyên; đi đầu trong hội nhập, mở rộng giao thương, hợp tác kinh tế có hiệu quả với các nước trong khu vực Đông Nam Á và thế giới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/1/2025: Chạm đỉnh cao nhất hơn 11 tuần qua
Việt Nam đứng thứ ba về xuất khẩu gạo sang Singapore
Giá nông sản ngày 23/1/2025: Cà phê tăng vọt, hồ tiêu nhích nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm
Giá heo hơi ngày 23/1/2025: Ổn định trên toàn quốc dịp cận Tết
Thales tiếp tục cung cấp dịch vụ bảo trì cho đội bay của Vietnam Airlines