TP HCM sẽ có 5 tập đoàn bán lẻ hàng đầu
Sở Công Thương TP HCM đã phối hợp với các sở, ngành và Viện Nghiên cứu Phát triển TP tổ chức hội nghị công bố quy hoạch phát triển ngành thương mại TP HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 vào sáng 22-6.
Đẩy mạnh các kênh phân phối hiện đại
Tại hội nghị, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết quy hoạch phát triển ngành thương mại TP đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 bao gồm cả thương mại nội địa lẫn xuất nhập khẩu, logistics. Lâu nay, TP HCM chưa có quy hoạch này, chỉ có Quyết định 17 của UBND TP ban hành quy hoạch định hướng phát triển hệ thống chợ - siêu thị - trung tâm thương mại trên địa bàn giai đoạn 2009-2015. Vì vậy, quy hoạch tổng thể ngành thương mại sẽ cung cấp những dữ liệu cơ bản để doanh nghiệp (DN) tham khảo cũng như định hướng kế hoạch phát triển.
Đối với lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, TP HCM đặt mục tiêu tăng trưởng bình quân tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng từ 8,55%-11,53%/năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2020; từ năm 2021-2025 tăng trưởng 10,89%-14,02%/năm; từ năm 2026-2030 tăng trưởng 6,82%-9,06%/năm. TP HCM sẽ thiết lập môi trường pháp lý thuận lợi giúp các DN bán lẻ cạnh tranh lành mạnh, có điều kiện phát triển nhanh, để đến giai đoạn 2025-2030 hình thành tối thiểu 5 tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Việt Nam.
TP HCM hiện có 207 siêu thị, 43 trung tâm thương mại và 1.100 cửa hàng tiện lợi, chiếm tỉ trọng 21% ngành bán lẻ. Theo mục tiêu đến năm 2020, tỉ trọng bán lẻ hàng hóa theo các loại hình phân phối hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị...) đạt tối thiểu 40%, năm 2025 đạt 50% và năm 2030 đạt 60%.
Ngoài ra, TP HCM sẽ xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên cơ sở cân đối hài hòa nhu cầu phát triển và tính khả thi của từng dự án cụ thể.
Xác định bán buôn, bán lẻ là lĩnh vực hoạt động căn bản, thường xuyên, giúp tạo nên vị thế "đầu tàu" cho ngành thương mại TP HCM, từ nay đến năm 2025 và tầm nhìn năm 2030, TP tiếp tục khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển hệ thống phân phối gắn kết với phát triển du lịch. TP HCM còn khuyến khích phát triển giao dịch thương mại trên thiết bị di động; đẩy mạnh kết hợp đan xen giữa thương mại điện tử với các loại hình phân phối hiện hữu, tạo thành phương thức phân phối đa kênh.
Song song đó, TP HCM khuyến khích DN đầu tư phát triển các chuỗi cửa hàng hiện đại, kinh doanh tổng hợp (cửa hàng tiện lợi) hoặc chuyên doanh lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu, phục vụ nhu cầu hằng ngày của người dân khu vực vùng ven, ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất, chung cư xây mới để thay thế và đẩy lùi các điểm kinh doanh tự phát. Đồng thời, khuyến khích các hộ kinh doanh bán lẻ hoạt động chưa hiệu quả chuyển đổi sang mô hình cửa hàng bán lẻ hiện đại.
Nguy cơ bị thâu tóm
Theo ông Hà Ngọc Sơn, Trưởng Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu - Sở Công Thương TP HCM, TP có lợi thế về thương mại dịch vụ do có vị trí địa lý đặc biệt, có đầy đủ dịch vụ hỗ trợ hạ tầng thương mại, nguồn nhân lực chất lượng cao… Quy mô kinh tế TP HCM ngày càng lớn.
Việc hội nhập sâu rộng vào sân chơi thế giới giúp Việt Nam có cơ hội xuất khẩu hàng hóa sang các nước và ngược lại, hàng hóa các nước đổ vào Việt Nam. Các nhà sản xuất - kinh doanh quốc tế khai thác cơ hội làm ăn ở Việt Nam đã tác động ngược lại vào nền kinh tế nước ta, trong đó có TP HCM.
Tuy nhiên, vấn đề của ngành thương mại TP HCM là cơ sở hạ tầng kỹ thuật của kênh mua sắm hiện đại đã xuống cấp, quản lý lỗi thời. Nhiều nhà bán lẻ ngoại đầu tư chiếm thị phần dẫn đến cạnh tranh thị trường gay gắt và nguy cơ DN Việt Nam bị thâu tóm.
"Các DN trong nước đang gặp áp lực cạnh tranh với DN nước ngoài nhưng Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ theo lộ trình cam kết WTO. Chúng tôi cố gắng sử dụng công cụ kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) để kiểm soát sự phát triển mạng lưới bán lẻ nước ngoài tại TP HCM" - ông Hà Ngọc Sơn cho biết.
Theo ông Sơn, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế đang diễn ra nhanh và mạnh hơn. Dễ thấy nhất là xu hướng chuyển dịch nguyên liệu và nhân công. Sản xuất trên địa bàn TP bắt đầu dịch chuyển về các tỉnh có nguồn nguyên liệu, nhân công rẻ hơn và mặt bằng phù hợp hơn. Sắp tới, ngành dệt may, da giày cũng sẽ dần dịch chuyển về các tỉnh. Vì vậy, TP HCM sẽ ưu tiên xuất khẩu mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, có giá trị gia tăng cao, hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường để tận dụng cơ hội mở cửa và lộ trình cắt giảm thuế quan với các thị trường mà Việt Nam ký kết hợp tác.
TP HCM cũng sẽ hình thành mạng lưới trung tâm logistics trung chuyển, cung cấp hàng hóa cho hệ thống phân phối trong nội thành; phát triển các trung tâm logistics phục vụ trung chuyển hàng hóa giữa TP với các tỉnh, thành và xuất nhập khẩu để góp phần kéo giảm chi phí sản xuất, lưu thông hàng hóa. TP định hướng lĩnh vực logistics sẽ giữ vai trò nền tảng, tạo sự ổn định, tăng sức cạnh tranh cho toàn ngành thương mại; bán lẻ là hoạt động căn bản, thường xuyên; xúc tiến thương mại và bán buôn là động lực phát triển và thương mại điện tử là mũi đột phá.
Để thực hiện quy hoạch, TP HCM dự kiến triển khai 5 nhóm giải pháp về phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ hỗ trợ thương mại, nguồn vốn, đào tạo nhân lực và nâng cao chất lượng quản lý nhà nước. Trong đó, nguồn lực chính phát triển ngành thương mại sẽ huy động chủ yếu từ khối dân doanh; cơ quan nhà nước chỉ định hướng phát triển để tập trung làm tốt nhiệm vụ kiến tạo, củng cố môi trường kinh doanh thuận lợi, công bằng, bảo vệ quyền, lợi hợp pháp của các chủ thể kinh doanh và người tiêu dùng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 24/1/2025: Tiếp tục tăng
Giá nông sản ngày 24/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục tăng mạnh
TP Hồ Chí Minh: Gần 1.000 sản phẩm OCOP quy tụ tại phiên chợ 'Tết xanh - Quà Việt'
Tỷ giá hôm nay 24/1: Giá ngoại tệ ghi nhận xu hướng trái ngược
Một mặt hàng xuất sang Philippines tăng mạnh, đạt 2,6 tỷ USD
Lợi nhuận trước thuế FPT Retail vượt kế hoạch năm 2024