TP.HCM xây dựng mô hình chăm sóc người cao tuổi
Từ năm 2011, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số khi lượng người từ 60 tuổi trở lên chiếm 10% dân số. Tại TP.HCM, tỷ lệ này hiện nay là gần 6%. Làm thế nào để có mô hình chăm sóc người cao tuổi phù hợp, giảm nhẹ gánh nặng chi phí cho chính quyền và phát huy năng lực của chính đối tượng này? Đây là mục tiêu chính của buổi hội thảo được tổ chức sáng nay (17/4) tại TP.HCM.
Tại TP.HCM hiện có 2 loại hình chăm sóc người cao tuổi là: tự chăm sóc hay chăm sóc không chính thức từ chính người cao tuổi và gia đình của họ; chăm sóc chính thức từ nhà nước hay các tổ chức xã hội. Việc chăm sóc người cao tuổi bao gồm cả chăm sóc về đời sống tinh thần lẫn sức khỏe.
Hiện nay, mô hình dựa vào tình nguyện viên cộng đồng và bác sĩ gia đình được xem là phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố tuy nhiên lại đang rất thiếu.
Sự tham gia của xã hội hóa trong chăm sóc người cao tuổi được cho là sẽ không có thay đổi lớn trong vòng 5 năm tới.
Chia sẻ với TP.HCM, các chuyên gia đến từ Nhật Bản đã giới thiệu mô hình bảo hiểm chăm sóc được thực thi từ năm 2000 và cho những kết quả khả quan. Đây sẽ là thông tin tham khảo quan trọng để TP.HCM hoàn thiện đề án xây dựng mô hình thích hợp cho mình.
End of content
Không có tin nào tiếp theo