Tin tức - Sự kiện

TP. Hồ Chí Minh cũng lệch giờ

Ngày 8/2, tại Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM đã diễn ra buổi họp lấy ý kiến giữa các sở, ban ngành của TPHCM về việc thực hiện phương án điều chỉnh lệch giờ học tập, làm việc của trường học và công sở… nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn. Nhiều ý kiến cho rằng, chỉ nên điều chỉnh lệch giờ ở các trường học, giữ nguyên giờ làm việc đối với công chức, viên chức.

Làm điểm ở một số quận



Ông Nguyễn Văn Xê - Phó GĐ Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM (cơ quan đầu mối của đề án) - cho rằng, rút kinh nghiệm từ việc triển khai lệch giờ làm việc, học tập của TP.Hà Nội, trước mắt chúng ta chỉ nên triển khai thí điểm điều chỉnh lệch giờ làm việc, học tập ở một số quận nội thành, khu vực có nhiều trường học, bệnh viện, siêu thị, tuyến đường... thường xuyên có điểm nóng về kẹt xe.

 

 

Theo đề án này sẽ có ba nhóm đối tượng được nghiên cứu sắp xếp điều chỉnh bao gồm: Nhóm học sinh các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; nhóm học sinh các trường THPT, đại học, cao đẳng và nhóm cán bộ công nhân viên, người lao động.



Riêng nhóm khối trường học được điều chỉnh như sau: Mầm non không thay đổi, tiểu học lớp 1 học một buổi không điều chỉnh, lớp bán trú giờ học buổi chiều và ra về muộn hơn hiện tại 15 phút; trung học sơ sở giờ học và ra về muộn hơn hiện tại 15 phút và trung học phổ thông giờ học và ra về muộn hơn hiện tại 15 phút; đại học, cao đẳng... tiếp tục nghiên cứu.



Điều chỉnh giờ học của Sở Giáo dục và Đào tạo: Cấp mầm non không điều chỉnh (học 7h30 về 16h); cấp tiểu học (học 7h - 11h, chiều 13h15 - 16h45, muộn hơn cũ 15 phút); THCS (sáng 7h15 - 11h30, chiều 13h15 - 17h15, muộn hơn cũ 15 phút); THPT (sáng 7h - 11h30, chiều 13h - 17h30, muộn hơn cũ 15 phút).



Được biết, phương án bố trí “lệch giờ, lệch ca làm việc” đã được Ủy ban Nhân dân TPHCM chỉ đạo nghiên cứu, trình Hội đồng Nhân dân TP xem xét từ năm 2007 nhưng do còn nhiều ý kiến khác nhau nên chưa được thông qua.



Ông Trần Quốc Hùng - Ban An toàn giao thông TPHCM - đồng quan điểm với ông Xê về việc chỉ nên điều chỉnh lệch giờ làm việc, học tập tại một số quận, huyện, không nhất thiết phải triển khai rộng khắp toàn TP. Bởi theo ông Hùng, hiện nay có hai quận là Bình Thạnh và quận 5 đã đề nghị không cần điều chỉnh lệch giờ làm việc của công chức - viên chức mà chỉ cần điều chỉnh giờ học và ra về của học sinh. Chính vì vậy, cần giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo lên phương án cho các trường học tự điều chỉnh, áp dụng giờ học và ra về sao cho linh động, hợp lý. Nhất là những trường học nằm trên những khu vực, địa bàn thuộc 114 điểm có ùn tắc giao thông (theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải năm 2011).



Cơ bản nhất trí với đề án đổi giờ học, làm việc do Sở Lao động Thương binh và Xã hội đưa ra, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho biết: Ngay từ năm học 2006 - 2007, được sự chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân TP về việc lên phương án điều chỉnh lệch giờ học nhằm giảm tối thiểu tình trạng ùn tắc giao thông, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị trong ngành nghiên cứu đặc thù của từng trường, từng khu vực để thực hiện việc bố trí lệch giờ học.



Không thay đổi giờ làm việc của cán bộ công chức viên chức

Đại diện sở Giao thông Vận tải TPHCM cho rằng, hiện nay TP cơ bản không còn những điểm ùn tắc giao thông lớn. Chính vì vậy, trước mắt không cần phải điều chỉnh giờ làm việc của công chức, viên chức.

 

Đường ngoại thành vẫn thông thoáng.     Ảnh: Đ.H
Đường ngoại thành vẫn thông thoáng. Ảnh: Đ.H

 

Đại diện cho khu công nghiệp - khu chế xuất, ông Hồ Xuân Lâm cho rằng, riêng các khu chế xuất - khu công nghiệp cũng không cần phải điều chỉnh thời gian làm việc và ra về của các doanh nghiệp. Bởi trước đây Ủy ban Nhân dân TP cũng đã có chỉ đạo thực hiện làm việc lệch giờ giữa các doanh nghiệp, mở thêm cổng vào các khu chế xuất - khu công nghiệp nhằm hạn chế công nhân ra vào một cổng gây ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm.

 

Tuy nhiên, qua nhiều năm nghiên cứu cho thấy, cùng một khu công nghiệp - khu chế xuất nhưng mỗi công ty, doanh nghiệp lại có giờ làm việc, ra về khác nhau (có Công ty làm việc 7h, có doanh nghiệp lại làm việc 7h30 thậm chí có nơi làm việc 8h, 8h30). Đối với việc ra về của công nhân lại càng khác nhau giữa các doanh nghiệp, bởi việc tăng ca, không tăng ca.



Ông Xê kết luận, việc lệch giờ làm việc, học tập không phải là biện pháp căn cơ, duy nhất mà chỉ là một trong nhiều biện pháp để góp phần kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông. Vậy, trước mắt sẽ làm thí điểm ở những địa phương từ nay đến trước tháng 6/2012, sau đó sẽ đánh giá kết quả và đồng thời lấy ý kiến của nhân dân để trình Hội đồng Nhân dân cho áp dụng rộng rãi.  

 

Theo LĐ

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo