Xã hội

TP.Hồ Chí Minh: Lộ nhiều bất cập trong xử lý xe quá tải

Chỉ sau 3 ngày (từ ngày 19-6) cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh ra quân xử phạt xe quá tải bằng hệ thống cân di động, đã bộc lộ nhiều bất cập. Doanh nghiệp vận tải (DNVT) thì bằng nhiều cách né kiểm soát, còn cơ quan chức năng gặp không ít lúng túng trước những bức xúc từ phía DNVT…

(hnmo) Thời điểm này, cứ tầm 1h sáng trở đi, tại vòng xoay cầu Mỹ Thủy (quận 2) có hiện tượng "lạ" khi hàng trăm xe container nối đuôi nhau chạy rầm rập ra vào cảng Cát Lái nhận hàng. Trước đây, khi cơ quan chức năng thành phố (TP) chưa chính thức ra quân xử phạt xe quá tải thì không hề có hiện tượng này. Do lượng xe tăng đột biến nên ở đây liên tục ùn tắc giao thông.

Đại diện của Đội Thanh tra giao thông số 5 cho biết, vài ngày qua, lượng xe tải ra vào cảng Cát Lái vào ban ngày giảm rõ rệt, có thể do các DNVT chủ động thay đổi giờ hoạt động sang ban đêm nhằm tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng. Thanh tra giao thông Sở GTVT đã phối hợp cùng Phòng CSGT TP chia làm 3 ca trực chốt từ 8h sáng đến 20h tối hằng ngày để xử phạt. Tuy nhiên, với hiện tượng xe tải đổi giờ, đi vào rạng sáng thì sắp tới ngành chức năng sẽ phải tăng cường công tác tuần tra, xử phạt nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn.

Trong khi đó, khi tiến hành kiểm soát phát hiện tình trạng xe quá tải rất nhiều. Chỉ riêng hai ngày đầu ra quân tại một nút giao thông dẫn vào cảng Cát Lái (đường Nguyễn Thị Định), lực lượng chức năng đã xử phạt tới 16 trường hợp vi phạm về tải trọng. Có xe trọng tải thiết kế chỉ 4.800kg, tuy nhiên khi tiến hành cân đã lên tới 8.570kg.

Về phía các DNVT, việc sử dụng hệ thống cân di động để cân tải trọng xe cũng để lại không ít băn khoăn. Ông Đoàn Công Lừng, chủ của 10 xe container thuộc HTX Sản xuất và thương mại Gia Đình (quận Bình Thạnh) cho biết, nếu chẳng may bị xử phạt, DN phải nộp đến 5 triệu đồng và giam bằng lái 2 tháng. Sai phạm bị phạt là điều tất nhiên nhưng trong quá trình xử phạt vẫn còn nhiều bất cập.

Cụ thể, khi tiến hành cân thì sai số giữa cân của lực lượng chức năng và cân của DN ở cảng quá lớn, chênh lệch từ một đến vài tấn. Ngoài ra, theo quy định "chuẩn" quốc tế, trọng lượng toàn bộ (hàng và vỏ) đối với container 20 feet là 24 tấn, nhưng Cục Đăng kiểm Việt Nam quy định tối đa chỉ hơn 20 tấn nên xe chạy chắc chắn quá tải.

Còn theo ông Võ Thành Hiếu, chủ DNVT tư nhân tại quận Bình Thạnh, các lực lượng chức năng lại căn cứ vào thùng container để xử phạt mà không căn cứ vào đầu kéo. "Mấy ngày qua, DN chúng tôi hầu như không dám chạy khi lực lượng chức năng đứng chốt, chỉ còn cách chạy vào ban đêm để "né". Bởi chạy thì bị phạt, không chạy lại thiệt hại cho DN. Nếu ngừng hoạt động, trung bình bù lỗ trên 500 nghìn đồng/xe đầu kéo/ngày, tiền chi phí bến bãi, lương tài xế, phụ xe, phí bảo trì đường bộ…, chưa kể phải đền hợp đồng nếu không giao hàng theo thỏa thuận với khách hàng" - ông Hiếu cho biết thêm.

Trong khi đó, Phó Chánh thanh tra Sở GTVT TP Lê Hồng Việt cho rằng, để kiểm soát hiệu quả xe quá tải, quá khổ lưu thông, quan trọng nhất là phải có sự hợp tác ngay từ phía các cảng như chỉ sắp xếp hàng theo đúng tải trọng của xe, thống nhất một loại cân để tránh sai lệch không đáng có, đặc biệt là cần chế tài xử lý nghiêm đối với những trường hợp cố tình vi phạm.

Trước thực tế nêu trên, rõ ràng cần quy định thêm trách nhiệm pháp lý và chế tài xử phạt đối với ban quản lý các cảng, các nhà máy, xí nghiệp, bến bãi… nơi trực tiếp xuất hàng khi để xảy ra trường hợp xe chở quá tải trọng. Bên cạnh đó, các bất cập trong quy định xử phạt xe quá tải như kích cỡ thùng, quy chuẩn vỏ trọng lượng hàng hóa trên từng container… cần được các cơ quan chức năng xem xét và sửa đổi cho phù hợp với thông lệ quốc tế, vì thực tế các thùng container đều nhập ngoại.

 

 

Hà Tuấn

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo