TP.HCM liên kết ĐBSCL xây chuỗi nông sản
Sáng 26/7, tại TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, UBND tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức hội thảo Xây dựng và phát triển chuỗi ngành hàng nông sản chủ lực gắn với truy xuất nguồn gốc.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, nhận định vấn đề an toàn thực phẩm chỉ có thể được giải quyết một cách đồng bộ theo hướng tiếp cận chuỗi giá trị. Nhằm nâng cao trách nhiệm của nhà sản xuất, xây dựng niềm tin đối với người tiêu dùng, tiến tới hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam, TP.HCM và các địa phương (trước mắt là Đồng Tháp) sẽ xây dựng và hình thành các chuỗi sản xuất - cung ứng - tiêu thụ sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn một cách căn cơ.
Theo đó, hệ thống phân phối của TP.HCM sẽ phát tín hiệu thị trường để định hướng sản xuất cho các địa phương vùng nguyên liệu, đồng thời chỉ nhận bán những hàng hóa đạt chuẩn chất lượng, có truy xuất nguồn gốc. TP.HCM cũng hỗ trợ, hướng dẫn cải thiện bao bì, mẫu mã; cam kết tiêu thụ; ưu tiên chọn làm hàng nhãn riêng và hỗ trợ quảng bá, từ đó giúp hình thành chuỗi liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất - nhà phân phối và người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết từ năm 2013, tỉnh đã xây dựng các chuỗi ngành hàng nông sản chủ lực và đang bước vào giai đoạn 2 của quá trình tái cơ cấu, xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng nông sản chủ lực gắn với truy xuất nguồn gốc, hướng tới thị trường nội địa. Tuy nhiên, do nhu cầu thị trường đã thay đổi, nông sản nước ngoài tràn vào ngày càng nhiều, người tiêu dùng có nhu cầu lớn về thực phẩm an toàn; nhà sản xuất trong nước muốn cạnh tranh được buộc phải thay đổi cách làm: phải xây dựng chuỗi ngành hàng nông sản gắn với truy xuất nguồn gốc và ứng dụng công nghệ 4.0.
"UBND tỉnh sẽ ban hành kế hoạch tổ chức sản xuất hàng nông sản chủ lực gắn với truy xuất nguồn gốc hướng vào thị trường nội địa, trọng tâm là TP.HCM, Hà Nội và một số tỉnh, thành khác. Mục tiêu đến năm 2020 các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh sẽ có vùng nguyên liệu ban đầu gắn với truy xuất nguồn gốc, làm tiền đề để mở rộng sản xuất lớn của cả tỉnh đối với các mặt hàng nông sản thực phẩm. Đồng Tháp sẽ hợp tác, đáp ứng mọi yêu cầu của TP.HCM để mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và nâng hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường và sức khỏe con người" - ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, Đồng Tháp đã và đang thực hiện các giải pháp về xây dựng chuỗi giá trị nông sản như tổ chức sản xuất lớn, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất… nhưng chưa tích hợp được vào chuỗi giá trị, chưa truy xuất được nguồn gốc. Trên cơ sở "đặt hàng" của TP.HCM, Đồng Tháp sẽ sắp xếp chuỗi giá trị gắn với thị trường và lấy tín hiệu thị trường là thông tin quan trọng để tổ chức sản xuất. Chính quyền tỉnh cam kết đồng hành, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp, nông dân, HTX nâng quy trình sản xuất, an toàn thực phẩm gắn với trách nhiệm xã hội để phục vụ thị trường tốt nhất.
"Chúng tôi rất mong lãnh đạo TP.HCM đồng hành cùng các tỉnh ĐBSCL trong tập huấn hướng dẫn chương trình, công bố tiêu chuẩn và kết nối chợ đầu mối, các kênh tiêu thụ của TP với HTX/nông dân sản xuất" - ông Hùng chia sẻ.
Nhiều rào cản với truy xuất nguồn gốc Theo ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, tỉnh đã xây dựng 5 mặt hàng chủ lực là lúa gạo, xoài, hoa kiểng, vịt và cá tra. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm thực hiện sản xuất nông nghiệp tốt gắn với truy xuất nguồn gốc còn hạn chế, tỉ lệ sản xuất theo tiêu chuẩn GAP và quy chuẩn quốc gia có thể truy xuất nguồn gốc trên địa bàn vẫn còn thấp: chỉ mới 2/5 mặt hàng nông sản chủ lực là cá tra và trứng vịt thực hiện được việc truy xuất nguồn gốc. Việc vận động người sản xuất thực hiện quy trình truy xuất còn nhiều khó khăn do các doanh nghiệp thu mua chưa đặt yêu cầu sản phẩm phải có nguồn gốc xuất xứ; chưa có phần mềm ứng dụng, chưa có tổ chức sản xuất, hệ thống thu thập số liệu, bộ dữ liệu thu thập còn giới hạn. Trình độ cán bộ quản lý HTX, doanh nghiệp, nông dân cũng còn nhiều hạn chế, chưa làm chủ công nghệ thông tin, thiếu trang thiết bị quản lý, triển khai… Bên cạnh đó, năng lực kết nối tiêu thụ, tìm kiếm thị trường của một số cơ sở sản xuất, HTX còn hạn chế. Việc lưu thông hàng hóa không có nhãn mác, buôn bán tự do tại các chợ truyền thống, cũng là trở lực cho việc truy xuất trong thời gian qua. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Phạt nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử vi phạm
Doanh nghiệp cần có chiến lược cạnh tranh để tham gia chuỗi liên kết FDI
Giá vàng ngày 26/12/2024: Tiếp tục ghi nhận mức tăng nhẹ
Giá heo hơi ngày 26/12/2024: Biến động trái chiều trên cả nước, mức cao nhất 69.000 đồng/kg
Giá ngoại tệ ngày 26/12: Tỷ giá đồng USD và NDT biến động cùng chiều
Giá nông sản ngày 26/12/2024: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ ở mức cao