Tin tức - Sự kiện

TPP - Động lực thúc đẩy cải cách nền nông nghiệp Việt Nam

Nếu chỉ ngồi lo thịt bò, thịt cừu, sữa của nước ngoài tràn ngập Việt Nam khi mở cửa theo thỏa thuận TPP, ngành nông nghiệp nước nhà sẽ chẳng làm được gì. Hãy coi TPP là động lực để thúc đẩy cải cách nền nông nghiệp .

(danviet) Đó là nhận định của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khi nói về cơ hội và thách thức khi hội nhập với TPP.

Nhiều chuyên gia nhận định ngành nông nghiệp VN sẽ "vui ít buồn nhiều" khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trở thành hiện thực. Quan điểm của riêng bà thì sao?

Nông sản cũng như các mặt hàng khác đều có cơ hội và thách thức với TPP. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng nền nông nghiệp của chúng ta để nắm bắt được cơ hội với TPP không phải là dễ. Bởi thực trạng sản xuất nông nghiệp hiện nay vẫn chủ yếu là nhỏ lẻ, manh mún; quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc kém, khó đáp ứng các tiêu chuẩn của những thị trường khó tính. Trong khi đó, các nước tham gia đàm phán TPP đều có các hàng rào vệ sinh an toàn thực phẩm rất nghiêm ngặt, các quy định đều chặt chẽ và được quản lý có bài bản. Nói thẳng ra, nếu không có những thay đổi căn bản thì nền nông nghiệp VN khó có thể tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức với TPP.

Nhiều chuyên gia cũng cảnh báo, khả năng thịt bò, thịt cừu, sữa của Hoa Kỳ, Úc, New Zealand tràn ngập VN khi mở cửa thị trường theo thỏa thuận TPP, và người chăn nuôi sẽ càng thêm khó khăn, thưa bà?

Thị trường VN có tập quán tiêu dùng riêng kiểu VN. Đã có một thời cánh gà, đùi gà nhập khẩu của Hoa Kỳ, Mexico tràn ngập các siêu thị, nhà hàng của VN, nhưng giờ các mặt hàng này chỉ còn chiếm tỷ trọng nhỏ mà thôi. Thị trường VN vẫn có mảng dành cho thịt của Úc, của New Zealand, của Nhật Bản nhưng không lớn vì những sản phẩm này không phải dễ tiêu dùng tại VN. Tuy nhiên, để tránh những lo ngại này trở thành hiện thực, tôi cho rằng chúng ta cần có những nghiên cứu, đánh giá thật kỹ bức tranh thị trường VN như thế nào nếu TPP thành hiện thực để có giải pháp ứng phó. Ví dụ một số ngành như sữa chắc chắn sẽ phải chịu sức ép cạnh tranh với TPP, nhưng cạnh tranh này là hữu ích để đảm bảo sữa bán tại VN không quá cao.

Nếu mức thuế chỉ còn 0%, nhiều khả năng các mặt hàng nông sản xuất khẩu của ta có thể tăng gấp 2 lần. Điều này có quá lạc quan không, thưa bà?

Hiện nay, chúng ta xuất khẩu hàng hóa nói chung sang Hoa Kỳ đạt khoảng 20 tỷ USD, Nhật là khoảng 10 tỷ USD. Tất nhiên đây là 2 thị trường lớn đối với nông sản của ta nên khả năng này là hoàn toàn có thể. Thực tế, với Hiệp định Thương mại song phương VN-Hoa Kỳ (BTA) hay khi VN gia nhập WTO, kim ngạch xuất khẩu của ta sang Mỹ và Nhật đã tăng vọt. Chỉ đơn cử mặt hàng cá tra của VN, từ chỗ kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ chỉ đạt mấy triệu USD nay chúng ta đã xuất đến cả tỷ USD, đến nỗi Hoa Kỳ phải tìm mọi cách để đưa ra rào cản với cá tra VN nhưng cũng không ngăn nổi.

Nhưng với mặt hàng cà phê, thuế hiện đã là 0% khi xuất vào Hoa Kỳ và nhiều nước trong TPP nhưng cà phê VN vẫn không chiếm lĩnh được thị trường này?

Không thể tách riêng từng mặt hàng khi đánh giá một hiệp định như vậy. Cái được và cái mất luôn đan xen nhau, vấn đề là chúng ta làm gì để tận dụng ưu thế và hạn chế nhược điểm. Nếu nhìn vào câu chuyện cà phê mà thấy chùn chân thì chúng ta sẽ mất nhiều hơn được. Nông nghiệp của ta lớn lên được bao nhiêu nếu chúng ta cứ xuất nguyên liệu thô và than thở là không có cơ hội. Với TPP, tôi cho rằng cái cần hướng tới lúc này là phải đẩy mạnh hơn nữa việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản tinh chế. Phải tính đến các thay đổi để có các chính sách đi kèm chứ không chỉ xuất nguyên liệu thô. TPP sẽ đem lại động lực để nông nghiệp VN đi theo cách này, còn lại chúng ta phải tự mình tìm lợi ích cho mình, cơ hội cho mình.

Vậy để tận dụng tốt cơ hội cải cách nền nông nghiệp với TPP, chúng ta phải làm như thế nào?

Trước hết, chúng ta phải thúc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền nông nghiệp mà trụ cột là chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất lớn với hàm lượng giá trị gia tăng cao. Cần tập trung vào một số ngành, sản phẩm có lợi thế lớn để tạo ra lợi thế trong quá trình hội nhập TPP, nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu nông sản sang khối các nước TPP. Cái lo nhất hiện nay là hàng rào chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của các thị trường.

 

Nếu chúng ta cải thiện được vấn đề này, không chỉ với các nước TPP mà sẽ có lợi chung cho cả nền kinh tế và cho xuất khẩu nông sản của VN trên toàn thế giới. Điều này không phải quá khó với chúng ta bởi ai cũng đã thấy những tồn tại này. Có điều chúng ta có dám khắc phục, quyết tâm thay đổi từ những thứ nhỏ nhất như ý thức của người sản xuất, người nông dân cho đến thứ lớn hơn là cách suy nghĩ của nhà quản lý.

Xin cảm ơn bà!

 

 

Mai Hương

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo