Thị trường

TPP sẽ kéo vốn ngoại vào ngành chăn nuôi?

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được kỳ vọng tạo cơ hội cho lĩnh vực chăn nuôi đẩy mạnh thu hút vốn ngoại. Tuy nhiên, viễn cảnh này khó sớm thành hiện thực, trong khi thực phẩm ngoại đang ồ ạt tràn vào Việt Nam.

Lĩnh vực thức ăn chăn nuôi hiện chiếm trên 94% tổng vốn FDI vào ngành nông nghiệp. Ảnh: Đ.T

Vốn FDI ít, thực phẩm nhập ngoại nhiều

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 15/12/2013, cả nước có 501 dự án FDI trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 3,35 tỷ USD, chỉ chiếm gần 1,5% tổng vốn FDI cả nước.

Cụ thể hơn, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong tổng số hơn 3,3 tỷ USD đầu tư vào ngành nông nghiệp, thì đầu tư vào lĩnh vực thức ăn chăn nuôi chiếm tới trên 94%, trong khi lĩnh vực giống chỉ chiếm hơn 4% và chỉ vỏn vẹn 1% cho lĩnh vực chăn nuôi.

Trong khi vốn FDI vào chăn nuôi vô cùng “hẻo”, thì thực phẩm ngoại lại ồ ạt đổ vào Việt Nam. Theo số liệu của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), trong năm 2013, Việt Nam nhập khẩu tới 167.000 con bò và 96.000 tấn gia cầm. Đó là chưa kể hàng vạn con bò nhập vào Việt Nam mỗi năm qua biên giới Lào, Campuchia và số gia cầm nhập lậu vào Việt Nam từ Trung Quốc.

Hiện trâu bò sống từ Australia, New Zealand và các nước ASEAN nhập vào Việt Nam chịu thuế 5%; thịt trâu bò tươi hay đông lạnh cũng từ các nước này có mức thuế 7%. Nếu Hiệp định TPP được ký kết, thuế suất sẽ hạ xuống 0% và điều này đồng nghĩa với việc thịt ngoại sẽ tràn vào Việt Nam nhiều hơn.

Ông Nguyễn Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, nhập khẩu thịt và trâu, bò sống là điều không thể tránh, bởi Việt Nam đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA).

Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại, khi TPP được ký kết, hàng rào thuế quan bị dỡ bỏ, ngành chăn nuôi của Việt Nam sẽ khó cạnh tranh ngay chính trên “sân nhà”.

Ngành chăn nuôi có còn thời gian để đối phó với TPP?

Ông Nguyễn Phương Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu châu Á - Thái Bình Dương lo ngại: “Nếu TPP được ký kết, chăn nuôi sẽ đứng trước nguy hiểm, thậm chí phá sản. Trước đây, chúng ta có mỗi lợi thế về lao động giá rẻ, giờ lợi thế này không giải quyết được gì. Khi TPP được ký kết, gà Thái Lan tràn sang với giá rẻ hơn nhiều, bởi con giống, thức ăn, thuốc thú y của chúng ta đều phải nhập khẩu”, ông Thành nói.

Về vấn đề này, ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, không chỉ TPP, mà Việt Nam đã và sắp ký một loạt thỏa thuận FTA khác. Với các FTA này, nhiều mặt hàng của Việt Nam rộng cửa xuất khẩu sang các nước khác, nhưng đổi lại, nước ta cũng phải mở cửa một số mặt hàng cho nước ngoài. Với Việt Nam, mặt hàng được ngành chăn nuôi lựa chọn mở cửa trước tiên là thịt trâu, bò, tiếp đó là gia cầm.

Cũng theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, để đủ sức cạnh tranh trên sân nhà, ngành chăn nuôi phải tái cơ cấu, không thể phát triển tất cả sản phẩm, mà chỉ chú trọng những sản phẩm chủ lực, có lợi thế. Với cách làm như vậy, ngành chăn nuôi hy vọng sẽ có đủ thời gian đối phó với TPP.

“Nếu xốc lại ngay từ bây giờ, ngành chăn nuôi vẫn còn kịp đối phó với TPP. Còn đủ thời gian bởi, thứ nhất, tập quán tiêu dùng của người Việt Nam đến nay vẫn là tiêu thụ thịt tươi (90%), thịt chế biến chỉ chiếm 10%. Thứ hai, chúng ta chỉ phát triển những sản phẩm có thế mạnh như thịt lợn, thịt gia cầm, nên cần tập trung vào gà vườn, gà bản địa có giá trị cao. Bên cạnh đó, cần chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại, chăn nuôi công nghiệp, hạ giá thành thức ăn chăn nuôi, phát triển mô hình chăn nuôi khép kín”, ông Chinh nói.

Thu hút FDI vào chăn nuôi: chính sách thông, thủ tục chưa thoáng

Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, hội nhập quốc tế có thể là cơ hội để ngành chăn nuôi thu hút đầu tư. Theo ông Vang, có 4 lĩnh vực mà ngành chăn nuôi cần kêu gọi đầu tư, đó là: công nghiệp chế biến, chăn nuôi bò, sản xuất giống, sản xuất trang thiết bị phục vụ chăn nuôi công nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp thừa nhận, thị trường chăn nuôi Việt Nam vẫn có cơ hội, song rủi ro quá nhiều, đặc biệt là dịch bệnh. Trong khi đó, các chính sách ưu đãi đầu tư hầu như vẫn nằm trên giấy.

Thực tế, năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 61/2010/NĐ-CP về thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, đến nay, số dự án nông nghiệp được hưởng ưu đãi chỉ chiếm chưa đầy 1% tổng số dự án.

“Chính sách đã hấp dẫn, nhưng quy trình, thủ tục để doanh nghiệp được hưởng ưu đãi còn phức tạp. Thứ hai, chính sách ưu đãi tuy có, nhưng bố trí nguồn vốn để thực hiện chính sách lại chưa đủ. Bên cạnh đó, chưa có quy định rõ tỷ lệ vốn ưu đãi lấy từ Trung ương và lấy từ địa phương, nên chính sách ưu đãi chưa đi vào thực tiễn”, ông Tống Xuân Chinh phân tích.

Được biết, cuối năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 210/2013/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 61/2010/NĐ-CP, với nhiều ưu đãi hấp dẫn hơn. Nghị định này được kỳ vọng thúc đẩy đầu tư nhiều hơn vào ngành nông nghiệp nói chung, ngành chăn nuôi nói riêng.

Đầu tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo