TPP với nông nghiệp: Khi bất lợi trở thành lợi thế
Cạnh tranh khốc liệt
Ngày 5/10 (theo giờ Việt Nam), tại Atlanta Hoa Kỳ Hội nghị Bộ trưởng Thương mại các nước thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đạt được thỏa thuận cuối cùng, kết thúc đàm phán Hiệp định TPP của 12 nước thành viên.
Đánh giá tác động của TPP đến lĩnh vực nông nghiệp, đại diện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ tài chính) cho biết, mặc dù Việt Nam có lợi thế đối với sản xuất nông nghiệp, song đối với ngành chăn nuôi, Việt Nam lại không có nhiều thuận lợi.
Viện Chiến lược và Chính sách tài chính phân tích, trong 12 nước tham gia TPP, các nước Hoa Kỳ, Australia, New Zealand là những nước có lợi thế nhất về các sản phẩm chăn nuôi do có không gian rộng lớn, tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp chiếm tới 70 - 80%, trong khi trồng trọt chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ. Tiếp đến là các nước Nhật Bản, Singapore, Malaysia còn Việt Nam nằm trong nhóm ít có thuận lợi nhất về chăn nuôi.
Do đó, khi TPP mở cửa thì những sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam sẽ chịu sự cạnh tranh khốc liệt. Bên cạnh đó, các sản phẩm chăn nuôi của thế giới sản xuất ra đều theo quy trình sản xuất công nghiệp nên có lợi thế cạnh tranh vượt trội so với Việt Nam.
Cũng theo Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, việc giảm thuế đối với các nước thành viên TPP sẽ dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng nguồn hàng nhập khẩu từ các nước TPP vào Việt Nam do giá thành rẻ hơn, chất lượng và mẫu mã đa dạng, phong phú hơn. Sản phẩm nông nghiệp và các doanh nghiệp, nông dân Việt Nam đứng trước sự cạnh tranh gay gắt trong khi đó, các hàng nông sản và nông dân là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong hội nhập. Đối với ngành trồng trọt, nếu như các sản phẩm lúa gạo, cà phê, hồ tiêu, hạt điều có cơ hội xuất khẩu tốt hơn thì các sản phẩm như ngô, đậu tương và mía đường sẽ gặp rất nhiều áp lực do hiệu quả kinh tế, năng suất và chất lượng các sản phẩm này đều kém so với quốc tế.
Ngoài ra, khi các nước thực hiện cam kết TPP, đồng nghĩa với việc hàng rào thuế quan sẽ bị xóa bỏ. Lúc này, hàng rào phi thuế quan sẽ trở nên phổ biến hơn, yêu cầu về chất lượng sản phẩm cũng khắt khe hơn. Đây cũng là một trong những điểm yếu đối với sản xuất nông nghiệp của Việt Nam.
Thực tế cho thấy, trong giai đoạn vừa qua, hàng hóa nông sản của Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường thế giới do vướng phải hàng rào kỹ thuật thương mại và biện pháp vệ sinh dịch tễ. Hàng nhập khẩu tăng trong khi xuất khẩu không tìm được đường vào thị trường các nước thì không những không phát triển và phát huy được lợi thế, lĩnh vực nông nghiệp còn có nguy cơ trở thành gánh nặng cho nền kinh tế bởi hiện nay khu vực này vẫn tạo công ăn việc làm chủ yếu cho nông dân, chiếm khoảng 70% dân số.
Theo Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, để bảo hộ hàng hóa trong nước, Việt Nam tất yếu cũng sẽ áp dụng các hàng rào phi thuế quan. Rào cản kỹ thuật chưa có hoặc rào cản kỹ thuật kém cũng sẽ khiến cho thị trường nội địa gặp bất lợi. Theo đó, nếu các biện pháp vệ sinh dịch tễ không hiệu quả, Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ các sản phẩm chất lượng kém, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng trong khi lại không bảo vệ được sản xuất trong nước.
Mặt khác, khi quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm của các nước đạt yêu cầu thì các hàng rào kỹ thuật, biện pháp vệ sinh dịch tễ trở nên không hiệu quả. Đồng thời, khi thu nhập và nhận thức của người tiêu dùng tăng lên, việc lựa chọn sản phẩm an toàn cho sức khỏe sẽ được quan tâm hơn. Đây cũng là áp lực đối với các nhà sản xuất cũng như xuất khẩu của Việt Nam. Bởi nếu không chú trọng đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm thì có thể các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam thậm chí còn không tiêu thụ được ngay tại thị trường trong nước chứ chưa nói đến xuất khẩu.
Khi bất lợi trở thành lợi thế
Theo nhận định của đại diện Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, khi tham gia TPP, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam vẫn chủ yếu là quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu khi tham gia TPP sẽ gặp nhiều bất lợi nhưng nó cũng sẽ là một lợi thế. Bởi, việc này sẽ mở ra cơ hội cho Việt Nam trong thu hút đầu tư, hợp tác với nước ngoài nhằm hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho biết, trong 11 nước TPP còn lại, Hoa Kỳ và Nhật Bản là 2 đối tác quan trọng của Việt Nam trong thu hút vốn FDI. Theo đó, Nhật Bản có thể đầu tư vào Việt Nam để tận dụng những ưu thế, lợi thế về nông nghiệp của Việt Nam, ngược lại Việt Nam sẽ tiếp thu công nghệ và đầu tư từ Nhật Bản để cung cấp các sản phẩm nông nghiệp như rau quả, hoa tươi, cá ngừ, tôm… sang Nhật Bản và các nước TPP khác. Trên thực tế trong năm 2015, nhiều đoàn doanh nghiệp Nhật Bản đã sang thăm dò, khảo sát để hợp tác phát triển nông nghiệp với Việt Nam nên nhiều khả năng Nhật Bản sẽ đẩy mạnh hơn nữa đầu tư vào nông nghiệp khi TPP có hiệu lực.
Hơn nữa, việc tham gia TPP sẽ mở ra cơ hội cho Việt Nam gia tăng sản xuất và mở rộng thị trường nông sản ra nước ngoài. Tuy các nền kinh tế tham gia đàm phán TPP có sự phát triển không đồng đều, nhưng Việt Nam là một nước có thế mạnh trong nông nghiệp với điều kiện thiên nhiên thuận lợi cho phép Việt Nam có thể sản xuất nông nghiệp quanh năm.
Trong khi đó, các nước Hoa Kỳ, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản… điều kiện về thời tiết không cho phép sản xuất nông nghiệp trong mùa đông, các quốc gia này thường phải sử dụng sản phẩm đông lạnh hoặc nhập khẩu từ các nước khác. 9 tháng đầu năm 2015, vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp chỉ đạt 183,4 triệu USD, chiếm hơn 1% tổng vốn FDI vào Việt Nam.
Tổng đầu tư FDI của thế giới vào Việt Nam là 17,1 tỷ USD, riêng các nước TPP là 4,4 tỷ USD cho thấy hiện nay đầu tư nước ngoài cũng như khu vực TPP vào lĩnh vực nông nghiệp còn rất khiêm tốn. Do vậy, TPP sẽ mở ra cơ hội thúc đẩy đầu tư của các nước trong khối vào Việt Nam, nâng cao trình độ sản xuất và tạo khả năng cho ngành nông nghiệp Việt Nam tham gia tốt hơn vào chuỗi giá trị trong khu vực và trên toàn cầu.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo vào 06 nước TPP (Hoa Kỳ, Brunei, Malaysia, Australia, Singapore, Mexico) chiếm khoảng hơn 12% tổng xuất khẩu gạo của Việt Nam. Tuy nhiên, kể từ ngày 01/01/2015, Mexico áp dụng trở lại mức thuế suất 20% đối với mặt hàng gạo và 9% đối với mặt hàng lúa. Động thái này cũng tạo thêm áp lực cho mặt hàng gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Các thị trường còn lại trong TPP, lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam không đáng kể, một phần do bảo hộ sản xuất trong nước. Đối với thị trường Nhật Bản, mức thuế suất được áp dụng ở mức rất cao, lên đến 1.066%. Thuế suất cao cộng với hàng rào kỹ thuật khiến cho mặt hàng gạo rất khó tiếp cận được thị trường Nhật Bản. Do đó, với việc tham gia TPP, các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng mức thuế 0%, là cơ hội tốt cho Việt Nam thâm nhập vào thị trường các nước, từ đó giúp nâng cao kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
End of content
Không có tin nào tiếp theo