Trả lương cho người đại diện vốn nhà nước
Muốn trở thành NĐD, công dân Việt Nam phải có trình độ chuyên môn bậc đại học trở lên, có khả năng, kinh nghiệm thực tế tối thiểu 3 năm về quản lý tài chính doanh nghiệp, kinh doanh và tổ chức quản lý doanh nghiệp phù hợp với yêu cầu của vị trí được ủy quyền.
Trường hợp doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài thì NĐD phải có đủ trình độ ngoại ngữ để làm việc trực tiếp với người nước ngoài.
Ngoài ra, NĐD không có thân nhân là người quản lý, điều hành doanh nghiệp có phần vốn góp của Nhà nước và của người có thẩm quyền quyết định việc ủy quyền làm NĐD…
Nếu được ủy quền làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ngoài việc được xem xét trả lương, thưởng, thù lao, phụ cấp và các quyền lợi khác, NĐD còn được chủ sở hữu phần vốn nhà nước xem xét chỉ định tham gia hội đồng thành viên hoặc đề cử để tham gia hội đồng quản trị; được ủy quyền tham gia ý kiến và biểu quyết tại cuộc họp theo số cổ phần được ủy quyền đại diện.
Cũng theo Quy chế này, kể từ 1/4/2014, NĐD phải chịu trách nhiệm thường xuyên theo dõi, thu thập thông tin về tình hình hoạt động và kết quả sản xuất, kinh doanh; giám sát tình hình tài chính; gửi báo cáo định kỳ hàng quý, hàng năm, báo cáo bất thường và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của chủ sở hữu và các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Ngoài ra, NĐD phải báo cáo kịp thời, đề xuất những giải pháp đối với chủ sở hữu về tình hình doanh nghiệp hoạt động thua lỗ; không đảm bảo khả năng thanh toán; đầu tư không đúng mục tiêu chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; không hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ do chủ sở hữu giao hoặc những trường hợp sai phạm khác.
NĐD tại doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ phải xin ý kiến chủ sở hữu để tham gia ý kiến, biểu quyết, quyết định tại cuộc họp hội đồng thành viên, hội đồng quản trị, đại hội đồng cổ đông, các cuộc họp khác đối với những nội dung liên quan đến mục tiêu, nhiệm vụ và ngành, nghề kinh doanh; tổ chức lại, giải thể và yêu cầu phá sản; sửa đổi và bổ sung điều lệ; tăng hoặc giảm vốn điều lệ; thời điểm và phương thức huy động vốn; chủ trương góp vốn, nắm giữ, tăng, giảm vốn nhà nước; chế độ tuyển dụng, thù lao, tiền lương, tiền thưởng của doanh nghiệp…
NĐD tại những doanh nghiệp khác được tham gia ý kiến, biểu quyết, quyết định nhiều nội dung quan trọng tại doanh nghiệp nhưng đối với những nội dung làm thay đổi lợi ích của nhà nước như làm giảm phần vốn nhà nước hoặc làm giảm tỷ lệ vốn nhà nước… thì phải xin ý kiến chủ sở hữu bằng văn bản trước khi có ý kiến biểu quyết, quyết định.
Hiện Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) có khoảng gần 500 NĐD. Với cơ chế cho phép chủ sở hữu (trong đó có cả SCIC) được quyền giao nhiệm vụ; đánh giá hoạt động; miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật; quyết định mức tiền lương, tiền thưởng, thù lao… cho NĐD, kể cả NĐD làm việc chuyên trách tại doanh nghiệp và NĐD làm việc kiêm nhiệm (cán bộ, công chức thuộc cơ quan hành chính nhà nước), theo ông Lại Văn Đạo, Tổng giám đốc SCIC là cơ chế phù hợp trong quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp hiện nay.
Ông Đạo cho biết, khi tiếp nhận doanh nghiệp, SCIC tiếp nhận toàn bộ NĐD do các bộ ngành, UBND cấp tỉnh ủy quyền làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp trước đây. Tuyệt đại đa số NĐD mà SCIC tiếp nhận đều làm lãnh đạo doanh nghiệp với tư cách chủ tịch hội đồng quản trị, thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc, giám đốc; có năng lực, kinh nghiệm, nhưng cũng có không ít người không đáp ứng được yêu cầu hoặc cố tình không chấp hành các quy định của SCIC nhưng SCIC rất khó xử lý vì những người này do doanh nghiệp trả lương.
Theo ông Đạo, với cơ chế mới, NĐD được SCIC bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật; trả lương, thưởng, phụ cấp “là người” của SCIC nên SCIC sẽ thực hiện chấm dứt việc ủy quyền đại điện phần vốn nhà nước đối với những người không chấp hành các yêu cầu của SCIC trong việc quản lý doanh nghiệp với tư cách là đại diện cho cổ đông nhà nước.
“Vấn đề là trả lương thế nào, trả lương trực tiếp cho ai, chúng tôi còn phải đợi hướng dẫn cụ thể của Bộ Tài chính, Bội Nội vụ và Bộ Lao động, Thương binh, Xã hội để xây dựng quy định cụ thể. Bởi SCIC không thể trả lương, thưởng, phụ cấp cho tất cả người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp mà SCIC ủy quyền”, ông Đạo cho biết.
“Có thể SCIC chỉ trả lương cho NĐD phần vốn nhà nước tại những doanh nghiệp lớn và Nhà nước có hướng giữ cổ phần lâu dài, chi phối. Còn đối với những doanh nghiệp khác, kể cả doanh nghiệp lớn mà Nhà nước không giữ cổ phần chi phối và nằm trong diện thoái vốn thì vẫn hưởng lương do doanh nghiệp trả như hiện nay”, ông Đạo nói thêm.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Mạng 5G đã sẵn sàng, hướng đi nào để doanh nghiệp viễn thông 'đánh thức' tiềm năng thị trường?
Giá xăng giảm gần 500 đồng/lít
Vụ phát hiện giá đỗ độc hại dùng chất cấm gây não úng thủy, dị tật bẩm sinh: Một cơ sở khai bán cho siêu thị Bách Hóa Xanh 350-400kg/ngày
Lượt cài đặt ứng dụng mua sắm trên toàn cầu tăng mạnh
Hỗ trợ vốn khởi nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ
Giá ngoại tệ ngày 27/12/2024: Đồng USD giảm giá