Trái phiếu doanh nghiệp hạ mặt bằng lãi suất
Lượng tiền cho các doanh nghiệp lớn vay qua kênh trái phiếu trong 6 tháng đầu năm 2014 đã tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi các ngân hàng chấp nhận hạ mạnh giá cho vay.
Lãi suất xuống mặt bằng mới
Các doanh nghiệp - gồm 6 doanh nghiệp lớn và 1 doanh nghiệp nhỏ - đã vay được gần 15.000 tỷ đồng bằng phát hành trái phiếu trong nửa đầu năm nay, theo dữ liệu thống kê của ĐTCK tại ngày 30/6. Số vốn này đã tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2013.
Thực tế này trái hẳn với dự đoán trước đó của các chuyên gia trong ngành. Hồi đầu năm nay, một loạt dự báo cho rằng, kênh trái phiếu doanh nghiệp sẽ giảm nhiệt do lãi suất cho vay giảm, khiến lợi nhuận của kênh đầu tư này cũng ngày càng giảm theo. Thêm vào đó, “việc tìm doanh nghiệp tốt để cho vay càng trở nên khó hơn vì tài sản để đem thế chấp của doanh nghiệp đã cạn dần”, giám đốc của một đơn vị tư vấn sắp xếp vốn trái phiếu nói.
Thế nhưng, ngân hàng không giảm đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Các ngân hàng chấp nhận đầu tư với lợi nhuận thấp hơn.
Biên lãi suất của các đợt phát hành - yếu tố để ước lượng lợi nhuận các ngân hàng sẽ thu về - đã hẹp lại 50 - 100 điểm so với chỉ trong 6 tháng đầu năm (tại mỗi kỳ thanh toán trong tương lai, biên lãi suất được cộng với lãi suất tiền gửi 12 tháng tham chiếu của kỳ thanh toán đó để tính ra lãi suất phải trả cho kỳ đó).
Biên lãi suất đợt phát hành trái phiếu 5 năm ngày 27/6 của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (Vinacomin) chỉ 2,75%/năm - giảm 55 điểm so với đợt phát hành tháng 9/2013. Biên lãi suất đợt phát hành trái phiếu 3 năm cũng trong tháng 6 của HDBank chỉ còn 1,5%/năm, giảm 100 điểm so với đợt phát hành cùng kỳ hạn hồi tháng 10/2013 của ngân hàng này.
Giám đốc một ngân hàng cho biết, thông thường, một ngân hàng thương mại mua trái phiếu doanh nghiệp ở biên độ ít nhất 3% đối với doanh nghiệp sản xuất, và ở biên độ 1,8 - 2% đối với các tổ chức tín dụng, để đảm bảo bù đắp cho các chi phí như chi phí dự phòng rủi ro, chi phí quản trị. Nhưng gần đây nhất, ngân hàng ông cũng đã tham gia một đợt phát hành có biên lãi suất thấp hơn mức thông thường đó. “Vì mặt bằng giá mới được thiết lập nên ngân hàng cũng phải chấp nhận theo”, ông nói.
Kỳ hạn của các đợt phát hành cũng kéo dài, chủ yếu sang kỳ hạn 5 năm, một số doanh nghiệp thậm chí đã chào bán sang kỳ hạn 7 năm, mặc dù không thành công. Kỳ hạn dài cũng một phần phản ánh việc ngân hàng chấp nhận ưu đãi hơn cho doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp luôn muốn vay với kỳ hạn dài, tránh áp lực trả nợ đến hạn. Chỉ năm ngoái, các ngân hàng vẫn mua trái phiếu phần lớn có kỳ hạn 3 năm, do lo ngại những biến động khó đoán trong dài hạn.
Chủ yếu là doanh nghiệp bất động sản
Những doanh nghiệp phát hành nửa đầu năm vẫn phần lớn là doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản: CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (CII) phát hành 650 tỷ đồng, Hoàng Anh Gia Lai phát hành 2 đợt với giá trị tổng cộng 1.650 tỷ đồng, Tổng CTCP Đầu tư Phát triển xây dựng (DIG) phát hành 1.000 tỷ đồng. Cả 4 đợt phát hành này đều là thương vụ giữa 1 doanh nghiệp phát hành và 1 ngân hàng mua toàn bộ.
Nhu cầu phát hành trong các doanh nghiệp bất động sản vẫn rất lớn suốt nửa đầu năm nay, do nhu cầu tái cấu trúc tài chính - giảm áp lực nợ đến hạn và vay các khoản mới giá rẻ để giảm chi phí tài chính - trong khối doanh nghiệp này vẫn rất lớn. Ngoài các doanh nghiệp đã phát hành thành công trên, có ít nhất 2 doanh nghiệp khác đã chào bán trong cùng thời gian này nhưng không hoặc chưa có kết quả. Trong số đó, Ocean Group sau khi đưa ra kế hoạch 980 tỷ đồng hồi tháng 4 cũng đã phải hủy đợt phát hành trong thời gian vừa rồi, với nguyên nhân đưa ra là tình hình thị trường không thuận lợi.
Tuy nhiên, về mặt giá trị, hai doanh nghiệp thuộc lĩnh vực khai thác tài nguyên là Công ty TNHH MTV Thương mại và Công ty Đầu tư Thái nguyên (TNTI) thuộc Tập đoàn Masan và Vinacomin lại chiếm tỷ trọng lớn nhất, với giá trị lần lượt là 6.800 tỷ đồng và 3.000 tỷ đồng. Hai đợt phát hành này có nhiều nhà đầu tư tham gia, thay vì các đợt phát hành khác vẫn chủ yếu là một nhà đầu tư mua toàn bộ.
Trong khi mặt bằng cho vay mới đã được thiết lập, có một vài ngân hàng tỏ ra thận trọng. “Biên lợi nhuận hiện tại rõ ràng không có lợi”, lãnh đạo phụ trách đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của một ngân hàng lớn nói. “Thông thường, biên lãi suất ít nhất phải 3% đối với doanh nghiệp sản xuất mới đáng đầu tư. Tôi cho rằng, sang năm sau, lãi suất sẽ tăng trở lại và thời điểm đó, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp sẽ tốt hơn là bây giờ”, ông này nói.
Theo Đầu tư Chứng khoán
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo