Trạm thu phí Cai Lậy: Chuyên gia giao thông nói gì?
TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, cho rằng việc nâng cấp tuyến quốc lộ 1 nên dùng quỹ bảo trì đường bộ, vì người dân đóng phí vào đây rất nhiều. Về phát biểu của ông Nguyễn Mạnh Thắng Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) (tuyến đường dài 26,5 km có kinh phí hơn 300 tỉ đồng thì không có nguồn bảo trì nào đáp ứng được, vì vậy phải kêu gọi nhà đầu tư - PV), TS Phạm Sanh cho rằng đây là phát biểu thiếu trách nhiệm, theo tin tức trên báo Pháp luật TP. HCM.
“Việc sửa chữa quốc lộ 1 là một “chiêu” để nhà đầu tư hợp thức hóa vị trí đặt trạm. Chính phủ và Quốc hội không cho phép đặt trạm trên tuyến đường có sẵn nên việc đặt trạm trên là sai luật. Vậy tại sao không lấy kinh phí từ quỹ bảo trì và ai cho phép nhà đầu tư bỏ ra 300 tỉ đồng để sửa chữa quốc lộ 1?” - TS Phạm Sanh đặt câu hỏi.
TS Phạm Sanh cũng cho rằng Thông tư 159/2013 của Bộ Tài chính chỉ đưa ra khung chứ không quy định cụ thể giá vé cho từng trạm. Thực tế mức phí qua trạm BOT phải do nhà đầu tư đề xuất dựa trên thực tế tính toán lượng xe qua lại và các yếu tố khác. “Tuy nhiên, Thông tư 30/2017 của Bộ Tài chính quy định mức phí tại trạm Cai Lậy không có ý kiến của nhà đầu tư” - ông Sanh phân tích.
Cũng theo TS Phạm Sanh, lãnh đạo Bộ GTVT không nên đổ thêm dầu vào lửa bằng những phát biểu cho rằng chỉ vài tài xế phản ứng và yêu cầu người dân phải thực hiện đúng quy định của pháp luật. “Phản ứng của người dân trong thời gian vừa qua là có cơ sở. Chúng ta phải sớm giải quyết những bức xúc này. Vì vậy tôi cho rằng đã đến lúc Chính phủ cần lên tiếng và Quốc hội phải giám sát việc này” - TS Phạm Sanh nhấn mạnh.
Còn theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, để xác định được mức thu phí hiện nay ở trạm Cai Lậy cao hay thấp cần mời Kiểm toán Nhà nước vào cuộc để có kết luận độc lập. Mục đích là tránh việc giảm phí bằng cách tăng thời gian thu phí, vì đây là phương pháp “đánh bùn sang ao”.
Theo ông Thanh, chủ trương làm BOT nâng cấp hạ tầng giao thông đường bộ là hết sức đúng đắn. Tuy nhiên, chủ trương này bị một số bộ phận lợi dụng làm méo mó chính sách. Tuyến đường nào cũng “đè” ra làm BOT khiến người dân không có quyền lựa chọn.
Sáng 14/8, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ (Bộ GTVT), đã có buổi làm việc với Sở GTVT Tiền Giang liên quan vấn đề Trạm thu phí Cai Lậy.
Theo ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang, từ khi Trạm thu phí Cai Lậy chính thức hoạt động từ ngày 1/8 đến nay, đã có 2 lần ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên QL1. Nguyên nhân bắt đầu từ việc một số tài xế phản đối trạm thu phí bằng việc sử dụng tiền lẻ hoặc tiền có mệnh giá lớn để mua vé, khiến thời gian qua trạm kéo dài, báo Thanh niên đưa tin.
Tại cuộc họp, ông Bon kiến nghị Bộ GTVT xem xét phản ảnh của người dân và giới tài xế cho rằng trạm thu phí đặt sai vị trí vì nhà đầu tư xây dựng tuyến tránh nhưng đặt trạm thu phí trên QL1, đồng thời giá thu phí quá cao.
Ngoài ra, địa phương cũng kiến nghị miễn phí qua trạm đối với phương tiện không kinh doanh vận tải và chủ phương tiện là người thường trú trên địa bàn 4 xã: Phú Nhuận, Mỹ Thành Nam, Bình Phú, Phú An (H.Cai Lậy).
Giảm 50% mức thu phí đối với phương tiện có kinh doanh vận tải và chủ phương tiện thường trú trên địa bàn 4 xã nói trên và các tuyến xe buýt có lộ trình đi qua trạm.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT), cho hay sẽ cung cấp cho báo chí đầy đủ hơn những thông tin liên quan đến dự án.
Về ý kiến quốc lộ 1 là tuyến đường cũ, lẽ ra phải được sửa chữa bằng nguồn lấy từ quỹ bảo trì đường bộ, ông Thắng giải thích: “Cả nước hiện có 24.000 km quốc lộ nhưng quỹ bảo trì chỉ đáp ứng được 50%. Tuyến đường này dài 26,5 km, cần kinh phí hơn 300 tỉ đồng thì không có nguồn bảo trì nào đáp ứng nổi”.
Ông Thắng cũng cho biết nhà đầu tư đã bỏ vốn thực hiện dự án BOT thì được phép thu phí hoàn vốn. Tuy nhiên, việc thu phí phải đảm bảo hài hòa ba nguyên tắc: Thực hiện đúng hợp đồng đã ký giữa cơ quan nhà nước với nhà đầu tư; đảm bảo lợi ích người dân và đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông thông suốt trên toàn tuyến.
“Quốc lộ 1 là tuyến đường huyết mạch quốc gia vì vậy không thể để xảy ra ùn tắc giao thông. Nhà đầu tư nếu thấy xảy ra ùn tắc trên 1 km xung quanh vị trí đặt trạm thu phí thì phải xả trạm ngay, nếu không sẽ bị xử phạt” - ông Thắng nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo