Xã hội

Trạm thu phí Cai Lậy: Thêm thông tin từ hợp đồng BOT

Cách đây 3 năm, Bộ GTVT ký với nhà đầu tư bản hợp đồng dự án BOT Quốc lộ 1 đoạn tránh thị trấn Cai Lậy và tăng cường mặt đường đoạn qua tỉnh Tiền Giang.

Dư luận xôn xao khi nhắc tới tới trạm thu phí Cai Lậy - Tiền Giang. Dùng tiền lẻ, tiền xu trả phí, người dân đã khiến trạm BOT này không ít lần “thất thủ” và “thất thu”. Vậy hợp đồng BOT giữa Bộ Giao thông Vận tải và nhà đầu tư có gì, đến nỗi khi vừa hoạt động, trạm đã “gây bão” đến vậy?

Nguồn tin riêng của PV.VietNamNet đã tiết lộ nhiều thông tin liên quan đến hợp đồng “xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) này.

Trạm thu phí BOT Cai Lậy đang vấp phải ý kiến phản đối từ người dân. Ảnh: Vietnamnet

3 năm trước, vào ngày 28/8/2014, tại trụ sở Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể đại diện cho Bộ GTVT ký với nhà đầu tư bản hợp đồng dự án BOT Quốc lộ 1 đoạn tránh thị trấn Cai Lậy và tăng cường mặt đường đoạn qua tỉnh Tiền Giang.

Theo đó, liên danh nhà đầu tư của dự án này là Công ty CP Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (do ông Phạm Văn Hiến làm Tổng giám đốc) và Công ty CP Đầu tư, thương mại và xây dựng giao thông 1 (ông Trần Quang Tuyến làm Chủ tịch HĐQT).

Mục tiêu của dự án được nêu rõ trong hợp đồng là “nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1 khu vực tỉnh Tiền Giang. Đồng thời phục vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng khu vực nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng,... ".

Tổng mức đầu tư của dự án là xấp xỉ 1.400 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng và thiết bị chiếm gần 700 tỷ đồng; chi phí đền bù giải phóng mặt bằng là hơn 265 tỷ; chi phí dự phòng là hơn 250 tỷ; lãi vay trong thời gian xây dựng là gần 120 tỷ; chi phí quản lý dự án và chi phí khác là gần 70 tỷ.

Trong tổng số gần 1.400 tỷ đồng, nhà đầu tư chỉ có hơn 200 tỷ vốn chủ sở hữu (chiếm 15% tổng mức đầu tư), còn lại gần 1.200 tỷ là đi vay. Đáng chú ý, lãi suất tạm tính trong hợp đồng này lên tới 11%/năm.

 

Theo hợp đồng, dự án phải hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành khai thác “chậm nhất trong tháng 12 năm 2015”, trong đó cũng nêu rõ điều khoản được điều chỉnh thời gian.

Thời gian thu phí là 6 năm 4 tháng và 29 ngày, bắt đầu từ ngày công trình được quyền thu phí. Thực tế, đến 1/8/2017, trạm mới bắt đầu thu phí, thu được vài ngày đã bị người dân phản đối.

Sáng 15/8 ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, cho biết: Thời điểm hiện nay, trạm thu phí BOT Cai Lậy tiếp tục xả trạm, không thu phí để chờ ý kiến chỉ đạo từ trên. Cụ thể, phía tỉnh báo cáo cho Bộ GTVT và dự kiến chiều 15/8, Bộ sẽ có cuộc họp về tình hình thu phí tại trạm này. Phía đơn vị quản lý, khai thác trạm thu phí cũng đang chờ xin ý kiến của lãnh đạo công ty, theo tin tức trên báo Pháp luật TP. HCM. 

Theo ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang (BOT Tiền Giang) - đơn vị quản lý khai thác trạm thu phí BOT Cai Lậy, cho biết: “Trạm thu phí BOT Cai Lậy tạm thời ngừng thu phí, xả trạm cho đến ngày 16-8 để chờ kết quả cuộc họp giữa Bộ GTVT với tỉnh Tiền Giang về vấn đề giảm giá vé. Sau khi có ý kiến cũng như quyết định chính thức từ Bộ GTVT sẽ tiến hành thu tiếp”.

Cũng theo ông Hiệp, sau khi triển khai thu phí đã xảy ra tình trạng một số người có biểu hiện gây mất an ninh trật tự, có xe tới trạm rồi quay ngang xe gây ảnh hưởng tới việc thu phí. Công ty đã có báo cáo cùng các hình ảnh kèm theo gửi cơ quan chức năng của tỉnh Tiền Giang để nhờ hỗ trợ và giải quyết.

 

Nên đọc
Trân Châu (Tổng hợp theo báo Vietnamnet, Pháp luật TP. HCM)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo