Trạm thu phí Cai Lậy: Thứ trưởng Bộ GTVT lên tiếng
Ngày 11/8, tại trạm thu phí BOT Cai Lậy (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) không còn xảy ra tình trạng ùn ứ giao thông như những ngày trước đó. Trên các tuyến Huyện lộ 63, Huyện lộ 67, số lượng xe lưu thông qua đây để tránh trạm thu phí không nhiều. Qua kiểm tra của cơ quan chức năng huyện Cai Lậy, mỗi ngày đêm có 600-700 xe đã đi đường vòng tránh trạm, theo tin tức trên báo Người lao động.
Nhiều ngày qua, hàng trăm tài xế liên tục phản ứng khi đi qua trạm thu phí Cai Lậy vì cho rằng đặt sai vị trí, xe không đi vào đường tránh nhưng vẫn bị thu tiền với mức cao. Thậm chí, một số tài xế đã nhét tiền lẻ vào chai nước rồi nộp gây ùn tắc giao thông qua trạm.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết quy định hợp đồng BOT đã được ký với nhà đầu tư, Thông tư 159 về mức thu phí cũng đã được Bộ GTVT, Bộ Tài chính thống nhất với UBND tỉnh Tiền Giang và các cơ quan chức năng.
"Chúng ta phải sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật. Làm gì cũng phải có kỷ cương phép nước, chứ không phải ai muốn làm gì thì làm... Hàng ngàn xe đi qua, họ tuân thủ, tại sao chỉ có một số ít tài xế phản ứng?" - ông Nhật nói.
Theo ông Nhật, nếu muốn phản ánh gì, tài xế nên đề đạt để các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết, chứ không thể hành động phản cảm như việc bỏ tiền lẻ vào chai nước như vậy. "Trước mắt, trạm BOT Cai Lậy vẫn phải thu phí theo giá đã được phê duyệt và sẽ không có chuyện di dời vị trí hay giảm phí ở trạm BOT này" - ông Nhật khẳng định.
Về ý kiến so sánh mức giá giữa cao tốc TP HCM - Trung Lương với trạm BOT Cai Lậy, Thứ trưởng Nguyễn Nhật phân tích: Với trạm BOT Cai Lậy, nhà đầu tư phải vay vốn từ ngân hàng để làm, rồi phải trả lãi suất ngân hàng chứ không sử dụng ngân sách nhà nước. Còn tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương đã làm từ lâu, lại sử dụng vốn vay ODA để đầu tư. Do đó, việc so sánh mức phí của 2 tuyến đường này là khập khiễng.
Trước mắt, ông Nhật cho rằng UBND tỉnh Tiền Giang phải thuyết phục, tuyên truyền đến người dân. Việc nâng cấp, cải tạo tuyến Quốc lộ 1 và đường tránh ở Tiền Giang, ngân sách không có kinh phí, chủ đầu tư phải vay tiền để thực hiện, do đó họ phải thu phí hoàn vốn theo đúng quy định được các bộ, ngành phê duyệt.
Người dân cần đồng tình ủng hộ chủ trương này. Chờ Tổng cục Đường bộ báo cáo về kết quả làm việc với chủ đầu tư, UBND tỉnh, Bộ GTVT sẽ có những quyết định tiếp theo liên quan đến trạm BOT Cai Lậy.
Thời gian qua, để đáp ứng nhu cầu giao thông, giảm ùn tắc, phòng tránh tai nạn giao thông trên tuyến Quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh Tiền Giang, Bộ Giao thông Vận tải đã thực hiện Dự án đầu tư xây dựng công trình Quốc lộ 1 đoạn tránh thị xã Cai Lậy và tăng cường mặt đường đoạn km 1987 + 560 đến km 2014 + 000 theo hình thức BOT, theo báo TTXVN.
Công trình có tổng vốn đầu tư gần 1.400 tỉ đồng. Dự án gồm các hạng mục: Thi công 13 km đường tránh Quốc lộ 1 qua thị xã Cai Lậy, tăng cường mặt đường bằng cách thảm nhựa nóng chiều dài 24,56 km Quốc lộ 1 và nâng cấp 14 cầu trên Quốc lộ 1 trên đoạn qua các huyện, thị phía tây tỉnh Tiền Giang. Công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2016.
Được sự cho phép của các ngành chức năng, từ 00 giờ ngày 1/8, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Quốc lộ 1 bắt đầu triển khai thu dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm thu giá KM 1999 + 300 trên Quốc lộ 1 (trạm thu phí Cai Lậy). Thời gian thu phí được phép là: 6 năm 4 tháng 29 ngày.
Tuy nhiên, sau khi trạm thu phí Cai Lậy đi vào hoạt động đã xảy ra một số sự cố như: Nhiều phương tiện đã đi vòng đường khác để né trạm thu phí, có người còn lấy tiền lẻ mệnh giá 200 đồng và 500 đồng bỏ vào chai nhựa mua vé khi qua trạm nhằm gây ách tắc giao thông khi qua trạm…
Theo nhiều người điều khiển phương tiện, mức phí qua trạm thu phí Cai Lậy quá cao, trạm đặt “sai chỗ” nhằm thu phí tất cả phương tiện lưu thông trên Quốc lộ 1 trong khi lẽ ra phải đặt ở đầu tuyến tránh Quốc lộ 1 qua thị xã Cai Lậy… Để ngăn ngừa nguy cơ vụ việc trở thành "điểm nóng" về trật tự an toàn giao thông, các lực lượng chức năng đã trực 24/24 giờ để kịp thời giải quyết những sự cố có thể xảy ra.
End of content
Không có tin nào tiếp theo