Quốc tế

Tranh cãi giữa Iran và các quốc gia Arab ở vùng Vịnh

Căng thẳng giữa Iran và các quốc gia Arab ở vùng Vịnh bắt đầu gia tăng sau khi nhóm quốc gia này cáo buộc Tehran tiến hành hàng loạt chiến dịch do thám vào đất nước họ.

Hãng ISNA ngày 26/12 cho hay, Iran đã bác bỏ hoàn toàn những cáo buộc từ 6 quốc gia Arab ở vùng Vịnh và cho rằng, việc này đang hủy hoại quan hệ ngoại giao giữa nước này với các quốc gia khác trong khu vực. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Ramin Mehmanparast thậm chí còn cho rằng, đây là một âm mưu thâm độc nhằm tách biệt Iran với các quốc gia trong khu vực, đẩy nước này vào thế cô lập và làm tổn thương đến danh dự quốc gia và cả người dân của Iran.

Trước đó một ngày, hãng Reuters đưa tin, tại hội nghị thượng định của Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) kéo dài 2 ngày, do Arab Saudi chủ trì, đại diện 6 quốc gia Arab ở khu vực vùng Vịnh đã lên tiếng yêu cầu Iran chấm dứt ngay hành động mà họ gọi là can thiệp, do thám khu vực này. Trong thông cáo được đưa ra cùng ngày do Tổng thư ký GCC Abdulatif al-Zayani, GCC còn cảnh báo, nếu Iran vẫn tiếp tục các hoạt động kiểu gián điệp như hiện nay, quan hệ ngoại giao giữa nước này với các quốc gia thuộc GCC sẽ bị tổn hại.

Một số quan chức GCC còn tiết lộ rằng, thông cáo này được đưa ra sau vụ Bahrain nhiều lần cáo buộc Tehran can thiệp vào công việc nội bộ nước này bằng cách xúi giục biểu tình chống chính phủ. Chưa hết, hôm 25/12, từ Manama, Ngoại trưởng Bahrain Khalid Bin Ahmed Bin Mohammed Al Khalifa còn tuyên bố với báo giới: Iran “là mối nguy hiểm lớn ở vùng Vịnh” bởi chương trình phát triển hạt nhân của nước này có thể làm ảnh hưởng tới môi trường trong khu vực.

Như vậy, ngoài biện pháp cấm vận kinh tế đang bị Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp dụng, Iran còn phải đối mặt với những chỉ trích mới từ các quốc gia ở khu vực vùng Vịnh, nơi mà trước nay Tehran luôn coi là “sân sau” để mở rộng các hoạt động của mình.

Điều này cho thấy, trong nội bộ Trung Đông đã có nhiều thay đổi và cái đáng lo ngại nhất chính là nguy cơ chia bè phái, gây mất đoàn kết giữa các quốc gia láng giềng. Hơn nữa, động thái cứng rắn từ GCC cũng là lời cảnh báo mới nhất dành cho Tehran trong bối cảnh nước này ngày càng nhận được nhiều phản ứng không đồng tình trong việc phát triển chương trình làm giàu uranium.

Cho đến nay, Iran vẫn bác bỏ mọi cáo buộc từ phương Tây về việc nước này tìm cách sản xuất vũ khí hạt nhân và đội lốt hoạt động này bằng cái mác phát triển hạt nhân vì mục đích dân sự. Từ những cáo buộc này, Tehran đã phải chịu nhiều cấm vận về kinh tế và dù theo tuyên bố của Bộ trưởng Dầu mỏ Rostam Ghasemi, Iran đã thành công khi vượt qua được các lệnh cấm, song các nhà phân tích vẫn nhận định, việc làm này không thể kéo dài.

Càng phải đối mặt với nhiều lệnh cấm vận mới, kinh tế Iran sẽ càng bị đẩy vào nguy cơ yếu kém, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn chìm sâu trong suy thoái và khủng hoảng. Đó là chưa kể đến việc Iran còn vấp phải hàng loạt hoạt động phá hoại khác từ bên ngoài.

Như hôm 25/12 vừa qua, lực lượng an ninh mạng của Iran vừa phát hiện một loại virus máy tính giống như virus Stuxnet tấn công vào hệ thống máy tính kiểm soát hoạt động của ngành công nghiệp dầu mỏ ở tỉnh Hormozgan, phía Nam nước này. Năm 2010, virus Stuxnet từng tấn công hệ thống máy vi tính điều khiển các máy ly tâm phục vụ cho hoạt động làm giàu uranium và khi đó Tehran đã cho rằng Mỹ và Israel đứng đằng sau vụ việc.

Cùng với tuyên bố tiêu diệt được virus Stuxnet, Iran lại tiếp tục cho khởi động cuộc tập trận hải quân ở vịnh Persian và eo biển chiến lược Hormuz. Với tên gọi “Fajr 91” và “Velayat 91”, hai cuộc tập trận này kéo dài 10 ngày nhằm cải thiện "năng lực thực thi các kịch bản phòng thủ và an ninh" ở Iran

 

 

Hồng Lĩnh (Theo CAND)

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo