Tranh cãi kéo dài về “đường bay thẳng”: Bay thử biết ngay!
Lợi trên 120 triệu USD/năm
Tại hội thảo “Dự án hạch toán kinh doanh có lãi cho hàng không quốc gia theo phương pháp Trần Đình Bá” do Bộ Giao thông Vận tải tổ chức chiều 13/2, TS Trần Đình Bá (Hội Khoa học kinh tế Việt Nam), khẳng định dự án này sẽ mở ra một mô hình kinh doanh vận tải có lợi bằng biện pháp đổi mới đường bay, đánh đổi có lợi khi bỏ ra chi phí 5% lệ phí quá cảnh cho Lào và Campuchia để lấy về 20% chi phí hiệu quả.
Tức là, chỉ cần đầu tư ba triệu USD một lần, hằng năm Vietnam Airlines (VNA) có thể tiết kiệm 65.000 tấn nhiên liệu, 12.000 giờ bay, hưởng lợi trên 120 triệu USD và tăng năng lực vận tải lên 18 - 20 triệu hành khách/năm. Hai nước Lào, Campuchia hưởng lợi 25 triệu USD.
Ông Bá cho rằng, hiện tại năm đường bay chủ lực quan trọng có tần suất cao nhất cũng là những đường bay có hiệu quả kinh tế thấp nhất, chỉ trên 70%. Cụ thể, đường bay Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh tần suất 59 chuyến/ngày, hiệu quả chỉ 73,2%; đường bay TP. Hồ Chí Minh - Đà Nẵng tần suất 30 chuyến/ngày, hiệu quả 76,9%...
Tính chung, hiệu quả kinh tế hàng không nội địa hiện tại là càng bay càng lỗ do bay vòng lãng phí. Theo tính toán của ông Bá, qua bài toán cao cấp “tính hiệu quả kinh tế đường bay bằng hiệu quả từ tích vô hướng” cho thấy các đường bay vòng tại VN (không đúng quy luật kinh tế hàng không) đã gây lãng phí bình quân 24,4%, lỗ ròng là 14,4%.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, ý tưởng mở đường bay thẳng Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh không mới, đã được các Cục Hàng không Việt Nam, Lào, Campuchia nghiên cứu cuối thập niên 80 thế kỷ trước, nhưng vì nhiều lý do kỹ thuật, nên không thành hiện thực. Năm 2008, ý tưởng này tiếp tục được thảo luận nhưng vẫn bất thành. |
Theo ông Bá, tỷ lệ chi phí quá cảnh qua bầu trời Campuchia và Lào chỉ là 4,5 - 5%. Riêng đường bay Hà Nội - Phú Quốc, nếu bay thẳng qua bầu trời Lào, Campuchia, Thái Lan sẽ tiết kiệm được 38,7% chi phí, nếu trả lệ phí cho ba nước là 6% thì VNA vẫn có lợi 32,7%.
Ông Bá cho biết, đường bay vòng từ Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh do phải qua nhiều điểm nên chiều dài lên tới 1.556 km (đường bay thẳng qua hai điểm là 1.140 km), quãng đường lãng phí là 416 km, hiệu quả kinh tế đạt 73,2%, lãng phí kinh tế 26,8%.
Nếu bay đường hiện nay, máy bay A320 mỗi chuyến lãng phí 1.229 kg nhiên liệu, lãng phí thời gian bay 26,7 phút; máy bay Boeing 777 lãng phí 2.698 kg nhiên liệu, thời gian lãng phí 25,8 phút.
Mỗi ngày các hãng hàng không lãng phí 115 tấn nhiên liệu và 25 giờ bay, tính ra mỗi năm lãng phí 87 triệu USD. Nếu bay đường bay thẳng (1.140 km), mỗi ngày ngành hàng không tiết kiệm được khoảng 284.000 USD, tương đương 103 triệu USD/năm.
Phản bác
Chủ trì hội thảo, ông Trần Ngọc Thành, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) khẳng định thái độ trân trọng với hiến kế của các chuyên gia đối với ngành giao thông vận tải.
Tuy nhiên, theo ông Thành, “đường thẳng bao giờ cũng là đường ngắn nhất, nhưng thực tế không phải lúc nào cũng đi được như thế. Đường bộ lên Tây Bắc vẫn phải đi ngoằn ngoèo vì qua vực, không làm cầu được vì rất tốn kém. Đường bay hàng không cũng tương tự như vậy”.
Đại diện Cục Hàng không Việt Nam đưa ra phản bác đầu tiên khi cho rằng số liệu đầu vào của ông Bá không chính xác. Kết quả tính toán đường bay vòng Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh hiện tại theo ông Bá là 1.556 km, nhưng đường bay này của VNA thực tế có chiều dài 1.274 km.
Thêm vào đó, chiều dài đường thẳng nối hai điểm Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh theo ông Bá là 1.140 km, nhưng đại diện Cục Hàng không Việt Nam khẳng định không thể có con số này, vì nếu tính theo bề mặt của quả địa cầu thì chiều dài phải là 1.155 - 1.160 km. Chi phí tính toán của VNA nếu bay theo đường bay thẳng của ông Bá đề xuất (tính đến chi phí an ninh, quá cảnh, quản lý bay) lại cho kết quả âm.
Ở khía cạnh khác, theo ông Võ Huy Cường, Trưởng ban Vận tải - Cục Hàng không Việt Nam, “phương pháp Trần Đình Bá” không đề cập đến lý thuyết về quãng đường dây cung ngắn nhất trong hàng không dân dụng. Ông Cường cũng khẳng định, nhận xét của ông Bá hơi võ đoán.
Theo một phi công, đường bay Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh là 1.251 km, máy bay Boeing 777 bay hết 95 - 97 phút, Airbus là 100 phút, tương đương với vận tốc 768 km/giờ. Trong khi, theo tính toán của ông Bá là 1.556 km hết trên 100 phút với máy bay A320, máy bay của VNA không thể bay được vận tốc này, cơ sở đặt vấn đề nghiên cứu không chuẩn xác.
Hội thảo đã nóng lên khi TS Trần Đình Bá nói, đáng lẽ các cơ quan chức năng phải đưa ra văn bản góp ý, trả lời cho đề xuất, thay vì chỉ đưa ra các phản bác tại cuộc họp. Nhưng ông Bá khá “đơn độc” khi một đại diện khác của Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, ông Trần Đức Minh cũng tỏ ra đồng thuận với các ý kiến phản bác trên.
Đại tá Hoàng Thế Quang, Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu, chia sẻ về lý thuyết xây dựng đường bay, nếu khả thi thì hoàn toàn ủng hộ. Năm 2009 cựu phi công Mai Trọng Tuấn đã đề xuất “đường bay vàng”, Bộ Giao thông Vận tải đã có báo cáo kết luận gửi lên Thủ tướng.
Thủ tướng có văn bản đồng ý với kiến nghị của Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Quốc phòng về việc ngừng xem xét đề xuất này. Đề án của TS Bá gần giống “đường bay vàng”.
“Đường bay thẳng không thể là vấn đề lý thuyết nối hai điểm thành đường thẳng, phải đánh giá nhiều cơ sở khác như chủ quyền, thương quyền, an ninh hàng không, kinh tế xã hội, tổ chức không lưu, tổ chức quản lý vùng trời. Tại sao các nước như Mỹ không bay thẳng?”, đại tá Quang nêu vấn đề.
Ông Lại Xuân Thanh, Cục phó Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, thực hiện bầu trời mở không phải là các nước gom bầu trời lại để có đường bay thẳng. Ông nhấn mạnh bay thẳng theo “phương pháp Trần Đình Bá” đã lấy một phần nghiên cứu khoa học của ông Mai Trọng Tuấn từ những năm trước, là sự lặp lại đường bay từ hồ Gươm đến hồ Con Rùa.
Khi ông Bá gửi báo cáo lên Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam đã báo cáo Bộ trưởng đây thực chất là “đường bay vàng” trước đây nhưng Bộ trưởng quyết tiếp tục nghiên cứu, để có thêm ý kiến, trao đổi, báo cáo.
Nên cho bay thử!
Nói về đề xuất “đường bay vàng” của ông Mai Trọng Tuấn, ông Lê Trọng Sành, nguyên Trưởng phòng Quản lý bay sân bay Tân Sơn Nhất (người có trên 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không không quân) - cho rằng, trong công tác hàng không, việc rút ngắn thời gian được 1 - 2 phút là cực kỳ quan trọng cả về vấn đề an toàn bay lẫn khía cạnh kinh tế.
Trong khi đó, "đường bay vàng” theo tính toán của ông Tuấn sẽ tiết kiệm được không nhỏ cả về quãng đường lẫn thời gian bay nên cần xem xét kỹ trước khi bác bỏ hoàn toàn.
Chưa kể, nếu rút ngắn được khoảng cách bay sẽ thu hút nhiều hãng hàng không quốc tế lựa chọn đường bay này khi đến Hà Nội; hoặc từ các nước Trung Quốc, Nga... bay sang Singapore, Thái Lan, Myanmar... và ngược lại cũng sử dụng đường bay này.
Ông Sành cho rằng nên kiến nghị Thủ tướng cho bay thử một chuyến xem lợi ích kinh tế như thế nào thì sẽ có đánh giá chính xác, khách quan nhất.
Các mốc tranh cãi về “đường bay vàng” - Tháng 3/2009, cựu phi công quân đội Mai Trọng Tuấn khởi xướng đề án “đường bay vàng”. Theo đó, nếu bay thẳng theo kinh tuyến 1060 đông, đường bay thẳng Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh sẽ rút ngắn khoảng 142 km, tương đương rút bớt được 12 phút bay, tiết kiệm 1.500 lít nhiên liệu mỗi chuyến bay, tương đương 30 triệu đồng/chuyến, tính cả năm tiết kiệm được 550 tỉ đồng.
- Cuối tháng 6/2009, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam và tác giả đề án gặp gỡ để sớm báo cáo Chính phủ. Tháng 7/2009, giữa các bên đã có cuộc họp nhưng không đi đến thống nhất. Trong văn bản báo cáo Chính phủ, Cục Hàng không Việt Nam phản đối đề án này với lý do đường bay này có nhiều điểm giao cắt biên giới... không an toàn mà còn làm tăng chi phí.
- Tháng 8/2009, ông Trần Đình Bá đưa ra lời thách đấu năm triệu USD với Cục Hàng không Việt Nam về tính hiệu quả của “đường bay vàng”.
- Tháng 12/2009, tranh cãi về “đường bay vàng” tiếp tục giữa các bên. VNA khẳng định sẽ không bay đường bay này. Giữa tháng 12/2009, Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Quốc phòng về việc ngừng xem xét “đường bay vàng”. |
Theo Thanh Niên
End of content
Không có tin nào tiếp theo