Tranh cãi về vấn đề làm gì để có đặc khu: Đặc khu có thành đặc quyền? (kỳ 1)
Như vậy, về lý thuyết, Việt Nam sẽ có 3 đặc khu kinh tế tại Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Vấn đề đặt ra là liệu 3 địa danh này có thực sự trở nên vượt trội so với các tỉnh, thành, địa phương khác để thành các đặc khu kinh tế như kỳ vọng ? Vậy làm gì để có đặc khu ?
Theo các ĐBQH và chuyên gia, nếu không nghiên cứu và đưa ra các giải pháp đồng bộ, toàn diện, tập trung vào 3 vấn đề đó là thể chế, đất đai và nguồn nhân lực thì không thể tạo ra sự phát triển vượt trội của 3 đặc khu kinh tế.
Phải có thể chế vượt trội
Thể chế - với những cơ chế có thực sự vượt trội hay không - đó là nội dung được các ĐBQH đặc biệt quan tâm ở dự Luật đặc khu. Theo đại biểu Dương Minh Tuấn (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu), dự Luật cơ bản đã đảm bảo được tính đặc thù với nhiều cơ chế vượt trội của đặc khu, đảm bảo được mục đích thu hút được nhiều nhà đầu tư tiềm năng và uy tín. Về chính quyền đặc khu và môi trường đầu tư cũng như những ngành nghề ưu tiên, những chính sách ưu đãi vượt trội cho thấy chủ trương đầu tư rất rõ ràng, có trọng tâm, trọng điểm, tạo giá trị thương mại cao đối với từng đặc khu cụ thể… Tuy nhiên, Đại biểu Dương Minh Tuấn cũng cho rằng các chính sách ưu đãi này chưa phải là yếu tố mang tính quyết định mà môi trường đầu tư thông thoáng, thiết kế bộ máy hoạt động có chất lượng, hiệu quả, thủ tục đầu tư thông thoáng, đảm bảo tính cạnh tranh mới là quan trọng. “Qua tiếp xúc, nhiều nhà đầu tư mong muốn khi đã có đặc khu hành chính - kinh tế rồi, với những ngành nghề ưu đãi cụ thể rồi thì kể từ khi tìm hiểu dự án, làm thủ tục thực hiện dự án đến khi triển khai xây dựng dự án, nhà đầu tư không phải đi làm thủ tục ở nhiều nơi, nhiều cấp mà chỉ liên hệ ở 1 nơi - đó là chính quyền đặc khu…”.
Cụ thể về bộ máy hành chính cho đặc khu, nhiều ĐBQH đồng tình với quan điểm không cần có Hội đồng nhân dân mà chỉ nên có một đầu mối cơ quan hành chính quản lý Nhà nước thay vì 5 đến 7 cơ quan như Dự thảo Luật đặc khu, tức là vẫn tương tự như đối với các huyện, thị hiện hành. Theo các ĐBQH, đây chỉ là sự thu gọn chứ không phải đổi mới và đột phá. Song không ít đại biểu tỏ ra lo ngại thiếu sự giám sát dễ dẫn đến “đặc quyền” khó kiểm soát…
Kỳ vọng rất nhiều vào mô hình đặc khu kinh tế với những thiết kế vượt trội từ cơ cấu, cách thức tổ chức, thể chế vượt trội, để qua đó không chỉ có cơ chế, chính sách đột phá về phát triển kinh tế mà còn là sự đặc biệt về thể chế hành chính, về môi trường đầu tư, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương tâm tư, nếu không thực sự vượt trội mà vẫn “na ná” với các mô hình khu kinh tế hiện nay thì có lẽ không nên vội vã phải làm đặc khu cho bằng được. “Đặc khu phải đúng nghĩa của nó là 1 thể nghiệm về thể chế, thì đó mới là điều quan trọng, là điều cần thiết. Chứ còn làm đặc khu mà chỉ để có thêm một số nhà đầu tư thì theo tôi có lẽ cũng không cần thiết lắm”.
Chuyên gia kinh tế, TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cũng cho rằng “các cơ chế ưu đãi như miễn giảm thuế cũng quan trọng, nhưng quan trọng hơn là môi trường đầu tư, về thể chế hành chính, thủ tục đầu tư…”. Còn GS.TS. Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp thì nhìn nhận: “Chúng ta đưa rất nhiều ưu đãi, thậm chí chỉ thua thiên đường thuế, nhưng nếu chỉ nhấn mạnh ưu đãi mà quên xây dựng thể chế hiện đại dân chủ rõ ràng minh bạch, dễ tiếp cận và chi phí thực thi thấp thì chưa đáp ứng yêu cầu các nhà đầu tư. Vì các nhà đầu tư bỏ vốn ra tính an toàn làm ăn có lãi là một chuyện nhưng phải an toàn trong mọi lĩnh vực và khi có tranh chấp được giải quyết với một niềm tin cao nữa. Thứ 2 là trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa này tôi đề nghị thể chế pháp luật với đặc khu phải hạn chế đặc thù đi. Cố gắng làm thế nào để luật này phân quyền đầy đủ, rõ ràng, rành mạch đến mức đi thẳng vào cuộc sống không thông qua bất cứ một nghị định, thông tư… Trong mối quan hệ với các bộ ngành, cần hạn chế bớt chỉ thị, thông tư mang tính hành chính. Có vấn đề chưa rõ giao HĐND ở đó giải thích, mà cao hơn nữa chỉ do Ủy ban thường vụ Quốc hội thôi chứ nếu để tình trạng xong luật chờ văn bản thì tinh thần là phân quyền thật rõ ràng rành mạch đi thẳng vào cuộc sống…” - GS.TS. Hoàng Thế Liên nêu quan điểm.
Phải có bản đồ quy hoạch đất đai cho đặc khu
Đất đai, quyền sở hữu đất đai, những ưu đãi về thuế đất… có lẽ là nội dung được hầu hết các đại biểu quan tâm tại dự thảo Luật đặc khu, cũng là vấn đề quan ngại nhiều nhất của các chuyên gia khi bàn về dự luật này. Bởi thời gian qua, việc đầu cơ đất đai tại một số khu vực mới được dự kiến lựa chọn làm đặc khu nhưng nhiều khu đất đã bị thổi giá, chia nhỏ, xé lẻ để bán với giá “trên trời”.
Ông Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học KTQD (ĐBQH đoàn Hà Nội) cho rằng, dự luật đang đưa ra nhiều ưu đãi về miễn thuế đất, thời gian cho thuê đất… dẫn đến nguy cơ đầu cơ hơn là đầu tư. Ông Cường dẫn chứng “cái mà hiện nay trong dự thảo luật đưa ra mức thời gian miễn tiền sử dụng đất với ưu đãi rất lớn. Phần lớn các dự án nằm trong đối tượng đầu tư được miễn thời gian là 15 năm, một số dự án khác là 20 năm, và những dự án thuộc diện nhà đầu tư chiến lược được miễn đến 30 năm là ưu đãi rất lớn. Như vậy chúng ta thấy rằng, quả thật đây là khoảng thời gian mà các nhà đầu tư không cần phải nghĩ đến chuyện làm gì để đầu tư kinh doanh có hiệu quả mà người ta chỉ cần găm đất ở đấy và chờ cơ hội để chuyển nhượng cho nhà đầu tư là người ta kiếm được một khoản lời lớn rất không chính đáng…”.
Đại biểu Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) nêu quan điểm, vấn đề thu hồi đất đai ở đặc khu cần phải làm kỹ hơn để đảm bảo quyền lợi cho cả Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Theo đại biểu Phương, hiện nay trong luật này có 2 hình thức thu hồi đất, một diện là do Nhà nước thu hồi và một diện là các dự án đầu tư tự thỏa thuận với người dân. “Tôi cho như thế là không nên. Và dứt khoát là chỉ có 1 hình thức thu hồi là Nhà nước thu hồi, với mục đích thu hồi là vì lợi ích quốc gia công cộng”. Tại sao lại coi là mục đích quốc gia công cộng ? Đại biểu Phương lý giải: “Vì việc phát triển đặc khu không chỉ cho riêng đặc khu mà mục tiêu thu hút đầu tư vào đặc khu để đặc khu phát triển và đặc khu lan tỏa phát triển ra khu vực và cả nước. Cho nên chỉ có một hình thức Nhà nước thu hồi đất. Nếu để hai hình thức thu hồi như trong dự luật thì tôi cho là cực kỳ khó, không thu hồi được và nó sẽ dẫn đến tình trạng một đặc khu sẽ có nhiều mức đền bù, sẽ nảy sinh vấn đề xã hội, khiếu kiện phức tạp” - Đại biểu Bùi Văn Phương lo ngại. Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Tạo (Phó trưởng đoàn ĐBQH khóa XIV tỉnh Lâm Đồng) cho rằng, đây là nút thắt căn bản cần tháo gỡ, bởi “nếu sự thỏa thuận này không có một cơ quan trung gian để giải quyết thì đây là một nút nghẽn. Mà trong quá trình đầu tư các nhà đầu tư đang gặp phải ở tất cả các địa bàn. Một là chúng ta ép giá thấp, nhân dân không chịu. Hai là nhân dân áp giá cao nhà đầu tư không chịu được. Đây là một nút thắt mà chúng ta phải tháo gỡ ở các đặc khu”.
Phó Giáo sư, TS Vũ Minh Khương - Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học quốc gia Singapore đưa ra rất nhiều dẫn chứng về việc xây dựng các mô hình đặc khu khá thành công ở Singapore khi quốc gia này quản lý đất đai hết sức chặt chẽ - trên nguyên tắc “đất đai thuộc sở hữu Nhà nước”. Muốn làm được điều này phải quy hoạch được bản đồ đất đai rõ ràng và phải do Chính phủ chi sử dụng quỹ đất này. “Mỗi năm quỹ đất được sử dụng bao nhiêu là dựa trên cung/cầu và tiền chênh lệch giá hầu hết được chuyển về Nhà nước và để trả cho những người có đóng góp, đó là những người sống trên những vùng đất ấy từ đầu được gọi là thổ dân ở đấy chứ không để tiền rơi vào những tay cò đất, thổi giá lợi dụng chính sách ưu đãi từ tiền thuế đất, thời gian cho thuê đất… để kiếm lời”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Xu hướng tiêu dùng xăng E5 ngày càng giảm
Giá thuê đất công nghiệp dự kiến sẽ tăng cao trong 3 năm tới
AWS dự kiến đầu tư hơn 5 tỷ USD vào Thái Lan
Việt Nam SuperPort cùng đối tác hợp tác phát triển hạ tầng logistics đường sắt, nâng cao năng lực thương mại quốc tế
Bộ Công Thương dẫn đầu các bộ về phục vụ người dân, doanh nghiệp năm 2024