Tranh luận về đề xuất tăng lương tối thiểu
Trước đó, phiên họp ngày 5.8 vẫn chưa thống nhất được về mức tăng lương tối thiểu vùng, vì đề xuất của các bên có liên quan đến người lao động chênh lệch quá lớn.
Theo đó, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc vừa chính thức bày tỏ quan điểm về việc tăng tương tối thiểu, theo đó ông ủng hộ một giải pháp dung hòa lợi ích các bên.
Ông Lộc cho rằng, trên quan điểm của VCCI, với tốc độ tăng năng suất lao động hiện nay khoảng 3%, tốc độ trượt giá của đồng tiền khoảng 1-3%, thì một mức tăng lương tối thiểu vùng khoảng 9 -10% là hài hoà.
Nếu lương tối thiểu năm 2016 tăng quá mức này, sẽ không có lợi cho việc tạo thêm việc làm mới cho người lao động và thất nghiệp sẽ gia tăng.
Vị đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp cũng cho rằng, trên thực tế, tốc độ tăng lương tối thiểu tại Việt Nam trong thời gian qua là “rất cao”.
Ông Lộc dẫn chứng các số liệu cho thấy, tiền lương tối thiểu giai đoạn 2005 - 2015 tăng 6,14 lần, tương đương mức tăng trung bình khoảng 20% mỗi năm. Trong khi đó, năng suất lao động kể từ 2005 đến nay trung bình chỉ tăng 3% một năm. Nếu cộng thêm mức độ trượt giá của tiền đồng 10%, khoảng cách giữa tốc độ tăng lương và tốc độ tăng năng suất lao động vẫn là một con số rất lớn.
Cũng theo đại diện VCCI, Nếu như các đề xuất của bên đại diện cho người lao động thể hiện những mong muốn về một cuộc sống tốt hơn cho người công nhân, thì những kiến nghị của bên đại diện cho người sử dụng lao động lại đứng trên góc độ khả năng chi trả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Rõ ràng là giữa mong muốn và khả năng vẫn còn một khoảng cách khá xa và mỗi bên cần phải có những nhượng bộ nhất định để tiến tới những lợi ích chung mang tính tổng thể.
Chắc chắn là các doanh nghiệp Việt Nam không thể chịu đựng được một mức tăng lương cao và kéo dài như vậy. Các số liệu về việc làm tại Việt Nam gần đây cho thấy, các tác động tiêu cực của việc tăng lương cao và kéo dài ngày càng lớn, ông Lộc nói.
Đồng quan điểm, ông Gabriel Demombynes - chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) nhận xét nếu xác lập mức lương tối thiểu đặc biệt cao sẽ khiến việc làm bị cắt giảm.
Theo vị này, mức tăng hiệu quả nhất được quyết định chủ yếu dựa trên yếu tố về năng suất lao động và năng lực cạnh tranh, ngoài ra, có thể cân nhắc thêm việc tăng giá và thu nhập tương đối.
Nghiên cứu của WB cho hay lương tối thiểu tại Việt Nam đã tăng nhanh trong những năm gần đây, vượt tăng trưởng năng suất lao động. Việt Nam thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) một phần là nhờ chi phí nhân công rẻ, tăng lương tối thiểu sẽ góp phần làm giảm lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với các nước có mức tiền lương thấp hơn và ảnh hưởng đến việc làm.
Ông Đặng Ngọc Tùng – Chủ tịch LĐLĐ VN phân tích: “Mục tiêu đến năm 2017, lương tối thiểu phải đủ mức sống tối thiểu của người lao động, tùy theo từng vùng. Nhưng theo kết quả khảo sát của các cơ quan chức năng thì hiện tại, lương tối thiểu chỉ đảm bảo khoảng 74 – 75% mức sống tối thiểu. Vậy là còn 25 – 26%, chia đều cho hai năm thì mỗi năm cần phải tăng 12 - 13%. Chỉ số giá (CPI) hiện khoảng 5,6%/năm nên ít nhất tăng lương cũng phải bù lại CPI. Như vậy, nếu cộng hai tỉ lệ đó lại, tỉ lệ tăng lương tối thiểu của năm 2016 khoảng 17,6-18,5% thì mới đảm bảo đến năm 2017 lương tối thiểu đáp ứng được mức sống tối thiểu”.
Ông Đặng Ngọc Tùng cho biết thêm, nếu đồng ý với VCCI, tăng lương tối thiểu vùng ở mức 10% - 11%, trừ đi 5,6% CPI thì tức là năm 2016, thực tế lương tối thiểu vùng chỉ tăng thêm 4,4-5,4%. Vậy là năm 2017, buộc phải đưa ra mức tặng 20% mới có thể đạt mục tiêu lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người lao động. Ông Đặng Ngọc Tùng nói: “Nếu năm 2016 chỉ tăng 4 – 5%, thì làm sao năm 2017 có thể tăng đột biến đến 20% được?”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo