Quốc tế

Tránh “vách đá tài chính”, Mỹ vẫn có nguy cơ cạn tiền

Ngày 3.1, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chính thức đặt bút ký thỏa thuận tăng thuế đối với tầng lớp người giàu nhất nước Mỹ, giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới tránh va phải “vách đá tài chính”.

Phản ứng tích cực

Tổng thống Obama đã sử dụng bút tự động, một thiết bị kỹ thuật có thể cho phép sao lại chữ ký của ông, để ký thỏa thuận này khi đang giữa kỳ nghỉ tại Hawaii. Sắc luật sẽ cho phép Mỹ gia hạn trợ cấp thất nghiệp thêm 1 năm cho khoảng 2 triệu người, ngăn việc cắt nguồn tiền chi trả từ Medicare cho các bác sĩ và tạm hoãn cắt giảm chi tiêu công 109 tỉ USD thêm 2 tháng. Hạ viện Mỹ - do phe Cộng hòa chiếm đa số - đã thông qua dự thảo trên với 257 phiếu thuận và 167 phiếu chống vào đêm 2.1 - gần 24 giờ sau khi Thượng viện chấp thuận nó với số phiếu 89-8.

Thông tin về dự thảo trên lập tức khiến các TTCK trên toàn cầu  khởi sắc. Tại Mỹ, các TTCK chính đã tăng ít nhất 2% ngay trong nửa giờ giao dịch đầu tiên sau nghỉ lễ năm mới 2013. Trong phiên giao dịch cuối cùng trước khi đóng cửa hôm 2.1, chỉ số công nghiệp Dow Jones của 30 tập đoàn, Cty lớn tăng hơn 300 điểm, tương đương 2,35%, lên 13.413 điểm trong khi chỉ số tổng hợp Nasdaq Composite tăng 3,21% và chỉ số Standard & Poor’s 500 của các DNVVN tăng 2,54%.  Đây là mức tăng giá lớn nhất của cả ba loại chỉ số chủ chốt này kể từ ngày 30.11.2011.

Trên thị trường Châu Âu, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 1,8%, DAX 30 của Ðức và CAC 40 của Pháp tăng 1,9%. Các thị trường London, Frankfurt, và Paris đều tăng hơn 2% vào giờ giao dịch buổi chiều cùng ngày. Theo Bloomberg, các TTCK Châu Âu cũng tăng lên mức cao nhất 22 tháng qua. Thậm chí một số chỉ số còn vọt lên quá mạnh và rơi vào vùng “mua quá mức”. Đóng cửa, chỉ số Stoxx Europe 600 tăng 2%, lên 285,33 điểm, đạt mức cao nhất kể từ ngày 28.2.2011. Châu Á không nằm ngoài vành đai phản ứng tích cực từ sắc luật này khi thị trường Hồng Kông tăng 2,9%, Seoul tăng 1,7% , và Sydney tăng 1,2%. 

Mới là giải pháp tình thế

Các nhà lãnh đạo Quốc hội Mỹ mô tả thỏa thuận tránh “vách đá tài chính” dù không hoàn hảo, nhưng phục vụ lợi ích tốt nhất cho người dân xứ cờ hoa. Điều này khiến các nhà phân tích quan ngại thỏa thuận trên chỉ tạo cho các nhà đầu tư sự an tâm ngắn hạn. Chiến lược gia tài chính David Buik của tổ chức Cantor Index bày tỏ sự lo ngại về việc Mỹ đã đạt đến mức trần nợ 16.400 tỉ USD hôm 1.1, trong lúc vẫn chưa quyết định liệu có nên nâng mức trần nợ lên hay không. Nếu không được vay thêm tiền, Mỹ sẽ đối diện với một tình thế chưa từng có – đó là cạn tiền để giải quyết các nghĩa vụ tài chính nhằm tránh vỡ nợ.

Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cho rằng các biện pháp giúp Mỹ tránh “vách đá tài chính” không đủ mạnh để giải quyết những vấn đề kinh tế trong dài hạn, gồm thâm thủng ngân sách và nợ nần nói chung. Phát ngôn viên IMF Gerry Rice nhận định, Mỹ còn nhiều việc cần phải làm để đưa tài chính công trở lại lộ trình bền vững mà không gây tổn hại đến sự phục hồi của nền kinh tế vốn vẫn rất mong manh.

Giới phân tích cũng đồng tình cho rằng thỏa thuận trên mới chỉ là một giải pháp tình thế, chưa giải quyết được tận gốc các vấn đề của nền kinh tế Mỹ.

Lo ngại

Dự luật được coi là một thắng lợi nhỏ của Tổng thống Barack Obama - người vừa tái cử nhiệm kỳ hai với cam kết sẽ tăng thuế đối với thiểu số người giàu nhất nước Mỹ, nhưng lại trì hoãn thêm hai tháng chương trình cắt giảm chi tiêu 1.200 tỉ USD trong 10 năm tới nhằm từng bước cắt giảm khoản nợ quốc gia đang ngày càng phình to. Nó áp đặt mức thuế cao hơn đối với những bất động sản thuộc diện thừa kế và lợi tức đầu tư, nhưng Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) dự báo trong 10 năm tới, kinh tế Mỹ sẽ bị thâm hụt thêm khoảng 4.000 tỉ USD, càng chất thêm gánh nặng lên món nợ quốc gia đã vượt trần vào ngày cuối cùng của năm 2012.

Thách thức lớn nhất đối với Tổng thống Obama là một loạt nghị sĩ Cộng hòa đã công khai lên tiếng sẽ đối đầu trong vòng hai tháng tới khi bước vào vòng thương lượng nâng trần nợ quốc gia. Phe Cộng hòa muốn sẽ sử dụng vấn đề này như một sức ép để buộc Nhà Trắng phải nhượng bộ trong vấn đề cắt giảm ngân sách và các chương trình phúc lợi.

“Chúng ta đã vượt qua “vách đá tài khóa”. Điều quan trọng tiếp theo, và có lẽ còn gây tranh cãi hơn, đó là thảo luận về trần nợ công cũng như những cải cách trong đầu năm 2013” - Jim Russell nhà chiến lược cấp cao về thị trường vốn của U.S.Bank Wealth Management cho biết.

Nỗi lo ngại này được thể hiện rõ trong các giao dịch trên thị trường năng lượng. Theo các chuyên gia phân tích, tâm trạng hưng phấn của thị trường này sau khi nước Mỹ né được “vách đá tài chính” vào phút chót đã xẹp xuống. Nhà đầu tư có ý thận trọng khi hai tháng tới, nước Mỹ lại phải đối mặt với cuộc đàm phán cam go liên quan tới thỏa thuận tài chính.

 

 

Hồng Lĩnh (Theo Lao Động)

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo