Tin tức - Sự kiện

Trao đặc quyền cho DNNN là tạo rào cản cho DN tư nhân

(DNVN)-Theo báo cáo đánh giá tái cơ cấu kinh tế Việt Nam giai đoạn 2011 - 2014 của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), việc trao nhiều đặc quyền, đặc lợi cho các DNNN đồng nghĩa với việc DN tư nhân gặp nhiều khó khăn và rào cản trong gia nhập thị trường mà DNNN vốn đang thống lĩnh.

Báo cáo của CIEM cho rằng, sau nhiều năm đổi mới, hệ thống pháp luật về DN của Việt Nam gồm gia nhập thị trường, hoạt động trên thị trường và rút khỏi thị trường đã đặt DNNN trong một khung khổ chung với DN tư nhân. Tuy nhiên, những hạn chế trong thực thi pháp luật cũng như ứng xử trên thực tế của Nhà nước và các chủ thể có liên quan đã tạo ra nhiều ưu thế, đặc quyền, đặc lợi cho DNNN ở nhiều lĩnh vực. Điều này đã tạo ra những bất hợp lý trong khung khổ quản trị và làm xáo trộn thị trường, giảm hiệu quả hoạt động của khu vực này.

Thực tế, DNNN được hưởng những lợi thế trong tiếp cận các nguồn lực, đặc biệt nguồn lực tài chính, gây xáo trộn thị trường. Ngoài ra, việc dễ dàng hơn trong tiếp cận các nguồn lực dẫn tới vị thế thị trường của DNNN càng được được củng cố, không những không đạt mục tiêu phân bổ lại nguồn lực hiệu quả hơn thông qua quá trình tái cơ cấu kinh tế, mà ngược lại còn làm trầm trọng thêm những nhược điểm của cơ cấu kinh tế hiện nay. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, một bất cập lớn đang tồn tại trong hệ thống quản lý quản trị của DNNN là tổ chức bộ máy quản lý điều hành DNNN còn rất hạn chế ở tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Những bất cập trong thể chế thực hiện chức năng chủ sở hữu đối với DNNN còn tạo ra khiếm khuyết lớn trong khung quản trị DNNN. 

Trách nhiệm giải trình của những người bảo vệ lợi ích cho chủ sở hữu Nhà nước tại DN còn thấp, trước hết là các thành viên hội đồng thành viên và kiểm soát viên ở các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước.

Theo phân tích của ông Nguyễn Tú Anh, Trưởng ban Kinh tế vĩ mô (CIEM), có nhiều biểu hiện chưa áp đặt được cơ chế ràng buộc ngân sách đối với DNNN, trước hết là ràng buộc về chi tiêu, đầu tư, mua sắm; ràng buộc về trách nhiệm tự vay tự trả và ràng buộc về kết quả kinh doanh, kỷ luật tài chính đối với DNNN chưa nghiêm ngặt. Một bộ phận DNNN chi tiêu bất hợp lý, hoạt động không hiệu quả, không đạt mục tiêu, tạo gánh nặng và rủi ro ngân sách, xứng đáng bị đào thải khỏi thị trường, nhưng không những không bị xử lý, mà còn được hỗ trợ, giải cứu dưới các hình thức khác nhau. Nhiều hình thức trợ cấp bất hợp lý, mang tính ưu đãi, tạo đặc quyền, đặc lợi cho DNNN đã và đang được thực hiện, vừa không tạo được áp lực để DNNN nâng cao hiệu quả hoạt động, vừa là yếu tố làm méo mó thị trường và quan hệ cạnh tranh.

Còn theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, DNNN vẫn chưa phải đối diện với ngân sách cứng, chưa phải hoạt động dưới áp lực cạnh tranh khốc liệt, những ưu đãi bất bình đẳng dành cho DNNN không chỉ gây bất lợi cho các DN tư nhân mà còn bất lợi cho chính các DNNN trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Do vậy, theo ông Cung, điều này đặt ra yêu cầu bức thiết cần giải quyết trong thời gian tới là phải nâng cao trách nhiệm của DNNN cũng như cơ quan quản lý của Nhà nước trong việc công bố kịp thời, chính xác và đầy đủ thông tin về DNNN theo thông lệ chung.

 

PV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo