Trao danh hiệu 'hoa hôi' cho Hà Nội thanh lịch
Ngày 10/2 vừa qua, công nhân công ty cây xanh Hà Nội có mặt thu gom các chậu hoa trang trí quanh bờ hồ Hoàn Kiếm, song nhiều người dân vẫn thản nhiên bê các chậu hoa trang trí về trong sự “bất lực” của các công nhân này.
Khi sự việc này xảy ra, nhiều người dân tỏ ra bức xúc vì đó là những hình ảnh xấu xí, làm mất đi vẻ thanh lịch vốn có của người Thủ đô.
Thật đáng buồn là những người tham gia hôi hoa, cướp hoa lại có cả những cụ ông, cụ bà và nam thanh nữ tú.
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra tình trạng “hôi" hoa tại các điểm công cộng và lễ hội.
Tại lễ hội hoa anh đào Nhật Bản diễn ra tại Hà Nội năm 2008, trong khi nhiều người Nhật xếp hàng để vào cổng thì nhiều bạn trẻ Việt Nam công kênh nhau bật tường rào để vào. Rồi cả nam lẫn nữ ào ạt, xô đẩy nhau tranh nhau bứt hoa bẻ cành những cây hoa anh đào mà nước bạn đưa sang.
Trước đó, Lễ hội Hoa Hà Nội bên Hồ Gươm năm 2010 cũng kết thúc trong cảnh nhốn nháo, hỗn loạn khi nhiều người lao vào cướp hoa. Cụ thể, sáng 4/1/2010, trước khu tượng đài Lý Thái Tổ, rất đông người dân xông vào cướp hoa khi Ban tổ chức Lễ hội phố Hoa Hà Nội đang thu dọn sau lễ bế mạc. Hàng trăm chậu hoa, cây cảnh bị giẫm đạp đổ nát trước sự bất lực của lực lượng an ninh.
Cứ phê phán những cảnh hôi của ở đâu đâu, ngay giữa thủ đô Hà Nội, nơi mà thanh lịch là nguồn lực văn hóa của người Hà Nội, lại xảy ra tình trạng ứng xử hết sức kém văn hóa.
Không chỉ thiếu văn hóa trong những sự kiện hy hữu, hàng ngày ở Hà Nội chúng ta có thể nhìn thấy đầy rẫy những sự kiện chướng tai gai mắt.
Khách lạ đến Hà Nội bây giờ hầu như đều run-sợ trước những cảnh xô bồ, chướng tai gai mắt. Trên đường cảnh chen lấn, vượt ẩu diễn ra như cơm bữa. Chỉ một va chạm nhỏ cũng dễ nổi khùng chửi bới, thậm chí đánh nhau không thương tiếc. Cảnh chặt chém ở các hàng quán, chợ búa trở thành nỗi ám ảnh. Thậm chí người ta còn ví von: “chặt chém như người Hà Nội thanh lịch”. Lỡ miệng trả rẻ là bị lườm nguýt, thậm chí bị chửi bới tục tĩu. Văn hóa phục vụ khách hàng đã bị biến đổi, không còn giữ được những nét đẹp vốn có của người Hà Nội xưa. Ngoài "bún mắng, cháo chửi" là vấn nạn “chặt chém” khách, “đong lừa, cân điêu, bán thiếu”, bán hàng kém chất lượng. Đã có không ít người dở khóc dở cười khi ăn tô bún giá 100 ngàn đồng, uống cốc trà đá với giá 15 ngàn đồng.
Mà đâu chỉ dừng lại ở đó, những hiện tượng như lừa đảo, cướp của du khách vẫn thường xuyên xảy ra khiến không ít người nước ngoài đã phải ví đi du lịch ở Việt Nam hấp dẫn như du lịch mạo hiểm vì những nguy hiểm luôn rình rập và có thể xuất hiện mọi nơi, mọi lúc.
Bởi vậy, bây giờ khách lạ bỗng nhiên trở nên sợ hãi về con người thủ đô. Nhiều anh, nhiều chị lỡ bị cho đi công tác Hà Nội thì ngoài giờ làm việc thì đành chịu chết dí trong khách sạn và mong mau mau đến ngày về.
Không chỉ khách lạ, mà ngay cả người gốc Hà Nội, đi xa lâu lâu về thăm quê cũng giật mình bởi vì người thủ đô bây giờ “lạ” quá. Tình trạng xả rác bậy ra đường, coi hè phố như của mình, nói trống không với người lớn tuổi,... đang thay thế dần cho lối cư xử nhã nhặn, lịch thiệp vốn có của người Hà Nội. Một người dân Hà Hội sống tại Sài Gòn, nói bây giờ đi xe máy mà không muốn đội nón bảo hiểm, chở hai, chở ba thì cứ ra Hà Nội mà xem. Họ dường như đã “nhờn” pháp luật, kỷ cương phép nước đến mức khi cảnh sát giao thông nhắc nhở là móc điện thoại ra gọi anh này, bạ nọ giải cứu.
Nhắc đến văn hóa Hà Nội người ta vẫn nghĩ ngay đến câu ca dao "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An". Tất nhiên, chẳng phải tự nhiên mà người xưa đặt “người Tràng An” bên cạnh “hoa nhài”, để cho sự “thơm” dịu mà say lòng người ở loài hoa ấy sánh với nét “thanh lịch” của con người.
Người Hà Nội xưa đẹp đẽ, ấn tượng là thế nhưng gần đây mọi thứ dường như đã lụi tàn, nếu không muốn nói là hoàn toàn biến mất, cách ứng xử thiếu văn hóa diễn ra hằng ngày, hằng giờ ở nơi công cộng, chợ búa và len lỏi vào từng ngõ xóm, gia đình.
Làm sao mà còn thanh lịch cho được khi người ta có thể trong tư thế sẵn sàng cướp đủ mọi thứ từ to tát như xe cộ, điện thoại đến những thứ đôi khi lại nhỏ bé vô cùng như những bông hoa?. Phải chăng lâu nay người Hà Nội xài “thanh lịch” phung phí quá nên bây giờ cạn kiệt, không còn nữa…
Có lẽ câu ca dao "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An" đã hết thời hạn sử dụng?!. Trong cuộc sống, cái khó nhất có lẽ là thay đổi thói quen, nếp nghĩ, cách sống. Vậy nên, có lẽ hành trình tìm lại "người Tràng An" thanh lịch xem ra còn dài dài.
Theo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc
Báo động tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam
Cột tin quảng cáo