Tin tức - Sự kiện

Trẻ ùn ùn nhập viện

Sau kỳ nghỉ tết, các bệnh viện trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh đã rơi vào áp lực quá tải khi trẻ em với các chứng bệnh tiêu hóa, hô hấp, nhiễm khuẩn... đã chật kín các phòng khám và khu điều trị nội trú

Mỗi ngày 1.000 bé nhập BV Nhi đồng 2



Tại BV Nhi Đồng 1, BS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa Hô hấp - cho biết, nhiều gia đình thấy kỳ nghỉ tết dài cho trẻ đi chơi xa hoặc về quê dài ngày ở các tỉnh miền Trung và phía bắc nên khi trở lại TP, không khí thay đổi đột ngột, nóng bức nên trẻ chưa thích nghi được với thời tiết nên bị hô hấp, viêm phổi rất nhiều. Tại khoa Tiêu hóa cũng đông chật trẻ em nằm điều trị với các bệnh tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn... Số bệnh nhân thường trực để điều trị nội trú tại khoa lúc nào cũng nằm ở con số 100, khiến việc bố trí giường nằm cho bệnh nhân trở thành áp lực lớn

 

Điều đáng nói, theo BS Nguyễn Thanh Hùng - Phó Giám đốc BV Nhi Đồng 1 - mặc dù BV có chế độ trực suốt các ngày tết, tuy nhiên, nhiều gia đình có trẻ bị bệnh lại chủ quan và kiêng khám bệnh đầu năm. Đến khi qua mùng 4 tết và trẻ bệnh nặng thì mới cho đến khám. Chính vì điều này khiến lượng bệnh nhân đổ về BV tăng cao.



Mỗi ngày, BV đảm nhận từ 4.000 đến 4.500 trường hợp đến khám và hơn 1.000 cháu phải nhập viện. Trong khi đó, tại BV Nhi Đồng 2, mỗi ngày, số lượng trẻ đến khám lên đến 3.500 – 4.500 trường hợp. Số trẻ phải nhập viện mỗi ngày cũng khoảng 1.000 bé. Không chỉ các bệnh thông thường của mùa tết, khoa Cấp cứu của BV còn phát hiện nhiều trường hợp mắc sốt xuất huyết, tay-chân-miệng bị biến chứng.



Áp lực từ bệnh tay-chân-miệng, não mô cầu, H5N1



Thống kê của 2 BV trên cho thấy, 50% số bệnh nhân đến khám từ các tỉnh lân cận TPHCM. Nhiều trẻ nhập viện, chuyển viện trong tình trạng nguy hiểm do chậm phát hiện ra bệnh. Chỉ tính riêng tại TPHCM, đến thời điểm này, lo sợ nhất vẫn là các loại dịch bệnh đang tiềm ẩn và có nguy cơ bùng phát.


Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP, đã có 12 bệnh nhân được phát hiện dương tính với viêm não mô cầu. Tính đến thời điểm này, viêm não mô cầu đã lan rộng ra 10 quận, huyện trên địa bàn TP. Theo các bác sĩ chuyên khoa Nhiễm, khoảng 20% số người khỏe mạnh mang vi trùng viêm não mô cầu.



Số lượng bệnh nhân nhập viện do tay-chân-miệng theo số liệu thống kê của 2 BV từ trong và sau tết đã lên đến 70 trường hợp, trong đó có 1 ca tử vong.



Theo Sở Y tế TPHCM, lo ngại nhất hiện nay chính là cúm A/H5N1 đang có nguy cơ bùng phát trở lại. TPHCM là địa bàn có lượng gia cầm nhập nhiều từ các tỉnh miền Tây - nơi có 2 trường hợp vừa mới tử vong do loại cúm này.



Để hạn chế tình trạng dịch bệnh hiện nay, TS-BS Phạm Việt Thanh - Giám đốc Sở Y tế TPHCM - khuyến cáo người dân phải thường xuyên rửa tay bằng xàphòng hoặc dung dịch sát khuẩn; súc họng, rửa mũi bằng nước sát trùng mũi họng, hoặc nước muối sinh lý mỗi ngày ít nhất 3 lần, thực hiện ăn chín, uống sôi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và sử dụng nước sạch để phòng tránh bệnh lây truyền qua đường tiêu hoá; vệ sinh môi trường...   

Theo Võ Tuấn (Lao Động)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo