Thị trường

Treo tỷ giá, ngân hàng đắc lợi

Việc “treo” tỷ giá quá lâu đang có lợi cho các ngân hàng trong bối cảnh kinh doanh khó khăn hiện nay.

“Treo” tỷ giá quá lâu: Lợi hay hại?

Theo PGS-TS Nguyễn Đắc Hưng, chuyên gia ngân hàng, tỷ giá được giữ rất ổn định trong mấy năm gần đây. Nếu như năm 2010, tỷ giá tăng tới 9,68%, thì năm 2012, tỷ giá lại giảm 0,96%.
 
Các ngân hàng lãi lớn nhờ chính sách tỷ giá
Tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá chỉ tăng 1,32% và khả năng cả năm tăng 1,4 - 1,5%. Dự báo, đến hết năm 2014 - 2015, áp lực phá giá tiền đồng khá lớn, nhưng với mục tiêu ổn định tỷ giá, nên biên độ điều chỉnh tỷ giá năm 2014 - 2015 sẽ không quá 2 – 2,5%/năm.
 
Tương tự, ông Sumit Dutta, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam cũng cho rằng, năm 2014 - 2015, tỷ giá sẽ ổn định. Cụ thể, nghiên cứu của HSBC cho rằng, tỷ giá cuối năm 2013 ở mức khoảng 21.250 VND/USD, đến cuối năm 2014 - 2015 vào khoảng 21.500 VND/USD.
 
Nguyên nhân tỷ giá ổn định, theo ông Sumit Dutta, là dự trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ cải thiện nhanh và mạnh, từ mức khoảng 30 tỷ USD năm 2013 lên 35 tỷ USD năm 2014 và lên tới 40 tỷ USD vào năm 2015.
 
Việc giữ ổn định tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mấy năm gần đây được cộng đồng ngân hàng và doanh nghiệp nhập khẩu đánh giá khá cao. Đại diện HSBC khẳng định, tỷ giá ổn định khiến Việt Nam trở thành quốc gia có đồng tiền ổn định thứ ba trong khu vực châu Á, làm tăng thêm niềm tin đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
 
Tuy vậy, chính sách giữ ổn định tỷ giá quá lâu của NHNN cũng gây ra nhiều lo ngại. Theo phân tích của TS. Vũ Đình Ánh, hơn 2 năm qua, biến động tỷ giá gần như nằm trên một đường thẳng, khiến tiền đồng bị định giá cao, gây bất lợi cho xuất khẩu. Do đó, TS. Vũ Đình Ánh khuyến nghị NHNN cân nhắc giữa cái lợi và cái hại của việc “treo” tỷ giá quá lâu để đưa ra chính sách tỷ giá hợp lý hơn.
 
Phản bác ý kiến này, PGS-TS Nguyễn Đắc Hưng cho rằng, lợi nhiều hơn hại khi tỷ giá ổn định. Việc này giúp tâm lý găm giữ ngoại tệ giảm mạnh, tình trạng đô-la hóa giảm mạnh. Đồng thời, nói tỷ giá ổn định không khuyến khích xuất khẩu cũng không đúng, bởi những năm gần đây, nhập siêu giảm mạnh. Ngoài ra, tỷ giá ổn định còn giúp NHNN tăng dự trữ ngoại hối, giảm gánh nặng nợ công của Việt Nam…
 
Trong khi đó, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) Nguyễn Quang Huy cho rằng, lo lắng của các chuyên gia về ổn định tỷ giá quá lâu là chính đáng. Tuy nhiên, tỷ giá và lạm phát có mối quan hệ qua lại với nhau. Tỷ giá ổn định giúp NHNN ổn định kinh tế vĩ mô, đòi hỏi cơ quan quản lý cân nhắc yếu tố liên quan trước khi có những điều chỉnh chính sách.
 
Ngân hàng lãi lớn nhờ chính sách tỷ giá
 
Đến thời điểm này, ý kiến về việc ổn định tỷ giá lợi hay hại với nền kinh tế vẫn chưa ngã ngũ, song điều chắc chắn là, tỷ giá ổn định thời gian qua đã giúp các ngân hàng thương mại thắng lớn.
 
PGS-TS Nguyễn Đắc Hưng khẳng định, tỷ giá ổn định và định hướng điều hành tỷ giá rõ ràng của NHNN giúp các ngân hàng thương mại thuận lợi hơn trong thực hiện chiến lược kinh doanh ngoại tệ của mình. Nếu trước đây, kinh doanh ngoại tệ của nhiều ngân hàng trong cảnh bấp bênh, thậm chí thua lỗ, thì từ năm 2012 đến nay, hầu hết các ngân hàng đều có lãi.
 
“Tính đến hết năm 2012 có ngân hàng thương mại cổ phần thu lãi từ kinh doanh ngoại tệ lên tới hơn 500 tỷ đồng. Trong năm 2013, nhìn chung, kinh doanh ngoại tệ của các ngân hàng thương mại đều có lãi”, ông Hưng khẳng định.
 
Ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Ngân hàng Sacombank cũng khẳng định, chính ngoại hối là một trong những “mảng sáng”, hỗ trợ cho lợi nhuận ngân hàng trong bối cảnh thu nhập từ tín dụng giảm mạnh.
 
Theo báo cáo tài chính của 13 ngân hàng TMCP, trong quý III/2013, thu nhập từ kinh doanh ngoại hối và vàng đạt hơn 670 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức lỗ 704 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Báo Đầu Tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo