Chứng khoán

Trích lập chứng khoán OTC, 14 năm 1 món nợ

Suốt 14 năm tồn tại và phát triển của TTCK, thì cũng gần như chừng đó thời gian thị trường mong đợi Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán chưa niêm yết (OTC), nhưng đến nay “khoảng trống” pháp lý này vẫn tồn tại.

Kỳ 1: CTCK không được phép… thận trọng?

5 Thông tư 1 “lỗ hổng”

Gần như trong bất kỳ một cuộc họp, diễn đàn thảo luận chính sách nào giữa UBCK và các thành viên thị trường, câu chuyện trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán OTC cũng đều được các CTCK nêu ra như một kiến nghị “nóng” cần được giải quyết sớm.

Đáng nói là các kiến nghị này đều được các “ông lớn” nêu ra. Nếu như tại hội nghị ngành chứng khoán năm 2014 , CTCK TP. HCM (HSC) tiếp tục kiến nghị Bộ Tài chính cho phép CTCK được áp dụng Thông tư 228/2009 (TT228) của Bộ Tài chính để trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán OTC, thì gần đây nhất, tại cuộc tọa đàm “Tháo gỡ khó khăn cho CTCK”, do Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam tổ chức, CTCK Sài Gòn đề nghị Bộ Tài chính sớm có văn bản hướng dẫn việc này, nhưng đến nay vẫn chưa có.

Các CTCK đều trích dẫn TT228 như một văn bản khởi nguồn đề cập đến việc trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán. Tuy nhiên, một điều bất ngờ mà ĐTCK phát hiện khi lần tìm lại các quy định pháp lý về vấn đề này là ngay từ năm 1997, có nghĩa là 3 năm sau TTCK Việt Nam mới khai sinh, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 64/1997 hướng dẫn chế độ trích lập và sử dụng dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng công nợ khó đòi, dự phòng giảm giá chứng khoán tại DNNN. Văn bản này quy định về lập dự phòng giảm giá các loại chứng khoán đầu tư theo công thức: mức dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán cho năm kế hoạch năm báo cáo = số lượng chứng khoán bị giảm giá tại thời điểm 31/12 x (nhân) giá chứng khoán hạch toán trên sổ kế toán – (trừ) giá chứng khoán thực tế trên thị trường…

Kể từ khi Thông tư 64/1997 ra đời đến nay, Bộ Tài chính đã ban hành thêm 5 Thông tư thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung, để hướng dẫn về chế độ trích lập và sử dụng dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng giảm giá chứng khoán tại DN... Đó là Thông tư 107/2001 thay thế Thông tư 64/1997, Thông tư 13/2006 thay thế Thông tư 107/2001, TT228 thay thế Thông tư 13/2006, Thông tư 34/2011 sửa đổi TT228 và Thông tư 89/2013 sửa đổi, bổ sung TT228, nhưng tất cả các văn bản này đều không quy định về chế độ trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán OTC áp dụng đối với CTCK.

Không phải tại TT228, mà ngay tại Thông tư 13/2006 khi quy định về dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính, Bộ Tài chính đã loại CTCK ra khỏi đối tượng được phép trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán OTC, khi quy định: “Riêng đối với các công ty chuyên kinh doanh chứng khoán không thuộc đối tượng áp dụng quy định về việc trích lập dự phòng tổn thất các khoản đầu tư chứng khoán theo quy định tại Thông tư này...”. Nội dung của quy định này tiếp tục được lặp lại tại TT228 (thay thế Thông tư 13/2006), khi quy định: các tổ chức đăng ký hoạt động kinh doanh chứng khoán như các CTCK, công ty quản lý quỹ được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Chứng khoán, việc trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán thực hiện theo quy định riêng.

Tuy nhiên, kể từ năm 2009 đến nay, CTCK ngóng đợi quy định riêng của Bộ Tài chính về trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán OTC, nhưng không biết đến bao giờ Bộ Tài chính mới trả “món nợ” này?

Rủi ro cho CTCK

Vì “khoảng trống” cơ chế trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán OTC, mà hiện các CTCK đang có cách hành xử khác nhau. Trong khi một số CTCK tìm cách trích lập mang tính nội bộ, thì rất nhiều CTCK không trích lập. Giám đốc tài chính một CTCK cho biết, việc Công ty trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán OTC là nhằm phản ánh trung thực, minh bạch tình hình tài chính, qua đó giúp cổ đông, NĐT nhận diện xác thực bức tranh tài chính của Công ty.

Ngoài ra, việc trích lập này còn có ý nghĩa giúp Công ty có dữ liệu tin cậy, để phục vụ cho quản trị rủi ro đối với các khoản đầu tư tài chính. Tuy nhiên, do đến nay Bộ Tài chính chưa có hướng dẫn rõ ràng về cơ sở trích lập, nên khi quyết toán thuế, Công ty chủ động tính khoản trích lập này vào lợi nhuận để tính thuế, nên thực hiện nghĩa vụ thuế không gặp khó khăn.

Tuy nhiên, trường hợp CTCK nào trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán OTC mà lại gạt khoản trích lập này ra khỏi lợi nhuận tính thuế, thì đương nhiên sẽ không được cơ quan thuế chấp nhận. Trường hợp của HSC là một điển hình, khi cách đây hơn 2 năm khiếu nại lên Bộ Tài chính, do nguyên tắc thận trọng, HSC đã trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán OTC cho năm 2007 là 16,8 tỷ đồng, năm 2008 là 99,6 tỷ đồng.

Thế nhưng, cơ quan thuế không đồng ý phương án trích lập này của HSC, nên quyết định truy thu thuế trên 19 tỷ đồng và phạt chậm nộp 4,1 tỷ đồng. Không đồng ý với quyết định này, HSC đã gửi khiếu nại lên Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính). Cùng kiến nghị này, nhưng có lúc Bộ Tài chính có văn bản đồng ý phương án trích lập của HSC, nhưng thời điểm khác lại có văn bản với nội dung trái ngược. Kết cục, HSC phải nộp khoản thuế trên 19 tỷ đồng, nhưng không bị truy thu 4,1 tỷ đồng tiền chậm nộp thuế...

Tìm hiểu từ lãnh đạo một số CTCK cho thấy, với những CTCK có khoản đầu tư chứng khoán OTC lớn, việc không trích lập dự phòng là đáng báo động, bởi không phản ánh trung thực “sức khỏe” tài chính của CTCK. Việc không được khấu trừ vào chi phí khoản trích lập dự phòng đầu tư chứng khoán OTC, còn khiến các CTCK phải đóng thuế nhiều hơn so với hiệu quả kinh doanh thực mà họ đạt được.                              

 

Theo Đầu tư Chứng khoán
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo