Quốc tế

Triều Tiên chi 24% GDP cho quân sự, nghi thử bom nhiệt hạch

(DNVN) - Triều Tiên chi tới gần 23,8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nước này cho quân đội, vượt xa bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới xét theo tỷ lệ %/GDP.

Hãng thông tấn Sputnik ngày 5/1 dẫn báo cáo chi tiêu ngân sách quốc phòng các nước của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Triều Tiên là nước duy nhất trên thế giới chi gần 1/4 GDP, cụ thể là tới 23.8% cho quân đội, hải quân và không quân. Trong khi đó, Hàn Quốc chỉ khiêm tốn 2,5% GDP cho quân đội, Mỹ chỉ chi 4,3%, Trung Quốc là 2,1% và Ngã 3,7%.

Tên lửa Triều Tiên trong lễ duyệt binh.

Sở dĩ Triều Tiên chi cho quân đội với tỷ lệ %/GDP lớn là do GDP nước này tăng trưởng thấp, đứng ở vị trí 101 trên thế giới trong giai đoạn 2002-2012, đạt 17 tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó, GDP của Hàn Quốc đứng thứ 14 trên thế giới, đạt 1.010 tỷ USD và cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ khoảng 15.400 tỷ USD.

Trong một diễn biến liên quan khác, Bộ Tư lệnh Quốc phòng về Sinh học, Hoá học, Tia X-ray (CBR) trực thuộc Bộ Quốc phòng Hàn Quốc báo cáo Triều Tiên đã xây dựng được nền tảng để chế tạo vũ khí nhiệt hạch và có lẽ đang sản xuất tritium – một đồng vị phóng xạ cần thiết để sản xuất các loại vũ khí hạt nhân phức tạp.

Ngoài ra, tuần trước, một nghiên cứu của Mỹ cũng cho biết, dựa trên phân tích hình ảnh vệ tinh thương mại, có thể suy đoán, Triều Tiên đang đào một đường hầm mới tại Punggye-ri.

Tuy nhiên, theo hãng tin Yonhap thì hiện Triều Tiên có thể vẫn chưa chế tạo xong bom nhiệt hạch, loại bom có sức công phá mạnh hơn bom nguyên tử. Phía Triều Tiên vẫn chưa có phản ứng nào về thông tin này. 

Trước đó, vào giữa tháng 12/2015, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố nước này đã phát triển một quả bom hydro trong một lần thanh tra ngành công nghiệp vũ khí. Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên lúc đó cũng cho biết, nước này đang “sở hữu kho vũ khí hạt nhân mạnh mẽ sẵn sàng kích nổ bom A (bom nguyên tử) và bom H (bom hydrogen) để bảo vệ chủ quyền của mình và phẩm giá của dân tộc”.

 

Nên đọc
Thu Phương (Theo Reuters)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo