Quốc tế

Triều Tiên khả năng đã tái kích hoạt nhà máy vũ khí hạt nhân

(DNVN) - Các ảnh vệ tinh của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) cho thấy Triều Tiên nhiều khả năng vừa tái kích hoạt nhà máy tái chế plutoni ở Yongbyon.

Theo hãng tin AFP, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Yukiya Amano ngày 6/6 đã dẫn các hình ảnh vệ tinh và đưa ra nhận định Triều Tiên có thể đã tái kích hoạt một nhà máy tái chế plutoni để sử dụng trong các vũ khí hạt nhân. 

Cơ sở hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên. 

Ông Amano cho biết, thông tin mà cơ quan này tiếp nhận được liên quan đến các hoạt động của lò phản ứng 5 Megawatt, hoạt động mở rộng các cơ sở làm giàu uranium và tái chế plutonium tại nhà máy của Triều Tiên ở Yongbyon. 

Tuyên bố này trùng hợp với những lời cảnh báo từ một cơ quan nghiên cứu của Mỹ. 

IAEA không được phép tiếp cận các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên, do đó chỉ giám sát thông qua các hình ảnh vệ tinh. Các dấu hiệu phát hiện được tại tổ hợp hạt nhân chính Yongbyon của Triều Tiên bao gồm "hoạt động di chuyển của các phương tiện, hơi nước, xả nước ấm hay vận chuyển vật liệu."

Tuần trước, các chuyên gia tại viện nghiên cứu thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ) dẫn ảnh vệ tinh cho biết đã phát hiện các xe nghi chở nguyên liệu phục vụ hoạt động tái chế di chuyển bằng đường ray gần khu vực thí nghiệm chất phóng xạ của cơ sở Yongbyon.

Ngoài ra, người đứng đầu IAEA cũng bày tỏ quan ngại nghiêm trọng trước việc Triều Tiên tiếp tục theo đuổi chương trình hạt nhân bất chấp một nghị quyết mới đây của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. 

 

Triều Tiên đã ngừng các hoạt động tại lò phản ứng ở Yongbyon năm 2007 theo một thỏa thuận giải trừ để đổi lấy viện trợ. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng đã tân trang cơ sở này sau khi tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ ba năm 2013. 

Hồi tháng 9/2015, Bình Nhưỡng tuyên bố cơ sở Yongbyon đang hoạt động để nâng cao chất lượng và số lượng vũ khí hạt nhân của nước này. IAEA cũng ghi nhận các hoạt động nối lại tại lò phản ứng ở Yongbyon vào năm ngoái.

Nên đọc
Thu Phương (Theo AFP)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo